Khái niệm
Nền kinh tế xanh, tiếng anh là Green economy, là một nền kinh tế nhằm cải thiện đời sống con người và tài sản xã hội đồng thời chú trọng giảm thiểu những hiểm họa môi trường và sự khan hiếm tài nguyên (theo Chương trình môi trường Liên hợp quốc - 2010)
Kinh tế xanh là một nền kinh tế có mức phát thải thấp, sử dụng hiệu quả và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, đảm bảo tính công bằng về mặt xã hội.
Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) đã đưa ra khái niệm về kinh tế xanh như sau: “Nền kinh tế xanh là kết quả mang lại phúc lợi cho con người và công bằng xã hội, nó có ý nghĩa giảm những rủi ro môi trường và khan hiếm sinh thái”. Phát triển một nền kinh tế xanh thực chất là vì con người, đảm bảo phúc lợi cao nhất, đạt mục tiêu công bằng về mặt xã hội và hạn chế tối đa những tác động xấu đến môi trường và hệ sinh thái, giúp tôn tạo, phát triển hệ sinh thái tự nhiên.
Xu hướng phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam
Tại Việt Nam, kể từ năm 2000, đã bắt đầu làm quen với xu hướng phát triển kinh tế xanh của thế giới, một số ít các dự án năng lượng xanh được triển khai ở dạng thử nghiệm. Sau một thời gian tìm hiểu và học tập kinh nghiệm của các quốc gia về phát triển kinh tế xanh, Việt Nam nghiên cứu và triển khai dự án 3R (Reduce – giảm thiểu, Reuse – tái sử dụng, Recycle – tái chế) quá trình và kết quả nghiên cứu được các chuyên gia nước ngoài đánh giá tốt về mặt lý thuyết. Tiếp nối sự phát triển năng lượng xanh của các quốc gia trên thế giới, hiện nay, Việt Nam đã bắt đầu triển khai các dự án năng lượng sinh học…
Tồn tại và hạn chế
Thứ nhất, về nhận thức, hiểu thế nào là một nền “kinh tế xanh” hiện nay ở Việt Nam vẫn còn mới mẻ, cần tiếp tục có những nghiên cứu và phổ biến kiến thức rộng rãi trong tầng lớp lãnh đạo, các nhà hoạch định chính sách, các doanh nghiệp và người dân. Nếu không nhận thức đầy đủ, tính đồng thuận trong xã hội sẽ không đạt được, mong muốn do vậy sẽ khó thực hiện.
Hiện nay có nhiều ngành thâm dụng tài nguyên, sử dụng nhiên liệu hóa thạch lớn, gây ô nhiễm môi trường đang chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế, như ngành khai thác khoáng sản, sản xuất năng lượng, sản xuất vật liệu xây dựng, dệt nhuộm, sản xuất giấy, công nghiệp hóa chất, đóng tàu, sửa chữa tàu thủy…
Trong khi đó ít chú ý đến phát triển các ngành công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn, hàm lượng khoa học cao. Việt Nam cũng còn thiếu vắng các ngành kinh tế hỗ trợ, giải quyết hậu quả về môi trường, ngành kinh tế thân thiện với môi trường như công nghệ, dịch vụ bảo vệ môi trường; công nghiệp tái chế; sản xuất năng lượng từ chất thải, năng lượng sạch; hàng hóa, sản phẩm tái chế thân thiện với môi trường; nông nghiệp hữu cơ.
Nguyên nhân
Những tồn tại, hạn chế trên do một trong những nguyên nhân sau:
- Nhận thức của các doanh nghiệp và người dân về ô nhiễm và bảo vệ môi trường còn hạn chế. Việc lạm dụng phân bón, thuốc kích thích tăng trưởng, thuốc kháng sinh, các chất cấm,... trong sản xuất nông nghiệp đang diễn ra là thực trạng đáng báo động trong vấn đề an toàn thực phẩm.
- Công tác tuyên truyền, truyền thông về thực hành kỹ thuật xanh trong cộng đồng còn nhiều mặt hạn chế; công tác đào tạo sản xuất sạch cho cán bộ địa phương, doanh nghiệp và nông dân chưa được chú trọng; triển khai ứng dụng cá hoạt động kỹ thuật xanh vào sản xuất còn phân tán, dàn trải và thiếu sự phối hợp.
- Thiếu sự liên kết và liên kết thiếu tính cam kết giữa các tác nhân từ quá trình sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nhất là sản xuất nông nghiệp xanh.
- Doanh nghiệp và người dân chậm áp dụng các quy trình công nghệ sử dụng tiết kiệm, hiệu quả,…; áp dụng tái xử lý phụ phẩm, phế phẩm trong nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ chưa nhiều.
- Công tác quy hoạch, kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nông nghiệp hữu cơ, bền vững còn chậm, chưa quyết liệt. Quản lý nhà nước về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, sản xuất đảm bảo môi trường của doanh nghiệp còn thiếu chặt chẽ, còn nhiều yếu kém.
- Việc chuyển đổi sang mô hình kinh tế xanh mà trọng tâm là tăng trưởng xanh, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với sử dụng năng lượng tái tạo, xây dựng xã hội các bon thấp, đầu tư khôi phục hệ sinh thái, giải quyết sinh kế gắn giảm nghèo và phục hồi môi trường là vấn đề lớn đặt ra.
- Phát triển thiếu các ngành kinh tế hỗ trợ, kinh tế công nghệ cao sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên, kinh tế môi trường, như: Công nghiệp môi trường, dịch vụ môi trường, công nghiệp tái sử dụng và tái chế chất thải, sản xuất năng lượng từ chất thải, năng lượng tái tạo,…
- Nền kinh tế nông nghiệp, sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ chủ yếu là sản xuất tiểu thủ công nghiệp quy mô nhỏ, sản xuất tự phát còn xảy ra phổ biến.
Giải pháp
Một là, thúc đẩy phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ,… ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, sử dụng hiệu quả tài nguyên; đẩy mạnh liên kết để phát triển nông nghiệp xanh, phát triển bền vững; xây dựng, phát triển và tham gia chuỗi giá trị nông sản toàn cầu. Trồng rừng, phát triển diện tích trồng rừng theo quy hoạch của tỉnh; chăm sóc, bảo vệ, bảo tồn và sử dụng bền vững rừng và đất lâm nghiệp hiện hữu; phục hồi rừng phòng hộ.
Hai là, phát triển năng lượng tái tạo, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên, phát triển công nghiệp sạch, kiến tạo công nghệ xanh. Xây dựng và phát triển mạnh các doanh nghiệp phát triển bền vững.
Ba là, đẩy mạnh chuyển đổi từ sử dụng nhiên liệu truyền thống sang nhiên liệu sinh học, khí thiên nhiên và năng lượng điện; cải tiến, phát triển và áp dụng công nghệ trong sản xuất vật liệu xây dựng; phát triển và áp dụng vật liệu xây dựng tiết kiệm năng lượng, vật liệu xanh trong lĩnh vực nhà ở và thương mại.
Bốn là, phát triển các loại hình du lịch sinh thái; chuyển đổi phương thức vận chuyển hàng hóa; tái cơ cấu thị trường vận tải; chuyển đổi từ phương tiện cá nhân sang phương tiện công cộng; nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng của các phương tiện giao thông.
Năm là, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn: Vốn đầu tư trung hạn đầu tư các dự án trọng điểm, dự án đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng và thực hiện các chính sách; tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế dễ dàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng, tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất - kinh doanh; các nguồn vốn có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước, thực hiện theo quy định hiện hành.