Dẫu biết rằng không có tình yêu nào lớn hơn tình mẫu tử; dẫu biết rằng tất cả những người mẹ đều có thể hi sinh vì con cái vô điều kiện, thì tôi vẫn nghĩ bà là một bà mẹ Việt kỳ lạ và phi thường. Bà đã sống gần trọn đời mình trong nghèo khó đến tận cùng.


Gần 10 năm trời ăn cám lợn để ki cóp từng đồng nuôi 4 người con ăn học, có những lúc bà đã đứng giữa cánh đồng nắng chang chang và òa khóc vì tưởng rằng không còn đủ sức thực hiện ước mơ nhìn thấy con ăn học thành tài, nhưng tình yêu và sức mạnh phi thường của một người mẹ đã giúp bà vượt qua tất cả, để giờ đây sau một chặng đường dài đầy khó khăn của cuộc đời mình, bà đã có thể mỉm cười khi thấy 4 người con của mình đều đã học xong đại học và có những bước đi vững vàng trong cuộc sống.


Chuyện tình “đôi đũa lệch” của cựu nữ TNXP và 1 bệnh nhân phong


Ở xã Diễn Xuân, huyện Diễn Châu, Nghệ An, những người dân xung quanh nhà bà Tăng Thị Lộc vẫn nói về bà như một người phụ nữ hiếm có, khó tìm giữa đời thường. Những người phụ nữ ở xã Diễn Hạnh, có lẽ không ai khổ và vất vả nhiều như bà. Nhưng bà đã quen với sự khổ cực đến nỗi suốt mấy chục năm qua, bà rất ít khi nhận ra rằng mình khổ.


Chỉ mấy năm trở lại đây, khi con cái đều đã đi làm và có nghề nghiệp ổn định, bà Lộc mới được hưởng chút thảnh thơi lúc về già. Hạnh phúc mà bà có được ngày hôm nay, nếu không phải là bà mà là một người phụ nữ khác ở trong hoàn cảnh của bà, có lẽ sẽ khó lòng trở thành hiện thực. Đi theo những lời kể về bà, tôi tìm đến nhà bà trong một buổi trưa hè miền Trung nóng như lửa bỏng.


Căn nhà của bà đơn sơ, nhỏ bé giữa biết bao căn nhà mới quanh xóm. Và bà, đúng như những gì tôi hình dung trước đó: gầy gò, khắc khổ và già hơn rất nhiều so với tuổi 65 của bà. Bà kể cho tôi nghe về cuộc đời đầy vất vả, nhọc nhằn của mình một cách nhẹ nhàng, bình thản, nhưng khi nhớ lại những năm tháng đã qua trong đời mình, tôi thấy mắt bà ánh lên một niềm hạnh phúc nhỏ bé và giản dị.


Bà sinh ra và lớn lên ở xã Diễn Hạnh – huyện Diễn Châu – Nghệ An. Ngày trẻ, cùng với rất nhiều cô gái làng, bà cũng đi theo tiếng gọi của đất nước lên đường vào mặt trận và trở thành cô thanh niên xung phong giữa Trường Sơn bom đạn khốc liệt. Sau 4 năm ở chiến trường, nhiều đồng đội của bà đã ra đi mãi mãi, nhưng bà đã đợi được đến ngày trở về đoàn tụ cùng gia đình.


Ngày cô con gái nhỏ từ chiến trường trở về, cha mẹ bà mừng rơi nước mắt khi thấy con gái mình vẫn khỏe mạnh, lành lặn. Mong ước cuối cùng của cha mẹ bà khi ấy là mong con gái mình sớm lập gia đình và sinh con đẻ cái. Năm đó, ở tuổi 24, bà vẫn là một cô gái có nhan sắc, bất chấp việc vừa phải trải qua 4 năm dài đầy gian khổ ở chiến trường. Có nhiều người thanh niên trong làng, ngoài xã để ý bà, mong ước được xây dựng gia đình cùng bà. Trong số những người theo đuổi bà, có không ít người có thể được xếp vào hàng “sáng giá”.


