Một tình trạng phổ biến khiến nhiều bà mẹ có con nhỏ lo lắng, đó là tình trạng trẻ bị nôn, trớ sữa. Trước tiên cần phân biệt nôn và trớ. Trớ (ụa, ợ) sữa là tình trạng trẻ bú xong, một lúc sau ợ ra ít sữa nhưng trẻ vẫn khoẻ mạnh, thường gặp ở trẻ sơ sinh, do sự co bóp dạ dày trẻ hay do mẹ cho bú quá no hoặc ẫm bồng, xốc trẻ quá mạnh sau khi bú. Hiện tượng này không đáng lo ngại.
Ngược lại, nôn (mửa, ói) sữa là tình trạng trẻ ói ra sữa đã tiêu hoá một phần ở dạ dày (hơi có mùi) do cơ thành bụng hay cơ hoành co thắt đột ngột. Trường hợp này, nếu trẻ không sốt (nóng), không mệt mỏi và vẫn lên cân thì nguyên nhân có thể do mẹ thiếu kinh nghiệm khi cho bú hay pha sữa quá đặc hoặc quá lỏng. Tuy nhiên, nếu nôn mửa xảy ra nặng nề và thực sự đe doạ sức khoẻ của trẻ như bít hẹp thực quản, phình đại tràng (ruột già) bẩm sinh, hẹp môn vị hay hiếm hơn là chứng không hậu môn. Nôn mửa trong trường hợp này làm trẻ rất khổ sở: tím tái, suy kiệt. Lồng ruột, tắc ruột cũng gây nôn mửa nặng nề cho trẻ. Lồng ruột thường gặp ở bé trai 7-8 tháng tuổi, bụ bẫm, nôn không kèm theo sốt nhưng đau bụng dữ dội từng cơn, sau đó nôn, có khi tiêu ra máu.
Ðáng lo nhất là khi trẻ nôn kèm theo sốt, vì đó có thể là dấu hiệu báo động trẻ bị viêm não, màng não; sốt xuất huyết; viêm ruột thừa cấp.Trong các trường hợp nôn mửa kèm theo những dấu hiệu bất thường kể trên, cần nhanh chóng đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được chữa kịp thời. Còn những trường hợp lành tính khác, cần giữ bình tĩnh để tìm cách khắc phục, chẳng hạn nếu dùng sữa bột, cần nắm rõ loại sữa, cách pha chế có hướng dẫn trên hộp sữa hay hỏi ý kiến bác sĩ dinh dưỡng nhi. Nhìn chung, nên cho trẻ dùng sữa vừa đủ, không quá thừa cũng không quá thiếu, cần danh nhiều thời gian theo dõi để nhận biết khẩu phần thích hợp nhất cho trẻ, tuân thủ điều này không chỉ số lượng cho bú mà còn ở số lần cho bú mỗi ngày. Chẳng hạn với trẻ trên 3 tháng tuổi mỗi lần 120 130 ml và khoảng 6 lần một ngày là đủ. Sau khi bú, nên bồng đứng trẻ lên khoảng 10 phút cho trẻ ợ hơi rồi mới đặt trẻ nằm xuống.