Mỗi trẻ sinh ra là niềm vui, niềm hạnh phúc của gia đình. Trẻ phát triển về thể chất, tinh thần và vận động. Đó là vấn đề mà các bậc phụ huynh trẻ muốn được biết. Bài viết này chỉ đề cập đến thời kỳ trẻ vừa lọt lòng mẹ đến tuổi đi nhà trẻ là giai đoạn quan trọng nhất trong cuộc đời của trẻ.


Về thể chất


Cơ thể trẻ em là một cơ thể đang lớn và trưởng thành, luôn biến đổi về số lượng và chất lượng. Dưới đây là một số chỉ tiêu hình thái thông thường như cân nặng, chiều cao và một vài đặc điểm của hệ xương.


Chiều cao


Khi mới ra đời, trẻ cao từ 48-50cm, trẻ trai cao hơn trẻ gái. Sau đó trẻ phát triển rất nhanh trong năm đầu, cao nhanh nhất là 3 tháng đầu tiên.


Quý I: Mỗi tháng tăng thêm 3,5cm.


Quý II: Mỗi tháng tăng thêm 2,0cm.


Quý III: Mỗi tháng tăng thêm 1,5cm.


Quý IV: Mỗi tháng tăng thêm 1,0cm.


Như vậy đến hết 12 tháng đầu tiên trẻ tăng thêm 23-25cm tức là tăng cao gấp rưỡi lúc trẻ mới sinh.


Trên một tuổi, chiều cao của trẻ tăng chậm hơn. Đến 24 tháng trẻ cao thêm 8-9cm và đến 36 tháng trẻ cao thêm 7-8cm nữa. Như vậy đến hết tuổi nhà trẻ thì trẻ cao khoảng 90cm.


Phát triển về cân nặng


Cân nặng trung bình của trẻ sơ sinh đủ tháng là 3.000g, trẻ trai nặng hơn trẻ gái, con dạ lớn hơn con so một ít.


Trong thời kỳ sơ sinh (30 ngày đầu sau sinh) trẻ thường có hiện tượng sụt cân sinh lý thường vào ngày thứ 2-3 sau sinh, đến khoảng ngày thứ 10-12 hồi phục lại rồi tăng cân dần. Trẻ tăng rất nhanh trong năm đầu.


Trong 6 tháng đầu, trẻ tăng trung bình mỗi tháng 600g, tháng thứ 2-3 có thể tăng thêm 800-900g, nhưng 6 tháng cuối năm chỉ tăng trung bình mỗi tháng 400-500g.


Phát triển hệ xương


Trẻ từ lúc sinh có 2 thóp là thóp trước và thóp sau. Thóp trước lớn, kích thước dao động rộng từ 1,8x2cm đến 2,8x3cm. Thóp sẽ liền dần từ lúc trẻ được 13 tháng chậm nhất là 18 tháng, thóp sau nhỏ sẽ kín trong 3 tháng đầu.


Trẻ khỏe mạnh bắt đầu mọc răng lúc 6-8 tháng, đến 24-30 tháng thì mọc đủ 20 răng sữa. Ta tính nhanh số răng sữa trẻ có bằng số tháng tuổi trừ đi bốn.


Phát triển tinh thần và vận động


Sơ sinh: Ngay sau sinh, các giác quan đã hoạt động và có một số phản xạ quan trọng như tìm vú, bú, mút, nắm…


Sau ba tuần, trẻ có thể theo dõi vận động bằng mắt. Trong tháng đầu còn hiện tượng lác mắt sinh lý. Thời gian này trẻ còn ngủ nhiều.


2 tháng: 4-6 tuần biết mỉm cười hóng chuyện, mắt biết nhìn theo vật sáng di động. Nằm sấp có thể ngẩng đầu từng lúc, khung chậu duỗi rộng, hông duỗi gần hoàn toàn.


3 tháng: Biết đưa mắt tìm nguồn tiếng động, vật di động. Biết lẫy từ ngửa sang nghiêng. Nhấc cằm khỏi mặt giường khi nằm sấp.


4-5 tháng: Trẻ nhanh nhẹn, thích chơi đùa với người xung quanh, thích chơi các đồ vật.


Về vận động có những vận động lưu ý ở tay chân. Lẫy từ ngửa sang sấp lúc 4 tháng và từ sấp sang ngửa lúc 5 tháng.


Nằm sấp trẻ ngẩng cao đầu trong thời gian lâu, thích đạp vùng vẫy chân. Khi nắm tay kéo khỏi mặt giường, trẻ sử dụng bắp cơ giữ đầu thẳng.


6 tháng: Trẻ biết lạ quen, bập bẹ 1-2 âm thanh, biết bắt chước mẹ. Có thể ngồi vững, nắm cầm đồ chơi bằng lòng bàn tay.


7 tháng: Trẻ nhanh nhẹn, quan tâm đến đồ chơi. Biết giơ tay khi đòi bế, có thể tự cầm bánh đưa vào miệng.


8 tháng: Trẻ có thể lăn mình di chuyển ra chỗ khác, có thể chuyển đồ vật từ tay này sang tay khác.


9 tháng: Trẻ có cảm xúc vui mừng, sợ hãi. Hiểu được lời nói đơn giản. Có thể bò bằng và đầu gối và bàn tay.


10-12 tháng: Trẻ biết tập nói, hiểu được một số lời nói, biết vẫy tay tạm biệt người khác, nói được vài từ đơn giản. Nhiều trẻ đã đứng vững, có thể biết đi nếu được đỡ.


1-2 tuổi: Trong năm thứ 2, trẻ di chuyển ra xung quanh dễ dàng hơn. Nhận biết được nhiều người xung quanh. Sự nhận biết về xã hội phát triển nhanh, thích chơi với trẻ khác.


Ngôn ngữ phát triển - nói được nhiều từ hơn. 18 tháng, trẻ có thể chỉ các phần cơ thể khi được hỏi. Có thể đứng lên ngồi xuống một mình, có thể xếp hình tháp thành hình khối vuông.


3 tuổi: Ngôn ngữ phát triển nhanh, khả năng tiếp thu tốt, có thể hát được bài hát ngắn. Đi nhanh, vượt qua bậc cửa, chạy nhanh. Vận động bàn tay tinh vi nhịp nhàng hơn nên tập múa được. Trẻ có thể làm được một số việc tự phục vụ mình như xúc cơm, cài cúc áo, đi tất, nhặt những vật nhỏ bằng hai ngón tay…


Sự phát triển tinh thần vận động, liên quan chặt chẽ với sự phát triển thể chất cũng như với đặc điểm cơ thể của từng trẻ, đồng thời phụ thuộc vào yếu tố di truyền, dinh dưỡng… Do vậy, ngay từ lúc được sinh ra, trẻ rất cần nhận được sự chăm sóc và quan tâm giáo dục đúng đắn, phù hợp của các bậc sinh thành, nuôi dưỡng để trẻ có được nhân cách tốt sau này.


BS. PHẠM THỊ THỤC


Theo Tuoitre.com.vn - (Trung tâm Tư vấn y tế 1088)