Cha mẹ bà đã chọn lựa kĩ càng và động viên bà lấy một sĩ quan quân đội đang có tương lai hứa hẹn. Thế nhưng có một điều kỳ lạ là lúc đứng trước người sĩ quan quân đội đó, dù thấy người đàn ông mà cha mẹ chọn cho mình chẳng có điểm gì để chê, nhưng bà vẫn không thấy lòng mình rung động. Bà không sao hình dung được cuộc sống vợ chồng của bà sẽ thế nào nếu bà lấy người đàn ông ấy. Vì thế, bà đã quyết định từ chối mối lương duyên đó, trước sự ngỡ ngàng của cha mẹ.


Chính bởi từ chối một nơi gửi gắm cuộc đời đầy hứa hẹn như thế, nên khi bà quyết định lấy Trương Liễu - một người thanh niên tàn tật, bị mắc bệnh phong ở xã bên cạnh, cả gia đình bà đã vô cùng bàng hoàng. Dẫu vậy, tôn trọng quyết định của con gái, cha mẹ bà không ngăn cấm, không phản đối, chỉ nói với bà: “Lấy chồng như thế rồi đời con sẽ khổ”. Nhưng bà bảo không hiểu sao khi ấy, bà rất có niềm tin vào sự lựa chọn của mình.


Bà kể: “Tôi gặp ông nhà tôi là do một người họ hàng của ông ấy giới thiệu. Ông ấy sống ở xã Diễn Xuân, gần xã nhà tôi. Khi quen tôi, ông ấy đã bị cụt mất 1 chân bên phải. Nhiều người làng biết chuyện ông ấy tìm hiểu tôi đã cảnh báo tôi ông ấy mắc bệnh phong. Ngày đó bệnh phong vẫn còn bị kỳ thị lắm. Nhưng không hiểu sao đứng trước ông ấy, tôi không sợ, mà lại cảm thấy vô cùng gần gũi.



Bà Tăng Thị Lộc



Ông nhà tôi nói chuyện rất có duyên. Tôi nghe người ta kể là ngày nhỏ ông ấy học giỏi lắm, sau vì bệnh tật mà phải nghỉ học giữa chừng. Tôi mến trí tuệ của ông ấy, mến cách nói chuyện dí dỏm, thông minh của ông ấy. Tình cảm dần nảy sinh, rất nhanh sau đó tôi nhận lời lấy ông ấy làm chồng”.


Gia đình nhà chồng của bà ở Diễn Xuân cũng là một gia đình nghèo, đông con. Khi bà về nhà chồng, cha mẹ chồng chia cho vợ chồng bà một mảnh đất và dựng cho một túp lều nhỏ để chui ra chui vào. Đó là “của hồi môn” duy nhất mà bố mẹ chồng có thể cho bà và người con trai tàn tật của họ.


Từ khi lấy chồng, bà đã thực sự thấm thía thế nào là nghèo, là cơ cực, đói khát. Cái đói đó thấm thía hơn bao giờ hết khi lần lượt những đứa con của bà ra đời. 4 lần mang thai, sinh ra 4 đứa con 2 trai, 2 gái, chưa bao giờ bà biết thế nào là một ngày nghỉ đẻ, cũng chưa bao giờ bà được tẩm bổ, bồi dưỡng như những người phụ nữ đang mang thai khác. Cũng một phần vì thế mà con cái bà giờ đều thấp bé, gầy gò.


Bà kể: “Hồi đó vợ chồng tôi nghèo đến nỗi không thể nghèo hơn được nữa. Vài năm đầu, chồng tôi mới chỉ bị cụt một bên chân, còn nhúc nhắc đi lại, lao động kiếm thêm thu nhập phụ giúp tôi nuôi con. Nhưng sau này cái chân bên phải của ông ấy cũng dần dần bị cụt nốt. Tôi nhớ suốt nhiều năm trời, ước mơ lớn nhất của tôi là kiếm được tiền đưa ông ấy đi bệnh viện lắp chân giả.


