Có giá chênh nhau từ hàng chục lần, đến cả trăm lần một lạng, thị trường đông trùng hạ thảo đang dấy lên mối lo ngại về lượng sản phẩm nhái đang chiếm tới 70% thị trường này.
Chiều 28-8, Báo Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức buổi tọa đàm trực tuyến "Thị trường Đông trùng hạ thảo Việt Nam - Minh bạch và Phát triển" với sự tham gia của các cơ quan quản lý trong ngành y tế. Hội thảo đề cập đến vấn đề, đông trùng hạ thảo đã đem lại những kết quả cao trong quá trình phục hồi sức khỏe, tăng cường miễn dịch, ổn định nhịp tim, cải thiện đường hô hấp,… Tuy nhiên trên thị trường hiện nay các thông tin về đông trùng hạ thảo nhập khẩu và sản xuất trong nước vẫn còn “nhập nhằng”, các siêu thị, đại lý phân phối cho thương hiệu đông trùng hạ thảo trong nước còn thưa thớt, những chuỗi cửa hàng phân phối về đông trùng hạ thảo đa phần là hàng nhập khẩu từ Mỹ, Nhật, Hàn, Trung Quốc, hàng Việt Nam chưa có “chỗ đứng” trên thị trường, thương hiệu và chất lượng sản phẩm chưa rõ ràng. Đặc biệt niềm tin của khách hàng vào sản phẩm chưa cao, các kênh truyền thông về sản phẩm còn hạn chế khiến ranh giới hiểu biết giữa người sử dụng về các thương hiệu uy tín còn mập mờ khó phân biệt.
Mặc dù được kỳ vọng và trên thực tế đã có bước phát triển khá mạnh mẽ, tuy nhiên tại thời điểm hiện tại, thị trường đông trùng hạ thảo tại Việt Nam đã xuất hiện khá nhiều bất cập. Công tác quản lý, sản xuất, phân phối, kiểm định chất lượng khá lỏng lẻo và nhiều hạn chế nên đã dẫn đến thị trường đông trùng hạ thảo phát triển một cách tự phát, tràn lan và thiếu nhất quán khiến người tiêu dùng khó phân biệt, mất phương hướng dẫn đến mất niềm tin của người tiêu dùng.
Tại hội thảo, TS Phạm Văn Nhạ (Giám đốc Trung tâm đấu tranh sinh học - Viện bảo vệ thực phẩm – Bộ NNPTNT - nay là Viện trưởng là Viện Nghiên cứu thảo dược Việt nam) cho biết, hiện nay đang có nhiều cách gọi khác nhau về về sản phẩm này. Trong đó phổ biến là các cách gọi như đông trùng hạ thảo tại Việt Nam, Hàn Quốc, nhộng trùng thảo tại Trung Quốc và cách gọi bông tuyết tại Nhật Bản. Hoạt động khai thác đông trùng hạ thảo đang có 2 nguồn đó là tự nhiên và nuôi cấy. Khó có thể so sánh về chất lượng của hai nguồn này, bởi chất dược dưỡng trong đông trùng hạ thảo phụ thuộc rất nhiều vào cách sơ chế và bảo quản sản phẩm. “Doanh nghiệp có thể lựa chọn được chủng nấm tốt, tuy nghiên quá trình nuôi cấy, môi trường không tốt, thì sản phẩm chất lượng cuối cùng cũng không thể tốt. Sau khi thu hoạch, cách sơ chế nếu không bảo đảm ở nhiệt độ -50oC hoặc cách bảo quản không đúng chỉ cần sau 2 tháng các loại dược chất sẽ mất hết”, TS Phạm Văn Nhạ nói.
Giá cả của đông trùng hạ thảo đang tạo ra mê trận với người dùng. Giá bán một số nơi từ 1-2 triệu đồng/lạng nhưng có doanh nghiệp cạnh tranh bán chỉ 3,5 triệu đồng/kg, tức là chỉ 350 nghìn đồng/lạng, thấp gấp 3-6 lần doanh nghiệp khác. Bên cạnh đó, hàm lượng cao bất thường trong sản phẩm đông trùng hạ thảo cũng cho thấy thị trường phát triển còn khá lộn xộn, ảnh hưởng không nhỏ tới các doanh nghiệp làm ăn chân chính.
“Để xảy ra tình trạng này chính là do một nhóm doanh nghiệp kinh doanh sản xuất không có lương tâm, khi sử dụng chất tổng hợp trong quá trình nuôi cấy đông trùng hạ thảo. Điều này có thể dễ dàng nhận thấy khi kiểm nghiệm chất lượng, chỉ số về thành phần tinh chất chính có thể lên tới hơn 10mg thì chứng tỏ sản phẩm đó có vấn đề”, TS Nhạ cho hay.
Đứng từ góc độ cơ quan quản lý, ông Lê Văn Giang, Phó Cục Trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, hiện nay, cơ quan chức năng có phiếu kiểm nghiệm đánh giá hàm lượng adenosin và cordycepin để đánh giá sản phẩm đó có được gọi là đông trùng hạ thảo hay không và có bao nhiêu thì được gọi là đông trùng hạ thảo.
"Câu chuyện xác định đó hiện còn gặp khó khăn. Vì Việt Nam hiện chưa có quy định về hàm lượng nhộng trùng. Có ý kiến là 1% với những nguyên nhân xuất phát từ vùng trồng. Tuy nhiên, chúng tôi tham khảo tiêu chuẩn của Trung Quốc lại cho là nhỏ hơn 10 lần. Do đó, có sự khác biệt trong xác định hàm lượng giữa Việt Nam và các nước như Hàn Quốc hay Trung Quốc. Việc dự vào chỉ số adenosin cũng có thể bị lẫn với các loại nấm tại Việt Nam. Do đó, cần có sự phân biệt đông trùng hạ thảo loại A, loại B để phân biệt hàm lượng trong từng loại để đưa ra cái tên cho đông trùng hạ thảo", ông Giang cho hay.
TS Trần Lập Công, BSKC 2, Viện Y học cổ truyền Quân đội nhận định, để người tiêu dùng chấp nhận và tin dùng sản phẩm đông trùng hạ thảo, bản thân doanh nghiệp cũng phải đầu tư việc tự kiểm định chất lượng. Bản thân doanh nghiệp có chủ động đánh giá chất lượng sản phẩm của mình thì người tiêu dùng mới nhìn vào đó để tin và dùng sản phẩm này được. Do đó, tại Việt Nam, mặc dù việc các doanh nghiệp đăng ký sản xuất, kinh doanh các sản phẩm đông trùng hạ thảo là rất khó và chặt chẽ, đặc biệt là yêu cầu về kiểm nghiệm hàm lượng adenosin trong sản phẩm, nhưng vẫn còn một thị trường khá tự do về giá cả, về sản phẩm không bảo đảm chất lượng lưu hành, gây hoang mang cho người sử dụng.
Nguồn: Nhà báo Lam Ngọc