Báo cáo đánh giá công tác báo chí năm 2011 và một số nhiệm vụ chủ yếu trong năm 2012


http://www.cpv.org.vn/cpv/Modules/Ne...1&cn_id=515607


(ĐCSVN) - Tại Hội nghị Cán bộ báo chí toàn quốc tổ chức ngày 30/3 tại Quảng Ninh, đồng chí Đỗ Quý Doãn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, thay mặt Ban Tổ chức đã trình bày Báo cáo đánh giá công tác báo chí năm 2011 và một số nhiệm vụ chủ yếu trong năm 2012. Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam trân trọng giới thiệu toàn văn báo cáo.


Năm 2011 là năm diễn ra nhiều sự kiện quan trọng, nhiều ngày lễ lớn của đất nước: Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI; bầu cử Đại biểu Quốc hội Khóa XIII và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016...Năm 2011 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020.


Bên cạnh những thuận lợi, nền kinh tế nước ta cũng đang chịu tác động tiêu cực từ những khó khăn của nền kinh tế thế giới. Lạm phát và tình hình thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp đã tác động xấu đến kinh tế và đời sống của nhân dân, ảnh hưởng trực tiếp đến việc bảo đảm an sinh xã hội, nhất là khu vực nông thôn, miền núi. Trong bối cảnh đó, các thế lực thù địch đẩy mạnh thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình” chống phá sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta.


Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý điều hành của Chính phủ, sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, đất nước ta đã vượt qua những khó khăn, thử thách phấn đấu đạt được những thành tựu quan trọng đưa sự nghiệp đổi mới tiếp tục phát triển.


I. TÌNH HÌNH HOẠT ĐỘNG BÁO CHÍ VÀ THÔNG TIN TRÊN BÁO CHÍ


1.Tình hình hoạt động báo chí:


Trong năm qua, những khó khăn của nền kinh tế thế giới và trong nước đã có ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của báo chí. Với sự chỉ đạo kịp thời của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông và Hội Nhà báo Việt Nam, sự quản lý trực tiếp của các cơ quan chủ quản, các cơ quan báo chí đã có nhiều cố gắng, duy trì hoạt động, tiếp tục phát triển về số lượng, chất lượng, hình thức và nội dung báo chí cũng như đội ngũ những người làm báo.


Về báo chí in, tính đến tháng 3 năm 2012, cả nước có 786 cơ quan báo chí in với 1.016 ấn phẩm. Trong đó báo có 194 cơ quan ( gồm 81 báo chí Trung ương, 113 báo địa phương); tạp chí có 592 cơ quan (475 tạp chí Trung ương và 117 tạp chí địa phương).


Trong năm qua, sự khó khăn của doanh nghiệp đã có tác động làm suy giảm doanh thu quảng cáo trên báo chí in. Tuy nhiên, nhìn trên bình diện tổng thể, doanh thu quảng cáo vẫn lớn hơn năm 2010 nhưng tỷ lệ tăng trưởng có giảm hơn so với những năm trước đó. Theo số liệu báo cáo của các cơ quan báo chí, tổng doanh thu quảng cáo của loại hình báo chí in trong năm 2010 là khoảng 1690 tỷ đồng; ước tính năm 2011 là khoảng trên 1700 tỷ đồng; tổng doanh thu năm 2011 ước tính khoảng 4200 tỷ đồng, trong đó nộp ngân sách nhà nước khoảng 300 tỷ đồng.


Về phát thanh, truyền hình, hiện toàn quốc có 67 đài Phát thanh truyền hình Trung ương và địa phương, trong đó có 2 đài quốc gia, 1 đài truyền hình kỹ thuật số, 64 Đài Phát thanh, truyền hình cấp tỉnh. Ngoài hệ thống truyền hình quảng bá, hệ thống truyền hình trả tiền ở nước ta phát triển mạnh bằng nhiều loại công nghệ truyền dẫn như cáp, vệ tinh, số mặt đất và đang bước đầu thử nghiệm công nghệ IPTV. Cả nước có 47 đơn vị được cấp phép hoạt động truyền hình cáp, 09 đơn vị cung cấp dịch vụ truyền dẫn tín hiệu truyền hình cáp. Trong đó có 03 đơn vị cung cấp dịch vụ truyền dẫn tín hiệu truyền hình cáp lớn nhất trong cả nước là: VCTV, SCTV và HTVC. Riêng 05 cơ quan báo hình lớn nhất của Việt Nam (Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC, Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội, Đài Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh, Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Dương) đã sản xuất 62 kênh truyền hình trả tiền. Ngoài ra, trên hệ thống truyền hình trả tiền hiện có 75 kênh truyền hình nước ngoài, phục vụ gần 2,5 triệu thuê bao trên toàn quốc. Năm 2011, toàn ngành phát thanh - truyền hình nộp ngân sách nhà nước 900 tỷ đồng.