Nhưng hết năm này qua năm khác, tôi vẫn không thực hiện được ước mơ đó, vì số tiền lắp một cái chân giả, với người khác có thể không lớn, nhưng với gia đình tôi đó là một khoản tiền khổng lồ mà tôi không thể kiếm ra được. Dù thương chồng đến ứa nước mắt, tôi cũng chỉ biết nhìn ông ấy cứ lê lết quanh nhà với đôi chân không lành lặn”.


Không may mắn như những người phụ nữ khác, cả cuộc đời bà gần như chẳng bao giờ có khái niệm “nhờ chồng”. Chồng bà chỉ giúp bà được duy nhất 2 việc: quét nhà và ngồi trông bếp, rụi củi cho bà trong lúc bà chạy qua chạy lại.


Nhiều năm trời, một mình bà chèo chống nuôi chồng và cả đàn con trứng gà trứng vịt, từ việc đồng áng đến việc đi làm thuê kiếm vài ba cân gạo cải thiện bữa ăn cho gia đình; từ việc cơm nước, quán xuyến nhà cửa đến việc chăm lo cho con cái, tất cả đều do một tay bà đảm đương. Mùa bão năm nào, căn nhà lụp xụp của bà cũng bị bão làm cho điêu đứng.


Cứ mỗi đận bão về, một mình bà lại phải vác thang trèo lên mái, tìm mọi cách che chắn cho căn nhà xiêu vẹo của mình. Bà không nhớ những năm đó đã bao lần nhà bà bị bão đánh đổ. Mỗi lần như thế bà lại một mình đi dựng lại căn nhà cho cả gia đình. Có những lúc giáp hạt, đến cơm độn cũng chẳng có mà ăn, gia đình bà triền miên ăn sắn hoặc ăn rau vặt trừ bữa.


Bà kể: “Có thời gian vì ăn nhiều sắn và nhiều rau quá, chẳng có chất gì, con gái tôi ngồi nhìn “bát cơm” chỉ có rau và sắn mà nước mắt ngắn, nước mắt dài, thế rồi ăn được 1 miếng thì lăn ra ngất, hàng xóm láng giềng thương quá phải mang cho bát cơm để ăn mới lấy lại sức”.


Gần 10 năm dài ăn cám của 1 người đàn bà chỉ biết hi sinh vì gia đình


Những người dân ở Diễn Hạnh vẫn nhìn bà Lộc với ánh mắt vừa thương cảm, vừa cảm phục, bởi không chỉ hết lòng hi sinh cho chồng con, bà còn là một người con dâu vô cùng hiếu thảo.


Chồng bà Lộc là con trai trưởng nhưng lại là người duy nhất tàn tật trong số mấy anh em, nên gia cảnh nghèo khó nhất. Khi bố chồng khỏe mạnh, cụ sống với người con trai thứ có điều kiện hơn. Nhưng đến lúc cụ ốm yếu nằm liệt giường, cụ gọi vợ chồng con trai trưởng đến nói: “Bố chẳng sống được bao lâu nữa. Bố muốn trước khi chết được về sống cùng nhà với con trưởng”. Biết nguyện vọng cuối đời của bố chồng, bà Lộc ứa nước mắt nói: “Nếu bố không chê chúng con nghèo, chúng con xin được đưa bố về phụng dưỡng”.


Những năm tháng cuối đời sống với gia đình bà Lộc, phải nằm liệt giường, nhưng chưa bao giờ bố chồng bà phàn nàn một câu về con dâu. Ban ngày khi bận việc đồng áng, bà bắt chồng ngồi túc trực cạnh ông cụ, xoay trở người cho cụ để thân thể cụ không bị lở loét vì nằm một chỗ quá lâu như những người già khác. Buổi trưa hay buổi tối, hễ cứ có thời gian rảnh là bà Lộc lại ngồi bên cụ, xoa bóp người cho cụ đỡ mỏi.


