“Lôi kéo người khác anti vắc xin là có tội với cả một thế hệ”



09:43 - 07/07/2017
An Nhiên



BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1 khẳng định: “Nếu tự anti vắc xin cho một bé, 1 gia đình nhỏ thì bệnh ráng chịu, chỉ tội cho bé. Nếu anti vắc xin kiểu nhóm, kiểu hùa nhau là có tội với một thế hệ".





BS Trương Hữu Khanh kiểm tra trẻ hôn mê vì viêm não Nhật Bản.




“Phải chứng kiến trẻ mắc bệnh mới thấy tác hại của anti vắc xin”



Bác sĩ Trương Hữu Khanh, một trong những bác sĩ đầu tiên kêu gọi cộng đồng chống lại trào lưu anti vắc xin trên mạng, trăn trở: “Gần một đời làm nhiễm nhi (bệnh truyền nhiễm ở trẻ con) đã ngấm đòn chăm sóc bệnh nhiễm trong bất lực. Cũng lắc đầu, cũng bực mình vì chuyện không tiêm vắc xin, cũng cảm thông vì thiếu hiểu biết và thiếu thông tin của người dân về vắc xin".



BS Khanh cho biết, vắc xin là thành quả của khoa học. Không thể tự nhiên Bill Gates, cũng như nhiều người giàu có, không xài sang nhưng lại bỏ tiền ra mua vắc xin tiêm cho trẻ em toàn cầu. Không có vắc xin thì trẻ em chết nhiều và tàn tật cả đời: đậu mùa rỗ mặt cả đời, sốt bại liệt teo hẳn một chân cả đời.



BS Khanh chia sẻ: “Phải trực tiếp chứng kiến một đứa trẻ oằn người ho gà, một đứa trẻ nằm bất động, sống thực vật vì viêm não Nhật Bản, một đứa trẻ tử vong vì bị bạch hầu dẫn đến viêm cơ tim, một đứa trẻ không cử động được vì sốt bại liệt… thì mới hiểu, vắc xin có tác dụng như thế nào”.





Tiêm chủng là cách phòng bệnh lây nhiễm hiệu quả nhất



Phong trào anti vắc xin đã có từ lâu



Các chuyên gia hàng đầu về vắc xin tại Việt Nam nhận định rằng, trào lưu anti vắc xin đã xuất hiện trên thế giới từ lâu chứ không phải mới đây. Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, trào lưu anti vắc xin chỉ có thể xuất hiện và dâng cao khi tình hình dịch bệnh đang ở mức thấp.



Đơn giản vì nhìn lại cách đây khoảng 20 năm, khi dịch bệnh còn nhiều với các bệnh như sởi, ho gà, bạch hầu, sốt bại liệt thì chẳng ai dám nghĩ về chuyện anti vắc xin. Nhưng đến nay, khi chương trình tiêm chủng mở rộng bao phủ khá rộng, các dịch bệnh này bị kiềm chế và đẩy lùi thì phong trào anti vắc xin lại nở rộ.



Những người ủng hộ phong trào này cho rằng, con họ không tiêm vắc xin vẫn mạnh khỏe. Phân tích khía cạnh này, bác sĩ Trương Hữu Khanh nhận định: “Đó là sự may mắn do cộng đồng xung quanh họ khỏe mạnh. Những người đó thử đến vùng có dịch bệnh thử xem, chắc chắn là mắc bệnh”.



Bác sĩ Trương Hữu Khanh phân tích, những người tham gia anti vắc xin thì trong gia đình hoặc dòng họ có trẻ em đã từng bị chích vắc xin và gặp một số vấn đề về sức khỏe mang tính bẩm sinh. Do không dám thừa nhận vấn đề sức khỏe của con là do cha mẹ nên họ tìm một cách khác để giải tỏa tâm lý và vắc xin là thứ được lựa chọn.



PGS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM cũng đưa ra quan điểm: “Người mẹ đưa con tiêm vắc xin xong, trẻ có những trục trặc về sức khỏe thì người mẹ bao giờ cũng muốn biết do là nguyên nhân gì. Nhưng để tìm ra nguyên nhân không phải đơn giản. Trong khi chưa biết được nguyên nhân, họ thử tìm một lý do nào đấy để giải tỏa bớt vấn đề tâm lý. Cũng phải hiểu để thông cảm cho tâm lý đó”.



Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng Trần Đắc Phu khẳng định, ông đã biết về trào lưu anti vắc xin và hậu quả mà trào lưu này gây ra. Đó là sự xuất hiện của những căn bệnh vốn đã biến mất vài chục năm qua như bệnh ho gà ở phía Bắc, dịch sởi ở trẻ dưới 9 tháng, bạch hầu ở Quảng Nam, Bình Phước…



Theo phân tích của PGS.TS Trần Đắc Phu, khi những dịch bệnh này quay trở lại thì “ngay cả các thầy dạy ở trường y cũng không hề biết căn bệnh bạch hầu là gì, lại đi chẩn đoán viêm họng”.



BS Trương Hữu Khanh nhấn mạnh, khi dịch bệnh quay trở lại, sự trả giá có thể rất nặng nề, đó là sinh mạng của hàng trăm đứa trẻ. Những vắc xin đang lưu hành đôi khi có phản ứng không mong muốn nhưng là trên những cá thể, do cơ địa. Không phải vì tính cơ địa đó mà bài trừ vắc xin. Những loại vắc xin đã lưu hành 20 năm vốn là những loại đã được thế giới theo dõi kỹ, kể cả theo dõi các ca tác dụng phụ.



Bác sĩ Nguyễn Trí Đoàn - Giám đốc Y khoa Bệnh viện Victoria Healthcare – đồng tác giả sách “Để con được ốm” cho biết, chích ngừa là một trong những biện pháp hữu hiệu nhất để phòng ngừa những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đến tính mạng. Những người cổ súy cho anti vắc xin có lẽ chưa từng thấy số phận những bệnh nhân bị những bệnh đó như thế nào.



Trẻ em không thể tự quyết định được việc chúng có được tiêm hay không, trách nhiệm của bố mẹ là đưa ra lựa chọn đó đúng đắn.



http://infonet.vn/loi-keo-nguoi-khac-anti-vac-xin-la-co-toi-voi-ca-mot-the-he-post231381.info