Cũng tính đến tháng 3 năm 2012, trong lĩnh vực thông tin điện tử, cả nước có 61 báo, tạp chí điện tử, 191 mạng xã hội, hơn 1.000 trang thông tin điện tử tổng hợp.


Cả nước có gần 17.000 nhà báo được cấp thẻ hành nghề, hàng nghìn phóng viên đang hoạt động báo chí chuẩn bị đến thời hạn cấp thẻ.


Nhiều cơ quan báo chí chủ động tổ chức các hoạt động xã hội từ thiện như ủng hộ đồng bào bị thiên tai ở trong nước và quốc tế, hỗ trợ đồng bào những vùng khó khăn, các đối tượng chính sách, tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao tôn vinh các doanh nghiệp, doanh nhân, người lao động xuất sắc.


2. Tình hình thông tin trên báo chí:


a. Ưu điểm:


Trong bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước có những diễn biến phức tạp nhưng có thể nói, báo chí đã làm tốt vai trò, trách nhiệm là cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước và diễn đàn của nhân dân, với những kết quả đáng ghi nhận:


- Trong năm qua, báo chí trong cả nước đã thực hiện đúng sự lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng thông tin của Đảng, Nhà nước, thông tin nhanh nhạy, đầy đủ, toàn diện về mọi diễn biến của đời sống chính trị, kinh tế - xã hội ở trong nước và quốc tế, là diễn đàn thực sự tin cậy của nhân dân.


- Thông tin trên báo chí in, phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử đã tuyên truyền sâu rộng, có chất lượng, với hình thức phong phú, đa dạng về những sự kiện trọng đại của đất nước như: Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và công tác triển khai đưa Nghị quyết Đại hội Đảng vào cuộc sống; Bầu cử Quốc hội khóa XIII và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016; Kỳ họp thứ nhất và thứ hai Quốc hội khóa XIII; Kỷ niệm 100 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, 80 năm thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và năm Thanh Niên 2011 v.v...


Hiện nay, báo chí đang tập trung tuyên truyền việc quán triệt triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 trong cả nước, tạo được lòng tin, thu hút sự quan tâm của toàn Đảng, toàn dân đối với Nghị quyết quan trọng này.


- Báo chí phát huy tính chủ động, sáng tạo, tích cực tuyên truyền các giải pháp điều hành kinh tế - xã hội của Chính phủ nhằm phát triển kinh tế, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Chính phủ. Báo chí cũng đã tập trung phản ánh một số nhiệm vụ cấp bách mà Đảng, Nhà nước đang chỉ đạo như tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tài chính tiền tệ, giá cả thị trường, quản lý và sử dụng đất đai, xuất khẩu hàng hóa, xóa đói giảm nghèo...


Bên cạnh đó, những vấn đề nóng của nền kinh tế được cả xã hội quan tâm như sự phá sản của nhiều doanh nghiệp; nợ thuế và nợ ngân hàng của các đơn vị kinh tế tư nhân được báo chí phản ánh với thái độ khách quan, thận trọng, không gây bức xúc trong xã hội. Báo chí cũng đã đưa ý kiến của nhiều chuyên gia, nhà chuyên môn đánh giá, dự báo trên tinh thần khách quan, xây dựng, góp phần xử lý những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất và đời sống.


- Báo chí đã bám sát tư tưởng chỉ đạo, quan điểm, giải pháp của Đảng, Nhà nước ta về những vấn đề phức tạp, nhạy cảm. Hàng trăm bài viết về chủ đề biển đảo đăng, phát trên các phương tiện thông tin đại chúng đã thể hiện ý thức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ đồng thời bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.


