Mới đây, Nghệ An ghi nhận ca bệnh bạch hầu tử vong. Một ca tiếp xúc gần ca bệnh này đã được xác định dương tính với bạch hầu, là cô gái 18 tuổi ở Bắc Giang .

Báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Bắc Giang cho biết, kết quả xét nghiệm đã xác định chị Moong Thị B. (18 tuổi, tạm trú tại thôn Trung Tâm, xã Hợp Thịnh, H.Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang; thường trú tại H.Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An) dương tính với bạch hầu và đang được điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Cô gái này là một trong 2 trường hợp tiếp xúc gần với ca tử vong do bệnh bạch hầu tại H.Kỳ Sơn (Nghệ An).

Bệnh bạch hầu nguy hiểm như thế nào?

Đã có không ít người bệnh nhầm lẫn giữa hai loại bệnh bạch hầu và viêm họng hoặc cảm cúm thông thường. Tình trạng nhầm lẫn này tạo điều kiện cho việc lây lan dịch bệnh trong trong gia đình, cộng đồng, đặc biệt dẫn đến việc chọn lựa phương pháp điều trị không chính xác, khiến bệnh càng nặng hơn.

Bệnh bạch hầu là một trong những bệnh truyền nhiễm cấp tính có khả năng lây lan cao nhất hiện nay. Người bệnh bị bạch hầu sẽ có một lớp màng dày xuất hiện trong họng, mũi hoặc trên da. Bệnh thường gây sưng to vùng cổ nên còn được mô tả như "bệnh cổ bò" trong Đông y.

Bệnh có nguy cơ lây truyền cao trong cộng đồng, đặc biệt là ở trẻ em. Thời gian ủ bệnh có thể kéo dài từ 2 đến 10 ngày, tùy thuộc vào tính chất của vi khuẩn.

Nguyên nhân chủ yếu của bệnh bạch hầu là do vi khuẩn cùng tên, một dạng trực khuẩn không di động nhưng có khả năng sản xuất các loại độc tố. Khi các độc tố này xâm nhập vào cơ thể, nhất là ở vùng họng sẽ làm cho quá trình tổng hợp tế bào cơ thể bị ức chế. Theo thời gian, các tế bào này tự chết và tạo thành các màng giả bám vào thành họng. Vi khuẩn sau đó lan ra khắp cơ thể qua máu, gây tổn thương cho hệ thống tuần hoàn, tim, dây thần kinh và nhiều bộ phận khác của cơ thể.

Bệnh bạch hầu có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm và dẫn đến tử vong chỉ trong thời gian ngắn từ 7 đến 10 ngày. Bệnh thường lây lan chủ yếu thông qua đường hô hấp trong cộng đồng, tuy nhiên có một số trường hợp cá biệt lây nhiễm thông qua việc sử dụng chung đồ dùng sinh hoạt với người bệnh hoặc do vi khuẩn bám vào bề mặt da đã bị tổn thương.

Bệnh bạch hầu và viêm họng phân biệt qua các dấu hiệu phổ biến nào?- Ảnh 1.

Giả mạc trắng trong hầu họng bệnh nhân mắc bệnh bạch hầu

Những triệu chứng cơ bản của bệnh bạch hầu

Để phân biệt bạch hầu và viêm họng thì trước tiên bạn cần nhận biết được các triệu chứng cơ bản nhất của bệnh bạch hầu. Triệu chứng của bệnh bạch hầu thường xuất hiện từ 2 đến 5 ngày sau khi người nhiễm vi khuẩn. Ban đầu, những triệu chứng này có vẻ giống với viêm họng hay cảm lạnh thông thường. Sau 3 - 7 ngày quan sát, bệnh nhân thường phát hiện một lớp màng dày, có màu trắng đục hoặc xám xuất hiện tại cổ họng hoặc amidan.

Các dấu hiệu khi bệnh bạch hầu mới bắt đầu xuất hiện bao gồm:

- Sốt nhẹ, cảm giác mệt mỏi và uể oải.

- Bồn chồn, lo lắng, bị ớn lạnh sống lưng.

- Viêm họng nhẹ hoặc ho thường xuyên, kèm theo tiếng hơi khàn khi ho.

- Sưng hạch bạch huyết ở cổ hoặc dưới cằm.

- Háo nước và tiêu chảy thường xuyên.

