Bộ công thương: Kinh doanh xăng dầu không còn độc quyền
Bộ công thương: Kinh doanh xăng dầu không còn độc quyền(Doanh nghiệp) - Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng tại báo cáo thực hiện nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội.
Theo thông tin từ báo cáo, từ 2009 đến nay, các nghị định của Chính phủ đều cho phép doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế được tham gia.
Mặt hàng xăng dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, những doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP đều có thể tham gia kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu, vì vậy việc kinh doanh xăng dầu không còn mang tính độc quyền nữa, Bộ trưởng khẳng định.
Về con số, Bộ trưởng Hoàng cho hay, đến hết năm 2012, trên thị trường có 12 doanh nghiệp đầu mối tham gia kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu, trong đó có cả doanh nghiệp nhà nước (chiếm đa số) và doanh nghiệp tư nhân.
Còn đến giữa tháng 5/2015, số doanh nghiệp đầu mối đã tăng lên 22, trong đó có 8 doanh nghiệp nhà nước, còn lại 14 doanh nghiệp thuộc khu vực doanh nghiệp tư nhân.
Một quy định mới mà theo Bộ trưởng là sẽ tăng tính cạnh tranh trên thị trường xăng dầu, đó chính là bên cạnh việc kinh doanh xăng dầu theo phương thức tổng đại lý, đại lý đã bổ sung thêm 2 phương thức phân phối xăng dầu mới là phương thức mua đứt bán đoạn và nhượng quyền thương mại.
Trong công tác điều hành giá xăng dầu thời gian qua, ông Hoàng khái quát, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính đã phối hợp chặt chẽ, điều hành giá xăng dầu phù hợp với xu hướng biến động giá xăng dầu thế giới, đáp ứng mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô.
Kinh doanh xăng dầu đã không còn độc quyền
Trước đó, ngày 30/5, bên lề Quốc hội nói về câu chuyện tăng giá xăng, dầu, ông Hoàng cho biết: "Đợt điều chỉnh xăng dầu vừa rồi, liên Bộ Tài chính - Công thương đã tính toán rất kỹ rồi so sánh giữa giảm thuế nhập khẩu với việc tăng thuế môi trường của xăng dầu ra sao để đi đến quyết định tăng bao nhiêu là hợp lý.
Theo tính toán, chỉ riêng mặt hàng xăng tăng giá 162 đồng so với thời điểm trước khi chúng ta thay đổi thuế nhập khẩu và thay đổi thuế môi trường, thì việc tăng 162 đồng trên tổng giá xăng 20.430 đồng/lít như hiện nay, tức là chỉ tăng 0,8% , mức tăng này là không đáng kể".
Trong khi đó, theo ông, tính toán giữa thuế nhập khẩu và thuế môi trường đối với dầu diezen, dầu hỏa và dầu mazut tại thời điểm hiện tại thì giảm hơn trước, thậm chí, dầu diezen còn giảm 2.300 đồng/lít, dầu hỏa, dầu mazut giảm 500 đồng đến hơn 1.000 đồng/lít.
Như vậy, giảm thuế nhập khẩu xăng dầu và tăng thuế môi trường đối với mặt hàng này thì giá xăng, dầu giảm so với trước đây. Đây là con số đã được liên Bộ tính toán kỹ.
Ngày 25/5, về giá xăng dầu, Bộ trưởng Hoàng khẳng định tuy có tác động của thuế môi trường đối với giá xăng nhưng không đáng kể, đồng thời cam kết chịu trách nhiệm về các số liệu chứng minh.
"Những người như chúng tôi trong ngành này mỗi khi đứng trước việc tăng giá thì rất khó khăn, nhưng chúng tôi nghĩ rằng càng ngày cơ chế thị trường càng nhuần nhuyễn thì dư luận sẽ ủng hộ hơn", ông chia sẻ.
Trong một diễn biến liên quan, chia sẻ trong Chương trình Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời ngày 24/5, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng đã khẳng định giá xăng dầu thời gian qua được điều hành hài hòa theo diễn biến giá thế giới và việc giá xăng tăng 30% từ đầu năm là hợp lý.