Hà Nội đã phải yêu cầu nhà đầu tư tạm dừng việc nghiên cứu đề xuất dự án bãi đỗ xe ngầm tại một phần đất ở công viên Cầu Giấy trước sự phản đối quyết liệt của người dân. |
Trên thực tế, từ những năm 2010, TP Hà Nội đã có chủ trương xây dựng các bãi đỗ hiện đại và bãi xe ngầm để phục vụ nhu cầu giao thông tĩnh của thành phố. Tuy nhiên, đến nay, nhiều dự án bãi đỗ xe vẫn đang “nằm trên giấy”.
Còn nhớ gần đây, khi TP Hà Nội đồng ý chủ trương xây dựng bãi đỗ xe ngầm tại công viên Cầu Giấy (quận Cầu Giấy), giao cho Công ty cổ phần đầu tư và phát triển đô thị Tây Hồ theo hình thức xén 1,45 ha (trên tổng số 10 ha) công viên để xây hai tầng hầm đỗ xe, một hầm thương mại dịch vụ và một tòa nhà nổi bên trên. Chủ trương này vấp phải sự phản đối của nhiều người dân sống chung quanh công viên Cầu Giấy. Nhiều người dân cho rằng, việc đồng ý cho một công ty tư nhân “xẻ thịt” đất công như vậy sẽ phá vỡ quy hoạch của thành phố.
Sự phản đối quyết liệt của người dân đã khiến Hà Nội phải yêu cầu nhà đầu tư Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển đô thị Tây Hồ tạm dừng việc nghiên cứu đề xuất dự án bãi đỗ xe ngầm tại một phần phía Bắc của công viên Cầu Giấy.
Dự án Golden Palace từ quy hoạch bãi đỗ xe được điều chỉnh thành chung cư cao tầng. |
Thời gian qua, không ít khu đô thị trên địa bàn Hà Nội “vỡ trận” vì không có bãi gửi xe ô tô, người dân khốn khổ vì đi xe không chỗ gửi, "bãi xe" mọc giữa đường, chiếm vỉa hè.
Trong khi đó, những khu đất từng được quy hoạch làm bãi, điểm đỗ xe nhưng lại được điều chỉnh, chuyển đổi mục đích sử dụng sang xây nhà cao tầng, chung cư để bán. Mật độ ở càng tăng, bãi xe càng thiếu.
Mới đây nhất, UBND TP Hà Nội vừa có báo cáo kết quả kiểm tra, rà soát lại các dự án theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình. Trong đó, đáng chú ý là giải trình về dự án Golden Palace trên địa bàn quận Thanh Xuân quy hoạch bãi đỗ xe được điều chỉnh kết hợp văn phòng rồi lại “biến” thành chung cư.
Tháng 3/2004, UBND TP Hà Nội có văn bản giao cho Handico là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước làm chủ đầu tư, nghiên cứu lập dự án đầu tư xây dựng nhà để xe ô tô cao tầng tại khu đất C3 theo quy hoạch được duyệt. Đây là dự án xây dựng công trình công cộng thành phố, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
Năm 2006, UBND TP Hà Nội có 2 văn bản điều chỉnh quy hoạch tổng mặt bằng công trình nhà để xe cao tầng tại khu đất C3. Đến tháng 10/2008, UBND TP Hà Nội cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án nhà để xe kết hợp văn phòng tại ô đất này, chủ đầu tư là Handico.
Ngày 18/5/2009, UBND TP Hà Nội có quyết định thu hồi và giao 2.408 m2 đất ở khu C3 cho Handico thuê đất thực hiện dự án nhà để xe kết hợp văn phòng.
Tuy nhiên, đến tháng 3/2010, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội đã đề xuất cho phép điều chỉnh chức năng, chỉ tiêu quy hoạch ô đất C3 theo ý kiến của Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội và chỉ sau 17 ngày đã được UBND TP Hà Nội chấp nhận.