- Báo chí đã góp phần quan trọng trong việc phát triển dân chủ xã hội, kịp thời phát hiện, đấu tranh kiên quyết với những hành vi tham nhũng, lãng phí và các hành vi tiêu cực xã hội khác, góp phần củng cố niềm tin của người dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ.


- Tuyên truyền có hiệu quả việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; kịp thời biểu dương những gương người tốt, việc tốt, những điển hình tiên tiến trong lao động, học tập và bảo vệ Tổ quốc.


- Báo chí đã làm tốt việc đấu tranh phản bác các quan điểm, thông tin sai trái của các thế lực thù địch và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ cán bộ, đảng viên. Thông tin trên báo chí đã góp phần quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam, thành tựu đổi mới của nhân dân ta với bạn bè quốc tế và đồng bào ta sinh sống ở nước ngoài.


- Đối với các vụ việc nhạy cảm, phức tạp, báo chí đã thể hiện sự chấp hành đúng các quy định của pháp luật; sự chỉ đạo và cung cấp thông tin của các cơ quan chức năng, tạo được những thông tin chính xác, kịp thời góp phần ổn định dư luận xã hội.


b. Khuyết điểm:


Trong thời gian qua, công tác báo chí đã đạt được những thành tích đáng ghi nhận, góp phần vào sự nghiệp đổi mới của đất nước, ổn định chính trị xã hội, xứng đáng là lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng văn hóa của Đảng. Tuy nhiên, cũng nghiêm khắc nhận thấy rằng, một số thiếu sót, khuyết điểm, thậm chí là những khuyết điểm nghiêm trọng, kéo dài trong hoạt động báo chí chậm được khắc phục đang đặt ra cho chúng ta những suy nghĩ về trách nhiệm của những người làm báo, quản lý báo chí đối với sứ mệnh mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.


- Thông tin không đúng với tôn chỉ, mục đích, không đúng đối tượng phục vụ đã được quy định trong giấy phép. Đây là khuyết điểm lớn nhất, kéo dài nhất, trong đó trách nhiệm trước hết là cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản báo chí và cũng phải nói đến sự thiếu kiên quyết của cơ quan quản lý nhà nước về báo chí. Tình trạng báo của ngành này, địa phương này nhưng lại đưa thông tin nhiều về ngành khác, địa phương khác, mà lại chủ yếu là các vấn đề tiêu cực, thông tin một chiều, thiếu kiểm chứng, làm cho báo chí thiếu bản sắc, trùng lặp thông tin, thiếu tính định hướng của tờ báo đã gây nên sự bức xúc trong nhiều năm.


Vi phạm này cần phải được các cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí rà soát xử lý và có biện pháp chấn chỉnh một cách kiên quyết. Cơ quan quản lý nhà nước cần đưa ra thời gian thích hợp để cơ quan báo chí khắc phục. Nếu không thực hiện nghiêm quy định giấy phép cần xem xét để thu hồi giấy phép hoạt động.


- Thông tin thiếu nhạy cảm về chính trị, không phù hợp với lợi ích của đất nước, của nhân dân, không phù hợp định hướng thông tin. Đây là dạng sai phạm có tác động xấu đến dư luận xã hội, là kẽ hở để báo chí nước ngoài, các trang tin điện tử của các thế lực chống đối lợi dụng để xuyên tạc.


Khuyết điểm này trước hết thuộc về người đứng đầu, Ban biên tập và người biên tập. Qua xem xét các vi phạm trong năm qua có thể nhận thấy những vi phạm trong quy trình biên tập, duyệt bài là rất nghiêm trọng dẫn đến những sai phạm có tác động xấu đến dư luận xã hội.


- Thông tin bịa đặt hoàn toàn đã diễn ra ở một số tờ báo. Như bịa đặt bài phỏng vấn khi không phỏng vấn. Từ tin đồn, tin từ mạng xã hội không được kiểm chứng biến thành tin chính thức trên báo chí.


