Thay vì lấy yêu thương để chỉ dạy, hướng dẫn, nhiều cô giáo mầm non dùng giấy dán miệng, dùng thước quất mặt, quật chân…các bé. Những chiêu "xử" học trò của cô giáo là nỗi ám ảnh, sợ đến trường của các bé mầm non.


“Ác chiêu” dạy trẻ


Bé Khánh Linh với vết tím bầm trên má


Dư luận từng dậy sóng khi bắt gặp hình ảnh bảo mẫu Quảng Thị Kim Hoa dùng thước kẻ nhựa, lược, bát nhựa đánh rất tàn nhẫn vào đầu, vào mặt của các cháu bé tuổi từ 3 -7. Chưa hết, những cháu nào chậm ăn, khóc lớn thì càng bị bà Hoa túm tóc giật ngược, tát vào mặt thậm chí úp nguyên bát cơm vào mặt các cháu. Vụ việc đó, xét đến cùng, người nhận làm bảo mẫu ấy không được đào tạo qua trường lớp và điểm trông giữ trẻ hoàn toàn tự phát.


Sau vụ việc đó, hầu hết các bậc phụ huynh đã “nói không” với những điểm trông giữ trẻ tự phát, bằng mọi cách tìm cho con trẻ môi trường giáo dục an toàn hơn. Thế nhưng, một thực tế đau lòng là ở môi trường giáo dục chuyên biệt ấy, số trẻ bị đánh, bị áp dụng những phương pháp giáo dục phi khoa học vẫn rất nhiều.


Gần đây nhất, vào ngày 19/9/2012, tại Trường mầm non Hương Mạc, xã Hương Mạc, thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh, 6 trẻ đã bị cô giáo Dương Thị Hà (SN 1986, quê ở Đông Anh, Hà Nội) dùng giấy dán đồ chơi dán lên miệng. Nguyên nhân chỉ vì trẻ mất trật tự. Hiện cô giáo Hà đã bị đình chỉ công tác, chờ nhận mức kỷ luật tiếp theo.


Trước đó, vào ngày 25/4/2012, Trần Minh Khoa (5 tuổi, HS Trường mầm non Ngân Hà), bị cô giáo Đoàn Thị Hồng Quyên đánh thủng màng nhĩ. Nguyên nhân được xác định, cô giáo tức tối vì bé Khoa vô tình làm đổ cháo lên quần và bỏ ăn. Hai cái tát, một vào mặt, một vào lưng đã khiến bé Khoa…điếc một bên tai.


Ngày 26/3, sau buổi tan trường, phụ huynh của bé Lê Thị Ý Vy (6 tuổi, Trường Mầm non Hương Sen - quận Cẩm Lệ - Đà Nẵng) phát hiện chân con tím bầm. Theo lời kể của bé Vy thì do buồn tiểu, bé vào nhà vệ sinh. Cô giáo H. thấy bé vào đó quá lâu nên dùng thước kẻ vụt liên tục vào chân. Vụ việc này sau đó đã bị lãnh đạo Trường này phủ nhận. Nhưng bất cứ ai khi nghe đến thông tin này và nhìn hình ảnh cẳng chân tím bầm của bé gái đều không thể hiểu tại sao ở môi trường giáo dục được đánh giá là an toàn ấy, trẻ lại bị đau đớn, mất an toàn?


Cũng trong tháng 3/2012, vào ngày 16, bé Nguyễn Thị Khánh Linh (2 tuổi rưỡi) ở Trường mầm non Hoàng Thị Loan, phường Bến Thủy, thành phố Vinh, Nghệ An bị cô giáo Nguyễn Thị Thanh Hằng dùng thước kẻ quất tím mặt. Nguyên nhân theo như chính cô giáo này thừa nhận, là do bé Linh chạy ra ngoài khi đến giờ ăn.


Những vụ việc thật đến đau lòng trên đây chỉ tính riêng trong năm 2012 và đã được báo chí đưa tin. Một điều chắc chắn rằng, trên thực tế, số trẻ bị đánh đập, bị áp dụng những “ác chiêu” khi đến trường mầm non còn rất nhiều. Và đằng sau những đòn roi, những dọa nạt ấy lại là những nhức nhối khác.


Hậu những đòn roi


Bé Khoa bị...thủng màng nhĩ sau đòn roi của cô giáo


Sau mỗi vụ việc trẻ bị đánh, hầu hết lãnh đạo các Trường mầm non đều thừa nhận sai sót và đổ thừa rằng, do công việc áp lực vì một cô phải quản lý nhiều bé, do cô giáo còn non trẻ, thiếu kinh nghiệm…Nghịch lý ở chỗ, các cô giáo đều đã được qua trường lớp đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm và trong các cơ sở đào tạo đều có bộ môn đạo đức nghề. Như vậy, lý giải của những nhà quản lý giáo dục có thực sự đúng bản chất vấn đề?


Như đã thành mô tuýp có sẵn, đối với mỗi vụ việc xảy ra như phản ánh, các cô giáo thực hiện hành vi phi giáo dục ấy đều bị xử lý kỷ luật, trước là đình chỉ đứng lớp, sau hoặc bị thôi việc, hoặc thuyên chuyển công tác. Thế nhưng, mọi biện pháp kỷ luật xem ra chưa có sức răn đe, giáo dục bởi thực tế, những vụ việc tương tự vẫn diễn ra, vụ việc sau “đáng tiếc” hơn vụ việc trước.


Khi mà người lớn “xuê xoa” với nhau, trách nhau vài câu sai trái từ hành vi của người lớn thì chính những đứa trẻ mầm non của đất nước lại hứng chịu những hậu quả lâu dài. Tâm lý sợ cô, sợ đến trường là không thể tránh khỏi đối với những đứa trẻ nạn nhân của phương pháp giáo dục phi khoa học này. Hơn thế, ở vào lứa tuổi có xu hướng bắt chước người lớn, hành vi thiếu mô phạm của cô giáo sẽ dạy được cho trẻ điều gì ngoại trừ lối ứng xử kiểu chợ búa.


“Chiêu dằn mặt trẻ” của các cô giáo mầm non chẳng còn là đề tài mới, thực tế đã tồn tại như một vấn đề nhức nhối muôn thủa. Bài viết chỉ mong góp một góc nhìn khuất, để những người làm giáo dục ngẫm lại đôi chút, nhân vụ việc một cô giáo mầm non bị đình chỉ công tác vì dán giấy dán đồ chơi lên mồm 6 học trò.


Theo VnMedia.vn