Trấn Thành đạt được nhiều thành công khi chuyển qua làm phim điện ảnh với các bộ phim có doanh thu lớn, thế nhưng anh cũng nhận về những ý kiến trái chiều vì trong phim có nhiều tiếng chửi thề, cảnh cãi vã khiến người xem có phần khó chịu.
Có thể thấy trước những lời góp ý, bàn tán về mình, Trấn Thành đều mau lẹ đáp trả. Với những bộ phim nhiều cảnh cãi vã, tiếng chửi thề, Trấn Thành cho rằng đó là hơi thở của cuộc sống và cho rằng những khán giả nói phim có nhiều chửi thề là không xem phim một cách thoải mái.
Cụ thể về những đối đáp về phim điện ảnh của Trấn Thành, theo TTO, vào chiều 30/1, đạo diễn - diễn viên Trấn Thành và ê kíp phim Mai gồm diễn viên Phương Anh Đào, Tuấn Trần, Uyển Ân có buổi chiếu đầu tiên cho báo chí. Khi phim kết thúc, nhiều người rơi nước mắt vì những tình tiết gây xúc động trong phim.
Trấn Thành đạt nhiều thành công trong lĩnh vực phim điện ảnh - Ảnh: VNN
Hai nhân vật chính Mai (Phương Anh Đào) và Dương (Tuấn Trần) có nhiều cảnh diễn nội tâm phức tạp, khiến người xem đồng cảm, xót xa cho nhân vật. Bên cạnh đó, do câu chuyện có nhiều tình tiết bi kịch, phim cũng có ít yếu tố hài hơn so với các phim trước đây của Trấn Thành.
Các phân cảnh cãi vã, chửi bới vẫn có để khắc họa những mâu thuẫn lớn, sự bức xúc, bùng nổ... của nhân vật. Do phim có sự phân loại, đạo diễn Trấn Thành cũng không ngần ngại đưa vào thoại các từ tục và các cảnh táo bạo.
Trước việc ồn ào, cãi vã là vấn đề gây tranh cãi lớn của phim Nhà bà Nữ vào dịp Tết năm ngoái, nên sau buổi chiếu Mai, đạo diễn Trấn Thành tiếp tục đối mặt với câu hỏi về các từ chửi thề, cảnh cãi vã trong Mai.
Nam diễn viên cho rằng phim của anh mang hơi thở cuộc sống - Ảnh: VNN
Trấn Thành chia sẻ: "Nếu ai đó nói phim tôi chửi thề nhiều thì đôi khi người đó thật sự chưa xem một cách thoải mái. Nếu chúng ta ngồi thoải mái và "enjoy" một bộ phim thì chúng ta sẽ không cảm thấy điều đó là chửi đâu.
Quý vị đi ra ngoài đường, đâu đó mình cũng nghe những âm thanh đó mà phải không ạ? Đó là hơi thở cuộc sống, là văn hóa của con người. Ngày xưa chúng ta từng nói phim có giang hồ mà không một câu chửi thề, không giống giang hồ gì hết trơn. Có cái cảm giác khó chịu khi mình cứ phải mỹ hóa những nhân vật hoàn toàn không có ngoài đời".
Trong phim, nhân vật Mai cũng chịu nhiều đau khổ, bất hạnh từ trong gia đình đến khi bước chân ra ngoài xã hội. Có những lúc quá uất ức, cô cũng có phản ứng mạnh.
Điều này được một nhà báo đặt trong tương quan so sánh với Trấn Thành - một nghệ sĩ thường xuyên nhận nhiều chỉ trích của khán giả nhưng ít khi lên tiếng đáp trả.
Trả lời câu hỏi này, Trấn Thành phủ nhận mình gửi gắm nỗi niềm cá nhân qua nhân vật Mai. Anh cho biết câu chuyện của Mai chỉ để phát triển tính cách cho một mình Mai. Còn lại, bất cứ ai trong cuộc sống này đều có những lúc bức bối trong công việc hoặc cuộc sống, đều muốn hét thẳng vào mặt người khác những gì họ đã khiến mình phải chịu đựng. Trấn Thành cho rằng sẽ có nhiều khán giả đồng cảm và chia sẻ được với Mai ở điều đó.