Ban đêm bà không bao giờ ngủ 1 giấc đủ đầy, vì luôn ở trong tâm trạng sẵn sàng mỗi khi cụ trở mình vì đau đớn, khó ngủ, hay cần đi vệ sinh. Những bữa có gạo ăn thì không sao, nhưng khi cả nhà phải ăn cơm độn sắn, bà luôn gạt hết phần cơm vào bát bố chồng. Ông cụ nằm liệt giường, nên không tránh khỏi những lúc đại, tiểu tiện mất kiểm soát. Lại chính bà là người lau rửa, dọn dẹp.



Bà cẩn thận, chu đáo và tỉ mẩn đến nỗi những người đến thăm chưa bao giờ từng ngửi thấy mùi khó chịu xung quanh giường ông cụ nằm. Là con dâu, nhưng bà chăm sóc ông cụ như bố đẻ, không một chút phân biệt, so đo hay khoảng cách. Có một câu chuyện về sự chăm sóc của bà dành cho bố chồng, mà ai nghe cũng xúc động. Thấy ông cụ không thể ngồi dậy đi vệ sinh được, bà khoét 1 nan giường để ông cụ vừa nằm vừa vệ sinh tại chỗ.


Nằm lâu một chỗ, nên ông cụ thường xuyên bị táo bón, đại tiện rất khó khăn. Mỗi lần như thế, bà phải giúp ông cụ nặn từng cục phân, để việc đại tiện của ông cụ đỡ đau đớn và vất vả. Những lúc ất, bà không hề thấy ngượng ngập, bởi bà bảo bà coi ông cụ như chính bố ruột của mình. Sau này lúc mất đi, bố chồng bà đã nắm tay bà, ứa nước mắt vì cảm động trước tình cảm của con dâu đến nỗi không thể nói thành lời.


Lấy chồng, bà chưa có một ngày nhàn tản, sung sướng, nhưng chưa bao giờ bà than phiền, kêu ca hay trách móc chồng, cũng như chưa bao giờ bà có suy nghĩ bỏ chồng để giải thoát khỏi gánh nặng đó và tìm một cuộc sống sung sướng hơn cho bản thân mình. Bà bảo: “Tôi chỉ nghĩ là vợ chồng ăn ở với nhau dù chỉ 1 ngày, thì cả đời đã là nghĩa vợ chồng, không gì có thể thay đổi được. Dù khổ đến mấy, cơ cực đến mấy, tôi cũng quyết trọn nghĩa vẹn tình với ông ấy đến cùng.


Hơn nữa sống với ông ấy, nghèo thì nghèo thật, khổ thì khổ thật, nhưng được cái ông ấy là người biết trước biết sau, cư xử với vợ con hết mực dịu dàng. Những cái đó, nhiều người đàn ông quanh đây không làm được. Nếu không bệnh tật, ông nhà tôi hẳn sẽ học hành tấn tới, vì ngày xưa ông ấy học giỏi lắm. Sau này thi thoảng ông ấy vẫn đọc sách và kể chuyện cho tôi nghe. 4 đứa con của tôi, có lẽ thừa hưởng gen của ông ấy, nên đứa nào cũng học giỏi, dù từ bé vì nhà nghèo, nên chúng đã phải thua thiệt nhiều”.


Một gia đình bình thường, kinh tế ổn định nuôi 2 con đi học đại học đã vất vả khó khăn. Dễ hiểu vì sao sự khó khăn với bà Tăng Thị Lộc là gấp bội, khi phải nuôi 4 người con học đại học, khi bà nghèo đến thế và có một người chồng bệnh tật như thế.


Bà bảo những năm trước đây, khi con cái chưa trưởng thành và có nghề nghiệp ổn định, gia đình bà chưa bao giờ biết thế nào là đủ ăn. Nhưng vợ chồng bà luôn tự nói với nhau sẽ nuôi con cái học hành nên người bằng mọi giá vì không muốn cuộc đời các con khổ như mình sau này. Nếu như bà là người lao động chính trong nhà, có trách nhiệm kiếm tiền nuôi con ăn học, thì ông là người có trách nhiệm bảo ban, kèm cặp chuyện học hành của con cái.


