Khổ quá ! :Sad::Sad::Sad:


- Đọc thấy ứa nước mắt ... Sao cảnh khổ lại cứ bám riết lấy mấy gia đình nghèo này ???
:Worried::Worried::Worried:


====================================



'Khi thấy xác, cô ấy vẫn giữ thế bồng con'


http://vietnamnet.vn/xahoi/201011/Khi-duoc-tim-thay-xac-co-ay-van-giu-the-bong-con-945309/


Cập nhật lúc 07:09, Thứ Hai, 01/11/2010 (GMT+7)


,



– "Em nghe người ta kể, khi tìm thấy xác Lan, tay cô ấy vẫn giữ nguyên tư thế bồng con. Có lẽ, cô ấy đã giữ chặt đứa trẻ cho đến khi tức thở vì nước, và nước cuốn trôi cháu bé đi chỗ khác".


Người đàn ông “mồ côi”


Hơn 10 ngày sau khi xảy ra vụ xe khách bị lũ cuốn làm 20 người chết ở Hà Tĩnh, chúng tôi tìm về xóm nhỏ của xã nghèo ven biển Hải Xuân, huyện Hải Hậu, Nam Định, nơi có hai cặp mẹ con cùng thiệt mạng trên chiếc xe khách xấu số.


Suốt thời gian qua, người dân Hải Xuân vẫn chưa nguôi ngoai nỗi đau về việc cùng một lúc, dân làng đón nhận tin dữ: hai người mẹ cùng hai cháu bé chưa đầy tuổi đã thiệt mạng trên chiếc xe định mệnh.



Ngôi nhà lạnh lẽo của hai cha con anh Lê Văn Ngọc sau đám tang mẹ con chị Cúc bị lũ cuốn.


Đó là chị Đỗ Thị Lan (24 tuổi, ở xóm 3, xã Hải Xuân) cùng con gái là cháu Nguyễn Thị Ngọc Anh (8 tháng tuổi); mẹ con chị Phạm Thị Cúc (37 tuổi, ở xóm 7, xã Hải Xuân) và con gái là cháu Lê Thị Phương Thảo (9 tháng tuổi).


Ngôi nhà cấp 4 hai gian còn thơm mùi vôi trắng mới được khánh thành chưa đầy một tháng của vợ chồng chị Phạm Thị Cúc nằm lẻ loi ở giữa xóm đạo. Đám tang đưa tiễn mẹ con chị Cúc, cháu Thảo vừa qua được chưa đầy tuần lễ. Dẫu ngôi nhà có nhỏ bé, bây giờ cũng trở nên lạnh lẽo và trống trải, bởi chỉ còn người đàn ông có tên Lê Văn Ngọc, chồng chị Cúc, cùng đứa con gái lớn, cháu Lê Thị Hạnh, 5 tuổi chung sống.


Người mẹ trẻ và cũng là trụ cột của gia đình nhỏ bé ấy đã vĩnh viễn không bao giờ có mặt trong ngôi nhà này nữa.


Chia sẻ nỗi đau cùng phóng viên có bà Mai Thị Thim (mợ chị Cúc) và chị Phạm Thị Lan (chị ruột của chị Cúc). Tất cả câu chuyện, từ đầu đến cuối đều đau đớn, thê lương: số phận quá bất hạnh của một người phụ nữ và nỗi đau đớn để lại cho một người chồng góa vợ, và người chồng ấy cũng chẳng được là một con người bình thường.


Hai chị em chị Phạm Thị Cúc mồ côi mẹ từ nhỏ. Bố đi bước nữa, hai chị em dựa vào nhau để sống. Vì hoàn cảnh, chị Cúc không được học hành đến nơi đến chốn, vào Tây Nguyên hái cà phê thuê. Tại đây, chị gặp anh Lê Văn Ngọc (quê tận Đắc Nông), hai người nên vợ nên chồng.


Nhà chồng cũng nghèo. Anh Ngọc dị tật chân từ nhỏ, đầu óc chậm chạp không được như người bình thường. Đứa con gái đầu tiên ra đời, hai vợ chồng chị Cúc khăn gói về quê vợ là xã nghèo ven biển Hải Hậu kiếm kế sinh nhai.


Hàng ngày, anh Ngọc đi làm cửu vạn thuê cho các tàu chở cát, "buổi đực buổi cái". Chị Cúc không có nghề nghiệp, đi làm giúp việc ở mãi dưới Hải Phòng.