Đến tháng 9/2010, Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội có văn bản thỏa thuận quy hoạch tổng mặt bằng và phương án thiết kế kiến trúc sơ bộ công trình tại khu đất C3 khu đô thị Trung Hòa Nhân Chính có chức năng nhà ở.
Tháng 10/2010, UBND TP Hà Nội ký hợp đồng thuê đất với Handico để sử dụng vào mục đích đầu tư xây dựng nhà để xe công cộng cao tầng kết hợp văn phòng. Tại thời điểm này, UBND TP Hà Nội đã chấp thuận điều chỉnh chức năng khu đất C3 thành khu nhà ở, dịch vụ, thương mại.
Đến tháng 3/2011, UBND TP Hà Nội có văn bản chấp thuận dự án đầu tư khu nhà ở, dịch vụ, thương mại tại ô đất C3 cao 17 tầng và 3 tầng hầm. Tổng số 112 căn hộ, đồng bộ cùng khu dịch vụ thương mại nhà trẻ, văn phòng, tổng mức đầu tư dự kiến 350 tỷ đồng.
Hiện nay, dự án có tên thương mại là Golden Palace đã hoàn thiện, đã bán căn hộ cho các hộ dân đến ở ổn định vài năm nay.
Điều chỉnh quy hoạch vì lợi ích của ai?
Hà Nội đã cho điều chỉnh những khu đất vốn là bãi đỗ xe sang xây dựng nhà cao tầng, rồi đến khi làm bãi đỗ xe lại lấy đất công viên, liệu đây có phải nghịch lý của Hà Nội?
“Quy hoạch phải tính cân đối tất cả, còn vì lợi ích cục bộ mà điều chỉnh là không hợp lý”, ông Nghiêm nói.
Theo ông Nghiêm, quy hoạch khu đô thị bao giờ cũng tính đến đồng bộ yếu tố giao thông, tức là hệ thống các mặt đường và điểm bãi đỗ xe. Ngoài ra, Thành phố còn gửi gắm vào khu đô thị những bãi đỗ xe mang tính khu vực của thành phố nên cần quan tâm đến các bãi đỗ xe.
Thông thường, mỗi đô thị với dân số nén như thế này thì ít nhất phải có 3% diện tích đất dành cho bãi đỗ xe, nhưng hiện nay ở Hà Nội mới chỉ đạt được 0,3-0,4% nên nhu cầu bãi đỗ xe là rất cần thiết và là yêu cầu cấp bách.
Vì vậy, ông Nghiêm khẳng định: Cần rất thận trọng khi xem xét điều chỉnh bãi đỗ xe thành các công trình có chức năng khác.
Nếu có yêu cầu cấp bách phải điều chỉnh thì phải thực hiện đúng quy trình việc điều chỉnh, phải có lý do thỏa đáng từ quy hoạch chung của khu vực hoặc đã có giải pháp nào hỗ trợ; quan trọng cần phải hỏi ý kiến đồng thuận của người dân. Thành phố cũng đã đưa ra rất nhiều cơ chế ưu tiên khi xây dựng bãi đỗ xe, vậy lý do điều chỉnh bãi đỗ xe phải là lý do cần hết sức quan tâm và phải thận trọng.
Vậy hệ lụy của việc điều chỉnh quy hoạch từ bãi đỗ xe sang xây dựng nhà cao tầng là gì?
Ông Nghiêm cho hay: “Hệ lụy là không có chỗ đỗ xe cho người dân sẽ tạo ra ách tắc, ách tắc không chỉ với khu đô thị mà còn với những khu vực xung quanh. Đồng thời, việc xây dựng khu đô thị chỉ là vì lợi ích cục bộ của chủ đầu tư mà không tính đến chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật, lợi ích dài của cả thành phố. Đây rõ ràng là tầm nhìn không hợp lý”.
Minh Thư
https://infonet.vietnamnet.vn/thi-truong/bai-do-xe-bien-thanh-chung-cu-dieu-chinh-tuy-tien-loi-ich-cho-ai-252873.html