Thời bao cấp, kinh tế khó khăn, không có đủ ăn đã đành. Nhưng ngay cả đầu những năm 90, gia đình bà vẫn nghèo hơn mức có thể. 4 đứa con đứa này cách đứa kia 1 – 2 tuổi, nên bà nuôi con học hành rất vất vả. Chi phí cho chuyện học hành của con cái luôn là một thách thức với bà. Ròng rã trong gần 10 năm trời, để dành dụm cho con ăn học, vợ chồng bà phải ăn cám triền miên hết từ năm này qua năm khác. Hiếm hoi lắm mới được 1 bữa cơm, bà cũng nhường cho chồng con, chỉ ăn một tí gọi là...


Bà bảo: “Nhờ trời thương, nên ngần ấy năm ăn cám, tôi vẫn khỏe như người ta ăn cơm, vẫn lao động và nuôi ngần ấy đứa con. Mà tôi ăn cám riết thành quen, đến nỗi không còn cảm giác khó ăn nữa. Đều đặn mỗi bữa tôi ăn 3 bát cám ngon lành. Người ta nhìn hoàn cảnh tôi, ai cũng nói tôi khổ. Nhưng ở trong cái khổ đó, tôi không thấy mình khổ. Khổ vì chồng, vì con, vì tương lai con cái, thì khổ thế chứ khổ nữa tôi vẫn chịu được”.


Chuyện bà Lộc ăn cám nuôi con đi học cả xã Diễn Xuân ai cũng biết. Và câu chuyện đó đã trở thành giai thoại trong xã. Họ bảo độ vài năm trở lại đây, bà mới có được những bữa cơm đủ rau, đủ thịt. Sống khổ cả đời, nhưng giờ bà có thể ngẩng cao đầu vì đã không để con cái mình thua bạn, kém bè. Để nuôi con ăn học, bà hầu như không từ bất cứ việc gì.


Ngoài những lúc lo việc đồng áng của gia đình, ai thuê gì bà cũng làm, miễn là cóp nhặt thêm được một vài đồng bạc lẻ. Bà nuôi lợn, nuôi gà, đợi hết mỗi lứa bán đi để có tiền nộp học cho con. Nhà trồng lúa, nhưng đến mùa thu hoạch, cũng chẳng có mấy bữa bà dám ăn cơm trắng, mà toàn ăn cơm độn và ăn cám, để dành thóc lại bán lấy tiền. Mỗi lần sát thóc đem bán, bà giữ lại phần cám để ăn trừ cơm.


Bà kể: “Ngày ấy tôi “nổi tiếng” nhất xóm bởi mang cái tiếng kẹt xỉn, chắt lép. Những người mẹ khác đi chợ về thường bao giờ cũng mua cho con cái đồng quà, tấm bánh, nhưng các con tôi thì chưa bao giờ có được cảm giác vui mừng đợi mẹ đi chợ về để ăn quà. Nhiều người nói tôi là mẹ mà kẹt, đến cái bánh cho con cũng không bao giờ dám mua. Tôi nghe xong chỉ biết im lặng, nhưng lòng đau nhói. Đến giờ tôi vẫn ân hận vì mình chưa từng mua cho con được đồng quà đồng bánh suốt những năm chúng còn bé. Nhưng tôi mong các con tôi hiểu rằng, tôi đã phải tiết kiệm từ cái nhỏ nhất đó, để góp nhặt từng xu, từng hào nuôi chúng học hành.


Dù mua chai nước mắm, tôi cũng phải mua chai rẻ nhất. Đến bữa rót nước mắm, tôi cũng phải tính rót sao cho vừa đủ, hoặc hơi thiếu một chút, để tiết kiệm hết mức có thể.