Người đàn ông này từ bỏ quê theo vợ ra đất Bắc mưu sinh...


“Cháu nó đi làm hơn một năm, tích cóp mua được ba chỉ vàng. Năm ngoái (2009), xã bình xét gia đình nó thuộc diện hộ nghèo và được hưởng tiền hỗ trợ 7 triệu đồng để làm nhà. Họ hàng, làng xóm xúm vai, mỗi người đỡ đần một tý. Đầu tháng 10 vừa rồi, chúng nó mới xây được căn nhà cấp bốn này.


Khi ngôi nhà vừa mới quét vôi tường xong, phần vì thiếu công nợ, phần đi thăm gia đình chồng mãi trong Đắc Nông, hai mẹ con cháu Cúc mới mua vé xe vào Tây Nguyên, cả đi cả về đúng hai tuần để kịp mùa gặt. Thế rồi, lúc đi ra thì gặp lũ dữ…” – bà Thim tâm sự.


Cả hai mẹ con chị Cúc có vừa đủ tiền mua vé xe đi, xe về. Gia đình nhà chồng cũng nghèo, đỡ đần cho con dâu được gần 1 triệu. Số tiền ấy, trừ tiền mua vé mất hơn 200 ngàn, 80 ngàn tiêu pha dọc đường, chị còn dư 720 ngàn để về trả công nợ. Số tiền ấy vẫn còn nguyên trong túi quần mà khi xác mẹ con chị đưa về quê, người thân đã tìm thấy.


“Nó là đứa khổ từ nhỏ. Lớn lên, lấy chồng càng thêm khổ. Tính nó tằn tiện vì sống khổ quen rồi. Bây giờ, người chết không sống lại được, nhưng cứ mỗi lần nhìn vào đứa trẻ 5 tuổi đầu đã mồ côi mẹ, hệt như mẹ nó ngày xưa, tôi lại ứa nước mắt. Không biết rồi cháu Hạnh, mai này lớn lên có bớt khổ như mẹ nó?” – chị Lan sụt sùi.


Xao xác xóm đạo



Theo đúng lịch trình của chuyến xe, nếu như không gặp lũ dữ, thì ngày 18/10 mẹ con chị Cúc sẽ về đến nhà. Đấy là lời dặn của chị Cúc khi xe bắt đầu chuyển bánh từ Đắc Nông về Nam Định. Y ngày ấy, anh Ngọc sẽ ra thị trấn Cồn để đón vợ.


Buổi chiều hôm đó, anh Ngọc thơ thẩn đợi vợ ở thị trấn Cồn, cách nhà gần 20 cây số. Đợi mãi không thấy, thì nhà bán vé xe tuyến đường dài (tại chợ Cồn, Hải Hậu) nhận được tin chiếc xe chuyên tuyến Nam Định – Đắc Nông) đã bị lũ cuốn. Đó là nhờ nhà xe từ miền trong gọi ra nhờ nhắn giúp.


Lời nhắn được ghi vào mẩu giấy, và vì không biết ai đi trên chuyến xe ấy nên đại lý bán vé viết chung chung trên một tờ giấy. Nhưng, oái oăm ở chỗ, cũng như vợ, anh Ngọc không biết chữ.


Cho tới sáng hôm sau, khi danh sách những người thiệt mạng trên chuyến xe được Đài truyền hình Việt Nam đăng tin, anh Ngọc mới ngã ngửa. Ngay lập tức, hai người anh rể của chị Cúc đã tức tốc vào Hà Tĩnh chầu chực để nhận diện xác em mình.



Ngôi nhà cáp bố vừa hoàn thành từ tiền hỗ trợ hộ nghèo của xã của gia đình chị Cúc, anh Ngọc.


Và, gần 4 ngày sau khi tìm thấy chiếc xe, khoảng 23h đêm ngày 21/10, xác mẹ con chị Cúc được đưa về quê.


Đám ma tang thương chưa từng có tại xóm đạo đã diễn ra khi 2 hai chiếc xe tang đi nối tiếp nhau.


Trước đó, trong thời gian đợi tin lực lượng cứu hộ Hà Tĩnh tìm chiếc xe bị lũ cuốn và tìm kiếm những người mất tích, những người làng xóm của đôi vợ chồng nghèo đã tìm mọi cách để chia sẻ nỗi đau đối với người chồng bất hạnh.


