(PLO)- Bộ Nội vụ đề xuất năm chính sách mới dành cho cán bộ, công chức, trong đó có việc đổi mới cơ chế quản lý theo vị trí việc làm, hoàn thiện quy định về đạo đức, văn hóa công vụ.

Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến của các cơ quan về hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Cán bộ, công chức (CBCC) sửa đổi.

Bộc lộ nhiều hạn chế


Theo tờ trình trình Chính phủ, Bộ Nội vụ cho biết sau năm năm được sửa đổi, bổ sung, một số quy định của Luật CBCC đã bộc lộ hạn chế nhất định, cần tiếp tục được hoàn thiện đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, cần phải nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, đồng bộ với các quy định mới của Đảng.

Trong đó, một số chủ trương mới của Đảng về công tác cán bộ cần tiếp tục thể chế hóa, bảo đảm thực hiện bằng quy định của luật. Cụ thể là cơ chế, chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài; cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; cơ chế sàng lọc, thay thế CBCC, viên chức thiếu trách nhiệm, năng lực hạn chế, uy tín thấp.

Đáng chú ý, một số quy định của luật chưa thống nhất, đồng bộ với quy định của Đảng; một số quy định của Luật CBCC chưa đồng bộ, thống nhất với pháp luật chuyên ngành khác…

hình ảnh
Cán bộ Trung tâm Hành chính công TP Thủ Đức (TP.HCM) giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Ảnh: HOÀNG GIANG


 

Bên cạnh đó, thực tiễn phát sinh nhiều vấn đề mới chưa được pháp luật quy định, như các quy định cụ thể về đạo đức công vụ; biểu hiện hành vi và chế tài, xử lý đối với CBCC vi phạm quy định về đạo đức công vụ...

Theo Bộ Nội vụ, cán bộ và công tác cán bộ là vấn đề “rất trọng yếu”, “quyết định mọi việc”, “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng.

Hiện nay, Đảng và Nhà nước ta đang thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy, gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC, viên chức đủ phẩm chất, năng lực đưa đất nước bước vào “kỷ nguyên mới”, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Do vậy, yêu cầu và cơ chế quản lý, sử dụng đội ngũ CBCC cần được nghiên cứu, quy định phù hợp với thực tiễn quản lý trong giai đoạn hiện nay.

“Từ những căn cứ chính trị, pháp lý và để khắc phục những bất cập trong thực tiễn nêu trên thì việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CBCC và Luật Viên chức là cần thiết” - Bộ Nội vụ nêu rõ.

Cũng theo Bộ Nội vụ, mục đích xây dựng Luật CBCC (sửa đổi) là nhằm đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ gắn với việc sắp xếp tổ chức bộ máy của cả hệ thống chính trị “Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả”.

Cùng với đó là xây dựng đội ngũ CBCC, nhất là CBCC lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu có đủ năng lực, phẩm chất, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ… Đổi mới mạnh mẽ công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động, đánh giá CBCC theo hướng thực chất, “vì việc tìm người, trên cơ sở sản phẩm cụ thể đo đếm được”.

Hướng tới nền công vụ thực tài


Tại dự thảo tờ trình, Bộ Nội vụ đề xuất năm chính sách mới, trong đó có điểm đáng chú ý là đổi mới cơ chế quản lý CBCC theo vị trí việc làm.

Mục tiêu của chính sách này là đổi mới cơ chế quản lý CBCC từ kết hợp giữa tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và chỉ tiêu biên chế sang cơ chế quản lý CBCC theo vị trí việc làm. Lấy vị trí việc làm làm cơ sở để thực hiện công tác tuyển dụng, sử dụng, đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và thực hiện chế độ, chính sách đối với CBCC. Đồng thời, tạo cơ chế cạnh tranh theo vị trí việc làm dựa trên kết quả công việc, hướng tới nền công vụ thực tài.

Về giải pháp thực hiện, Bộ Nội vụ cho biết sẽ nghiên cứu, sửa đổi quy định vị trí việc làm gắn với yêu cầu của ngành, lĩnh vực; từng bước bỏ quy định về ngạch và cơ cấu ngạch công chức; hoàn thiện cơ chế quản lý, sử dụng và trả lương đối với CBCC theo vị trí việc làm.

Ngoài ra cũng sẽ nghiên cứu, bổ sung quy định cho phép cơ quan nhà nước được ký hợp đồng lao động đối với một số vị trí việc làm thực thi, thừa hành do công chức đảm nhiệm. Việc này sẽ giúp tạo sự linh hoạt trong sử dụng nguồn nhân lực, đặc biệt đối với cơ quan hành chính có nguồn thu theo quy định.

Cụ thể, sẽ nghiên cứu, sửa đổi toàn diện các điều, khoản tại Luật CBCC hiện hành liên quan đến vị trí việc làm về nguyên tắc quản lý CBCC; quyền của CBCC về tiền lương và các chế độ liên quan đến tiền lương; các quy định về CBCC ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện về phân loại công chức, tuyển dụng công chức.

Đồng thời, bỏ các quy định liên quan đến ngạch công chức với các quy định về thay đổi vị trí việc làm, đào tạo bồi dưỡng theo vị trí việc làm, các quy định về điều động, bổ nhiệm, luân chuyển, biệt phái, từ chức, miễn nhiệm hay các quy định về đánh giá công chức. Ngoài ra cũng sẽ nghiên cứu, sửa đổi các quy định về quản lý CBCC theo hướng đẩy mạnh phân công, phân cấp trong công tác cán bộ…

Một chính sách khác được Bộ Nội vụ đề xuất là hoàn thiện quy định về quyền, nghĩa vụ của CBCC và những việc CBCC không được làm; đạo đức, văn hóa công vụ. Mục tiêu là thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng về khuyến khích, bảo vệ CBCC năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; thẩm quyền, trách nhiệm nêu gương của CBCC, đặc biệt là người đứng đầu.

Ở chính sách này, Bộ Nội vụ cho hay sẽ nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện quy định về quyền, nghĩa vụ, những việc không được làm của CBCC. Có thể kể đến như nghiêm cấm biểu hiện, hành vi né tránh, đùn đẩy, không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ chức trách, nhiệm vụ theo quy định hoặc nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao mà không có lý do chính đáng. Hay như chính sách nhằm giữ chân những người có năng lực, trình độ cao và phẩm chất đạo đức tốt an tâm công tác.

Bộ Nội vụ đề xuất Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội Luật CBCC (sửa đổi) để đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 của Quốc hội. Đồng thời, trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 10 (tháng 11-2025) và thông qua tại kỳ họp thứ 11 (tháng 4-2026).

Dự kiến thời gian luật có hiệu lực từ ngày 1-1-2027.

Nội dung: NGUYỄN THẢO

Nguồn: Báo Pháp Luật TP.HCM

Xem thêm: Tổng Bí thư Tô Lâm: Đánh giá cán bộ phải thực chất, vì việc tìm người