Nhiều năm trời, tôi không bao giờ dám mơ tới việc mua 1 cái áo. Áo tôi mặc phải vá hết mức có thể. Con cái tôi đi học, cố gắng lắm tôi cũng mua cho chúng được 1 bộ quần áo, nhưng chúng phải mặc hết từ năm này qua năm khác, giữ gìn từng li từng tí để có quần áo mặc cho năm học sau.


Con trai tôi mặc một bộ quần áo suốt từ năm cấp 2 cho đến năm cấp 3, từ lúc rộng thùng thình cho đến khi chật và ngắn cũn ngắn cỡn. Nhờ trời, các con tôi đều học giỏi, ngoan ngoãn và biết thương mẹ. Chúng biết hoàn cảnh gia đình nên chí thú học hành, thời gian rảnh thì giúp mẹ tăng gia sản xuất. Khi con cái lớn lên, có thể lao động, tôi được chúng đỡ đần nhiều. Ngày xưa, con gái tôi ngày nào trước khi đi học cũng phải chở giúp mẹ 2 sọt bắp cải ra chợ bán.


Có năm, đến dịp giáp Tết, mấy đứa con tôi còn rủ nhau đi buôn su hào. Khi chúng mang những đồng tiền lãi được sau chuyến đi buôn về nhà, nói với tôi rằng đây là tiền chúng con góp để mẹ mua một ít thịt để nhà mình ăn Tết năm nay, tôi ứa nước mắt, vừa vì cảm động, vừa vì thương con cháy ruột, cháy gan. Tôi nhớ tôi đã lấy vài nghìn trong đó đưa cho mấy đứa con đi ăn bánh, tiền là tiền chúng kiếm mang về cho mẹ, nhưng lúc được mẹ cho lại vài nghìn, chúng nó vẫn cười sung sướng, ríu rít như những đứa trẻ lớp 1”.


Cả đời bà kiên trì nuôi con ăn học, chẳng sợ khổ, chẳng sợ khó và chưa bao giờ biết chùn bước, nhưng cũng có lần bà tưởng phải đầu hàng trước cái nghèo, cái khó của mình. Bà kể: “Năm con gái thứ 3 của tôi thi đỗ vào cấp 3, tôi vừa mừng, vừa lo. Mừng vì thấy con gái mình giỏi giang, trong xã chẳng mấy đứa con gái được như thế bởi ngày ấy đỗ vào cấp 3 chẳng phải chuyện đùa. Nhưng lo nhiều hơn. Lúc ấy 2 đứa con lớn đều đã học đại học ở Vinh. Nuôi 2 đứa học đại học, tôi tưởng như đã kiệt sức.


Nghĩ chán nghĩ chê, tôi quyết định cho đứa con thứ 3 nghỉ học, vì dù ở lớp nó học hành cũng vào loại khá, giỏi, nhưng so với 4 chị em, thì nó đuối hơn cả. Tôi nói với con về dự định cho nó thôi học khi hai mẹ con đang làm ngoài đồng. Lúc nghe mẹ nói, con bé chỉ cúi gằm đầu xuống lí nhí một câu vâng ạ, rồi xin phép mẹ về nhà. Tôi đứng nhìn con gái mình dáng thất thểu bước đi trên qua cánh đồng về nhà mà bật khóc ngay giữa đồng vì thương con và vì bất lực trước cuộc sống.


Nhưng khi nghe tin tôi định cho con bé nghỉ học, 2 anh chị nó biết chuyện, đang học đại học ở Vinh cũng về gặp tôi phản đối quyết liệt. Chúng nó bảo mẹ cho chúng con đi học, sao lại bắt em con bỏ học. Mẹ thương chúng con thì thương cho chót. Có khó khăn gì cả nhà mình cùng chia sẻ. Chúng con đã dè xẻn, nhưng chúng con sẽ dè xẻn hơn nữa để đỡ đần mẹ, phụ mẹ nuôi em.