Ông Mai Quang Vang, Bí thư xã Hải Xuân nói: Trước hôm tìm thấy xác mẹ con cháu Cúc một ngày, bà con xóm Tây đã mượn chiếc hòm đựng phiếu bầu cử của xã để làm hòm công đức đặt trước sân nhà chị Cúc. Mỗi người một chút, chung tay đỡ đần cho gia đình anh Ngọc.


Nghịch lý một chuyện buồn


Cùng tang thương như gia đình chị Cúc, cái chết của hai mẹ con chị Đỗ Thị Lan cháu Nguyễn Thị Ngọc Anh (8 tháng tuổi) lại là một câu chuyện ngược với câu chuyện của mẹ con chị Cúc, nhưng cũng buồn như nhau.


Cùng một xã, chỉ khác thôn, chị Cúc và chị Lan là họ hàng con chú con bác. Lan cũng bỏ quê vào Đắc Nông đi hái cà phê, trồng điều, hồ tiêu như chị Cúc, cũng lấy chồng người Đắc Nông, nhưng không về quê mà ở lại Đắc Nông lập nghiệp.



Cháu Hạnh lại lặp lại nỗi bất hạnh của người mẹ: mồ côi mẹ từ nhỏ!


Thời điểm mẹ con chị Cúc từ quê chồng trở về Bắc, mẹ con chị Lan lại bồng bế nhau từ Đắc Nông về Hải Hậu, Nam Định để dự đám cưới người em họ.


Họ đi chung một chuyến xe, và có cùng một kết cục buồn.


Bằng giọng miền trong, anh Ngọc thẫn thờ: Cúc nhà em vẫn còn may mắn vì tìm thấy xác. Còn mẹ con Lan, đến tận bây giờ vẫn chưa tìm thấy xác cháu bé xấu số. Em nghe người ta kể, khi tìm thấy xác Lan, tay cô ấy vẫn giữ nguyên tư thế bồng con. Có lẽ, cô ấy đã giữ chặt đứa trẻ cho đến khi tức thở vì nước, và nước cuốn trôi cháu bé đi chỗ khác.


Chồng của Lan, trong những ngày mòn mỏi ngóng tìm xác con, hễ nghe thấy thông tin tìm kiếm được thêm một xác người xấu số nào lại hộc tốc chạy đến, nhưng rồi lại thẫn thờ quay về…


Chưa kịp chụp cho cháu tấm ảnh


Chị Phạm Thị Lan, chị gái của chị Cúc sùi sụt: buồn lắm, thương em gái nhiều lắm, từ nhỏ đến lớn, chưa ngày nào là ngày sung sướng, hạnh phúc.


Lúc đưa xác Cúc về, em tìm thấy trong túi của Cúc, ngoài 720 ngàn đồng còn có một lọ dầu gió mang theo vì có con nhỏ, một chiếc điện thoại không có sim. Chiếc điện thoại ấy là của đứa cháu nhà chồng tặng cho, định ra ngoài Bắc sẽ mua một cái sim để bà cháu, họ hàng liên lạc, hỏi thăm nhau…


"Thương cả đứa cháu mới 8 tháng tuổi. Cả nhà chúng tôi chỉ ân hận một điều, là chưa kịp chụp cho cháu một tấm ảnh. Bây giờ, nhớ cháu chỉ biết hình dung…" - chị Lan nói.



Những người thân của chị Cúc chia sẻ cùng p.v VietNamNet.


Đắng đót đến nao lòng, khi nhìn cháu Lê Thị Hạnh từ ngày mẹ mất, em mất, con bé 5 tuổi dẫu chưa biết nỗi đau của sự mất mát, cũng thẫn thờ ngồi vẩn vơ trên manh chiếu rách. Rồi đây, tương lai của cháu sẽ ra sao, khi chỗ dựa là người cha tật bệnh, và không được bình thường như bao người?


Trong cái nắng dở dang của buổi chiều đầu đông, gió lạnh vùng biển hòa trong không khí hanh hao tê tái, ông bí thư xã Hải Xuân mặt buồn rười rượi: Chưa bao giờ xóm đạo chúng tôi phải huy động thêm một chiếc xe tang của giáo xứ, chưa bao giờ có một đám tang nào mà hai chiếc xe lầm lũi nối nhau… Dẫu biết, thiên tai là điều không ai dám oán ông trời, nhưng run rủi thay, nó lại rơi vào những nhà khó như thế, thì càng nghĩ càng buồn…


*


Kiên Trung