Là hai diễn viên được đánh giá có thực lực, Phương Anh Đào và Tuấn Trần được Trấn Thành và biên kịch đầu tư xây dựng nhân vật trong phim Mai. Dù vai của Phương Anh Đào vẫn đầy khổ ải, vai của Tuấn Trần vẫn có vẻ trai lơ, ngông nghênh, nhưng nét diễn của cả hai đều có sự mới mẻ và tiến bộ so với chính họ trong các phim khác.
Nữ diễn viên Phương Anh Đào cho biết cô rất hồi hộp đón chờ phản ứng của khán giả sau khi đã dồn toàn bộ tâm huyết vào nhân vật Mai và bộ phim này. Cô cho biết: "Tôi đặt niềm tin vào đạo diễn Trấn Thành, và niềm tin đó cũng được thể hiện ở những cảm xúc mà mọi người đang thể hiện lúc này".
Trước những lời đối đáp của Trấn Thành về cảnh cãi vã, chửi thề liên tục xuất hiện trong phim điện ảnh, khán giả cũng nhanh chóng bày tỏ quan điểm, có một số người đồng tình cho rằng những điều đó chân thật như đời sống hàng ngày, cũng có những ý kiến đáp rằng nghe chửi thề ngoài đời không ảnh hưởng đến mình, trong khi đó phải bỏ tiền vô rạp mà lại phải nghe chửi thề với âm thanh lớn thì cảm thấy khó chịu, cũng có ý cho rằng đâu nhất thiết phải bê trất cả những điều xảy ra trong cuộc sống vào phim vì có những điều gây ảnh hưởng không tốt đến người xem.
Hai diễn viên chính trong phim Mai của Trấn Thành, ra rạp vào dịp Tết - Ảnh: Dantri
Có khán giả cho rằng: ‘Nghe chửi thề ngoài đường khác với nghe chửi thề trong rạp. Ở ngoài đường chẳng ai quan tâm và cũng chẳng ảnh hưởng gì đến mình hết. Còn vô rạp, vừa mất tiền mua vé, vừa nghe chửi trên nền âm thanh cực lớn, điếc hết cả tai, nhức hết cả đầu’.
Một khán giả bày tỏ: ‘Phim của Trấn Thành sở dĩ thu hút số đông cũng là vì điều này khi chiều theo sở thích 'đường phố' của một bộ phận thích...nói tục. Việc đưa sự dung tục vào phim chỉ là để câu khách, còn nội dung phim chẳng giúp người xem rút ra được cái hay, ý nghĩa hay tính thẩm mỹ, giáo dục gì cả. Nên nhớ phim ảnh là văn hóa và có tác động lớn đến số đông, nếu các nhà làm phim cứ lấy cái vỏ bọc mang 'hơi thở cuộc sống' để mà mang bạo lực, dung tục, ...tất tần tật lên phim thì có lẽ nên xem ngay chính cuộc sống mỗi ngày như một cuốn phim thì hay hơn...vì luôn sôi động, bất ngờ và không đoán được. Đã là phim thì phải có ngôn ngữ điện ảnh, nó không thể mang y chang cái ngôn ngữ đường phố được!’.
Cũng có ý kiến thẳng thắn của khán giả: ‘Chắc là Trấn Thành nói đúng: Tôi xem phim của anh (Nhà Bà Nữ) một cách không thoải mái vì phim chửi thề nhiều quá. Thế là tôi quyết định không xem nữa, và sau khi không xem thì tôi mới thật sự thoải mái !!!’.
Có thể thấy một số phim có những câu thoại, diễn biến tâm lý, hành động của nhân vật rất đơ, như đang diễn kịch khiến người xem có phần khó chịu, không thực tế như mọi việc diễn ra trong đời sống. Tuy nhiên để đưa những sự việc diễn ra hàng ngày trong đời sống lên phim ảnh cần có sự chọn lọc cũng như sự tinh tế, sâu sắc của những người thực hiện để khán giả cảm nhận những điều đó rất chân thật nhưng không thô kệch. Bên cạnh đó, một số người muốn tạo chất riêng làm nên thương hiệu phim của mình như đưa vào yếu tố hài, tâm linh, đời thường…, tuy nhiên cần có chọn lọc và tiết chế phù hợp để phim phản ảnh lăng kính cuộc sống qua những góc nhìn tinh tế, có chiều sâu, mang đến những cảm nhận ý nghĩa cho khán giả.