Cả 1 tuần nhìn đứa con gái nhỏ buồn bã, ủ rũ vì phải bỏ học, lại nghe lời các con góp vào, cuối cùng tôi lại quyết định cho con đi học tiếp, dù lúc ấy chính tôi cũng không hiểu tôi sẽ nuôi chúng học hành bằng cách nào”.


Bà nghèo, nên cách bà nuôi con đi học cũng khác những gia đình bình thường. Khi những gia đình khác có con đi học thường cho con 300 – 400 nghìn/ tháng, thì bà chỉ cho con được 50 nghìn.


Với số tiền mẹ cho, mỗi bữa cơm con gái bà chỉ dám mua 500d tiền cơm và ăn với nước canh miễn phí, bữa nào sang lắm thì có thêm 500d tiền rau hoặc đậu phụ. Cuối tuần khi các con đi học ở Vinh đạp xe về nhà, bà thường cho con ăn cơm với muối trắng, mấy đứa con bà ăn đứa nào cũng tấm tắc khen ngon.


Suốt nhiều năm trời, những bữa cơm như thế được coi là những bữa cơm tương đối thịnh soạn của mẹ con bà.


Bà kể cho tôi nghe về 1 kỉ niệm không thể quên trong đời mình, vừa kể vừa ứa nước mắt: “Năm đó vì con cái đi học xa, tôi phải vay mượn khắp nơi rồi bán thóc trả dần mấy năm, mới mua được cho 2 đứa con mỗi đứa một cái xe đạp cũ. Nhưng cùng 1 tháng, thằng anh ở trên trường bị trộm mất xe, con bé em ở nhà để xe ngoài sân cũng bị trộm vào lấy mất.


2 cái xe đạp đó là tài sản duy nhất có giá trị trong nhà. Mất xe, mấy mẹ con ra vào nhìn nhau ngẩn ngơ suốt cả tháng trời. Đúng là có những lúc trời cứ hay trêu ngươi kẻ khó. Nhưng rồi cuối cùng mẹ con tôi cũng đã vượt qua khó khăn, để có ngày hôm nay”.


Thương mẹ nên 4 người con của bà lần lượt đỗ đại học: 3 người con đầu học Sư phạm ra trường, người con út tốt nghiệp Đại học y.


Với các con bà, bà không chỉ là một người mẹ mà còn là biểu tượng của sự hi sinh cao cả vì con cái; và hình ảnh người mẹ nghèo đã nuôi con ăn học luôn là điều mà các con bà đã luôn ghi nhớ như một động lực lớn nhất giúp mình vươn lên trong cuộc sống. Cả 4 người con của bà giờ đều đã có công ăn việc làm ổn định, tuy cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn, lo toan, nhưng nhìn con cái trưởng thành, ổn định, vững chắc như thế, bà vẫn nói đó là giấc mơ mà ngày xưa bà chẳng bao giờ dám nghĩ tới. Bà bảo cuộc đời bà, bà không thấy có gì phải nuối tiếc, ngoài việc chồng bà mất quá sớm.


Ông ra đi đột ngột cách đây 12 năm, chỉ trước khi đứa con trai út của ông bà chuẩn bị đi thi đại học. Bà cứ day dứt mãi vì cả đời ông sống khổ cực, chết đi mà chưa kịp nhìn thấy con cái nên người. Nhưng sau khi ông mất, bà đã càng cố gắng, càng quyết tâm hơn nữa, để nuôi con học hành, bởi bà biết đó là ước nguyện lớn nhất cuộc đời người chồng đã khuất của mình.


Bà bảo: “Giờ 4 đứa con đều đã có cuộc sống riêng ổn định, tôi có đi gặp ông ấy cũng không cảm thấy hổ thẹn nữa”. Khi nói điều đó, trong đôi mắt bà ánh lên niềm tự hào, giản dị về gia đình nhỏ của mình.


http://phunutoday.vn/xahoiol/doisong/201107/Ba-me-Viet-phi-thuong-gan-10-nam-an-cam-nuoi-4-con-hoc-dH-2080369/