- Thông tin sai sự thật, gây ảnh hưởng xấu hoặc xúc phạm uy tín, danh dự của tổ chức, nhân phẩm của công dân. Dạng sai phạm này tuy được thường xuyên nhắc nhở, xử lý nhưng vẫn tiếp tục xảy ra ở một số cơ quan báo chí của tất cả các loại hình báo chí.


- Có bài báo, tờ báo thông tin sai sự thật, thiếu kiểm chứng, không khách quan, mang tính một chiều. Đơn cử, liên quan vụ cưỡng chế, thu hồi đất ở Tiên Lãng (Hải Phòng) mặc dù đã được Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Thông tin và Truyền thông 4 lần nhắc nhở, định hướng nhưng có một số tờ báo vẫn thông tin dồn dập, quá liều lượng cần thiết, mất cân đối với những vấn đề quan trọng khác của đất nước. Đáng lưu ý, trong khi nhấn mạnh sai phạm của chính quyền ở Tiên Lãng, Hải Phòng, lại thông tin “nương nhẹ” về những vi phạm, sai phạm của ông Đoàn Văn Vươn theo kết luận của Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan chức năng. Một số báo thông tin, bình luận có tính suy diễn, cho rằng, gốc của vấn đề, vụ việc là do sở hữu toàn dân về đất đai trong khi thực ra, nguyên nhân chủ yếu do nhận thức, thực hiện sai các quy định pháp luật đất đai về cho thuê đất, thu hồi đất, cưỡng chế đất cũng như do các quy định về quản lý đất đai thiếu đồng bộ, chống chéo, phức tạp.


- Thông tin không phù hợp với thuần phong mỹ tục, văn hoá Việt Nam vẫn còn khá phổ biến trên các trang báo mạng và nhiều trang thông tin điện tử. Đặc biệt trên các báo điện tử có quá nhiều hình ảnh phụ nữ hở hang bị dư luận phản ứng gay gắt.


- Một số vụ án, lúc đầu báo chí đưa tin chuẩn xác nhưng một số tờ báo, trang tin điện tử khai thác, suy diễn quá nhiều theo hướng khác nhau dẫn đến sai lệch bản chất vụ việc, vi phạm pháp luật.


- Tình trạng từ thông tin sai của một tờ báo, nhiều báo khác không kiểm chứng đã đưa lại, thậm chí suy diễn thêm nên từ một tin sai trên một báo, thành nhiều tin sai trên nhiều báo.


- Nhiều thông tin thiếu thẩm mỹ, vô bổ, có lúc còn mang tính săm soi, lại được các phóng viên, các báo khai thác quá nhiều như tin, ảnh về đời tư, những hớ hênh của nghệ sỹ, người mẫu trong và ngoài nước.


- Tình trạng sai về văn phạm, chính tả diễn ra khá phổ biến ở nhiều báo điện tử; phát âm tiếng Việt thiếu chuẩn mực, đọc sai, đọc vấp ở một số phát thanh viên làm mất đi sự chuẩn mực và trong sáng của tiếng Việt, vi phạm quy định của Luật Báo chí.


- Một số chương trình giải trí trên truyền hình, nhất là các chương trình liên kết không được kiểm tra, thẩm định đưa lên những hình ảnh, lời nói phản cảm, gây bất bình trong dư luận xã hội.


- Tình trạng đưa tin quá nhiều về các vụ án, vụ việc tiêu cực trên một số báo, trang báo, miêu tả quá tỉ mỉ, chi tiết các hành vi tội ác, gây cảm giác nặng nề, u ám trong đời sống xã hội có xu hướng không giảm. Có những vụ việc bình thường xảy ra ở một địa phương nhưng báo chí cả nước đồng loạt đưa tin với mức độ như nhau, không phân biệt chức năng, nhiệm vụ, tôn chỉ mục đích khác nhau, có khi dồn dập hàng trăm tin, bài tạo ra cảm giác vụ việc quá khủng khiếp gây nên tâm lý hoang mang trong xã hội.


- Một số nhà báo còn lợi dụng danh nghĩa nhà báo, cơ quan báo chí dọa dẫm, sách nhiễu địa phương, doanh nghiệp để vụ lợi, vi phạm đạo đức nghề nghiệp và quy trình tác nghiệp dẫn đến vi phạm pháp luật bị xử lý.