TT - Tăng huyết áp được coi là chứng bệnh “giết người thầm lặng” khi gây rất nhiều biến chứng lên tim mạch, mắt, thận, thậm chí có thể làm đột tử.



Ngày càng nhiều người đến Bệnh viện Bạch Mai vì bệnh tim mạch - Ảnh: Hoàng Ngọc




Đáng lo ngại hiện có tới 10 triệu người VN mắc chứng tăng huyết áp và con số người mắc bệnh vẫn không ngừng tăng lên.


Nhiều stress, nhiều thịt, nhiều muối...






"Trung bình mỗi người VN đang ăn tới 10-15 gam muối/ngày. Như vậy là quá nhiều, Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo mỗi người chỉ nên dùng 5 gam muối/ngày. Vì khi ăn muối quá nhiều là tăng kéo nước vào lòng mạch, tăng áp lực thành mạch khiến tim phải hoạt động nhiều hơn dẫn đến tăng huyết áp"


PGS.TS Lê Bạch Mai



Theo bác sĩ Đỗ Doãn Lợi, phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai kiêm viện trưởng Viện Tim mạch quốc gia, số mắc tăng huyết áp ở VN tăng rất nhanh. Năm 1960 toàn dân chỉ có khoảng 1% tăng huyết áp, nhưng năm 1990 con số này là 8-9% người trưởng thành, đến năm 2008 con số này lên 25,5% và hiện ở mức 30% người trưởng thành, tương đương 10 triệu người Việt tuổi từ 25-64 bị huyết áp cao. Số mắc tăng, xác suất có biến chứng cũng tăng theo. Theo ông Lợi, trước đây nhồi máu cơ tim là bệnh “đặc quyền” ở nhóm người cao tuổi (50-60 tuổi hoặc cao hơn), nhưng hiện nay đã có những bệnh nhân lứa tuổi 30 bị nhồi máu cơ tim.


PGS.TS Lê Bạch Mai, phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, nhận định stress do áp lực cuộc sống và công việc, chế độ ăn quá nhiều muối, thịt và mỡ động vật, ít rèn luyện thể lực, ít rau xanh, trong đó lượng thịt bình quân sử dụng đã tăng gấp ba so với các thập kỷ trước, nhưng lượng rau xanh không đổi trong khoảng 20 năm gần đây và chỉ bằng 1/2 so với lượng sử dụng được Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo... là những căn nguyên chính khiến số mắc tăng huyết áp tăng cao ở VN.


Bà Mai nhấn mạnh trung bình mỗi người VN đang ăn tới 10-15 gam muối/ngày. “Như vậy là quá nhiều, Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo mỗi người chỉ nên dùng 5 gam muối/ngày. Giảm muối trong chế độ ăn là biện pháp rất hiệu quả để kiểm soát huyết áp” - bà Mai nói.


Theo bà Mai, ngoài muối sử dụng trong bữa ăn hằng ngày, hiện còn rất nhiều nguồn thực phẩm chứa muối như xúc xích, mì ăn liền, bánh mì, thịt nguội, thức ăn nhanh..., nhưng người sử dụng ít có ý thức đang ăn thêm muối mà vẫn nghĩ đang ăn thịt, ăn mì, ăn bánh mì... “Thực phẩm ăn sẵn nên ghi rõ lượng muối sử dụng chế biến để người tiêu dùng có thể nhận biết và lựa chọn sản phẩm ít muối” - bà Mai cho biết.


Lo ngại bệnh nhân trẻ hóa


Người bệnh tăng huyết áp ngày càng trẻ hóa là mối quan ngại của giới chuyên môn. Theo đánh giá của bà Mai, rất nhiều người trẻ đang mắc bệnh tăng huyết áp do uống nhiều bia rượu, gặp nhiều áp lực trong cuộc sống và có chế độ ăn nhiều thịt, mỡ, thiếu rau xanh, quả chín. Những bệnh nhân trẻ này không có kiến thức về dinh dưỡng, có thể uống hàng chục cốc bia mỗi tối, tửu lượng rất cao nhưng lại không đặt dinh dưỡng ở nhóm kiến thức cần chú ý. “Tăng huyết áp là kẻ giết người thầm lặng vì có rất nhiều biến chứng nguy hiểm, nguy hiểm nhất là đột quỵ, ngoài ra có những biến chứng nguy hiểm không kém của tăng huyết áp là biến chứng lên mắt, thận, tim mạch... Nếu gặp biến chứng của tăng huyết áp ở mắt thì có khả năng sẽ mù vĩnh viễn, không thể điều trị bằng thay thủy tinh thể như bệnh đục thủy tinh thể”- bà Mai cho biết.


Tại Viện Tim mạch quốc gia, ông Đỗ Doãn Lợi cho biết đã có những bệnh nhân đột tử khi mới 25 tuổi do nguyên nhân tim mạch, thậm chí có bệnh nhân mới 21 tuổi đã có huyết áp cao, hoặc 30 tuổi bị nhồi máu cơ tim. “Chúng tôi không thống kê tỉ lệ bệnh nhân trẻ nhưng đã gặp khá nhiều bệnh nhân ở lứa tuổi như trên. Chúng tôi ước tính có tới 10 triệu người VN mắc chứng tăng huyết áp, nhưng chỉ 1/3 trong số này đã biết tình trạng của mình và được điều trị, số còn lại bệnh vẫn đang tiếp tục diễn tiến và có nguy cơ tiềm tàng gây hại sức khỏe người bệnh”- ông Lợi cho biết.


Tuân thủ điều trị khi đã được kết luận tăng huyết áp là một vấn đề khá yếu ở người bệnh VN. Bà Mai cho rằng nhiều trường hợp sau một thời gian điều trị, thấy huyết áp đã giảm về mức gần bình thường là ngừng sử dụng thuốc, tuy nhiên nếu tiếp tục giữ lối sống, chế độ ăn và sinh hoạt như cũ thì huyết áp lại tăng, nguy cơ gặp cơn đột quỵ không phải ít. Khác với nhiều căn bệnh khác gây tình trạng nặng ngay lập tức khiến người mắc bệnh lo lắng chữa trị ngay, tăng huyết áp lại rất thầm lặng, cứ diễn tiến một cách từ từ nhưng mức độ nguy hiểm lại rất cao.


http://tuoitre.vn/Chinh-tri-xa-hoi/Song-khoe/597278/10-trieu-nguoi-viet-tang-huyet-ap.html



Nhìn chung khẩu vị người Việt là ăn mặn, ngoài ra bài báo chưa đề cập đến thói quen ăn ít bữa, thậm chí nhịn ăn sáng hay bỏ bữa nhưng bữa chính lại ăn quá nhiều trong một lúc, cũng là nguyên nhân dẫn đến tích mỡ và tăng huyết áp, bệnh này giờ không chừa một ai, ngay cả mẹ mình cũng máu nhiễm mỡ, gan nhiễm mỡ, bà ăn rất ít thịt nhưng lại ăn nhiều cơm với ăn mặn, nói nhiều rồi nhưng không bỏ đc thói quen.