- Diễn biến bệnh kéo dài có thể làm cho bệnh nhân trở nên xanh xao và nhợt nhạt.

Dấu hiệu khi bệnh trở nặng:

- Triệu chứng nhận diện bệnh ở những người mắc bệnh bạch hầu kéo dài như sau:

- Cảm giác cổ họng bị áp lực, kém thoải mái, khó khăn khi nuốt thức ăn hoặc thậm chí gặp khó khăn trong việc hô hấp.

- Tình trạng nói chuyện trở nên khó khăn mặc dù trước đó bệnh nhân có thể nói chuyện bình thường.

- Thị lực thay đổi, thường có xu hướng mờ dần, đặc biệt là trong tầm nhìn xa.

- Có thể xuất hiện các dấu hiệu của chứng sốc nhiệt, bao gồm khuôn mặt tái nhợt, sự mồ hôi lạnh thường xuyên, nhịp tim đập nhanh đột ngột và không đều.

Bệnh bạch hầu và viêm họng phân biệt qua các dấu hiệu phổ biến nào?- Ảnh 2.

Cách phân biệt bạch hầu và viêm họng

Bởi vì triệu chứng của bệnh bạch hầu và viêm họng có sự tương đồng, do đó việc phân biệt bạch hầu và viêm họng là vô cùng quan trọng để có phương hướng điều trị hiệu quả.

Các triệu chứng chung của bệnh bạch hầu và viêm họng bao gồm: Sốt nhẹ trong giai đoạn đầu; Cảm giác đau, khó chịu ở họng, gặp khó khăn khi nuốt; Sưng, nóng, đỏ ở hạch bạch huyết; Tình trạng cơ thể mệt mỏi.

Để nhận biết và có biện pháp phòng tránh kịp thời, chúng ta cần phân biệt bạch hầu và viêm họng qua các yếu tố riêng biệt sau:

Khi bị bệnh bạch hầu người bệnh có dấu hiệu sốt nhẹ nhưng với người mắc viêm họng thì cơn sốt thường lên cao nhất là vào ban đêm.

Bệnh bạch hầu gây khó chịu ở khu vực cổ họng trong khi viêm họng gây khô môi và lưỡi, mất giọng, cảm giác đau rát khi nuốt thức ăn cứng, tắc mũi hoặc chảy nước mũi.

Người bệnh bạch hầu sẽ bị sưng hạch bạch huyết còn bệnh nhân mắc viêm họng thường có hạch sưng ở cổ, dưới tai, góc hàm.

Phân biệt bạch hầu và viêm họng qua giả mạc. Đây là một trong những triệu chứng đặc trưng của bạch hầu. Giả mạc của bệnh nhân bạch hầu xuất hiện dày và bám chặt vào niêm mạc họng, gần như không tách ra được, nếu cố gắng tách sẽ bị chảy máu. Ngược lại, giả mạc ở bệnh nhân viêm họng mỏng, dễ dàng lấy ra mà không gây chảy máu và không có màu sắc sẫm như bạch hầu.

Cách phòng tránh bệnh bạch hầu

Như vậy ở phần trên chúng ta đã biết cách phân biệt bạch hầu và viêm họng. Để phòng tránh bệnh bạch hầu, chúng ta cần thực hiện các biện pháp dưới đây:

+ Tiêm phòng vắc xin bạch hầu cho trẻ theo lịch tiêm chủng quốc gia.

+ Thực hiện rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng và hướng dẫn trẻ rửa tay đúng cách.

+ Duy trì vệ sinh cho mắt, mũi, miệng bằng cách súc họng và nhỏ mắt hàng ngày.

+ Đeo khẩu trang khi tiếp xúc với những người có nguy cơ mắc các bệnh đường hô hấp.

+ Hạn chế tiếp xúc với những người có dấu hiệu nghi mắc bệnh bạch hầu.

+ Che miệng khi hoặc hắt hơi. Vệ sinh khu vực sinh hoạt để đảm bảo sạch sẽ.

+ Báo ngay cho cơ sở y tế nếu nghi ngờ có người mắc bệnh để phân biệt bạch hầu và viêm họng chính xác từ đó tiến hành cách ly, ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh.

+ Tuân thủ đúng các hướng dẫn của nhân viên y tế khi tiếp xúc với người mắc bệnh.