Sở GD-ĐT TP.HCM sẽ xử lý nghiêm các cơ sở giáo dục trên địa bàn chưa được cấp phép hoặc tổ chức hoạt động không đúng quy định. Tuyệt đối không được dạy thêm ở các cơ sở giữ trẻ ngoài giờ.

TP.HCM chính thức nghiêm cấm việc dạy thêm, học thêm đối với học sinh tiểu học. Mới đây, ông Lê Hồng Sơn Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM đã yêu cầu các phòng GD-ĐT đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra giám sát hoạt động các cơ sở giáo dục trên địa bàn, nhất là các trung tâm ngoại ngữ - tin học, cơ sở dịch vụ giữ trẻ ngoài giờ... Theo đó, chính thức cho ngưng hoạt động đối với các cơ sở hoạt động không phép, hoạt động sai quy định. Đặc biệt, tuyệt đối không được dạy thêm ở các cơ sở giữ trẻ ngoài giờ.

hình ảnhẢnh minh họa - Nguồn ảnh: giaoduc

Hiện tôi có con nhỏ học tiểu học. Sau buổi trưa tan học con được cô giáo chủ nhiệm đưa về nhà cô. Chính xác là cô mở một cơ sở bán trú tại nhà để nhận giữ học sinh vào buổi chiều nhằm đáp ứng nhu cầu của một số phụ huynh vì đi làm không thể rước con buổi trưa. Do vậy tôi có đôi chút thắc mắc về những quy định mới liên quan đến việc dạy thêm học thêm, đặc biệt là với học sinh tiểu học. 

Tính từ lúc các con tan học cho đến chiều lúc phụ huynh đón, bên cạnh việc ăn ngủ tại cơ sở bán trú, học sinh còn dư khá nhiều thời gian. Thời gian đó các con sẽ tranh thủ học và làm bài tập trên lớp dưới sự hướng dẫn của giáo viên. Sau đó, cô giáo có thể cho các con làm thêm bài tập để củng cố kiến thức. Như vậy, những hoạt động này có phải được gọi là dạy thêm hay không? 

Nếu đúng đó được xem là dạy thêm thì nếu dạy thêm bị cấm, thời gian rảnh các con sẽ làm gì? Mặt khác, chính phụ huynh khi gởi con tại các điểm bán trú cũng mong muốn con sẽ giải quyết tất cả bài tập trên lớp để đến tối về nhà không phải học nữa. Vì thật sự nhiều cha mẹ thiếu kiến thức, chuyên môn cũng như không có thời gian kèm cặp con nên mới nhờ đến cô giáo.

hình ảnhẢnh minh họa - Nguồn ảnh: laodongthudo

Tôi cũng hiểu việc cấm dạy thêm, học thêm là nhằm hạn chế nhiều tiêu cực xảy ra, đặc biệt là các tác động xấu đối với học sinh.

- Học sinh bị cha mẹ ép học thêm để đạt thành tích cao trong học tập. Cường độ học liên tục và áp lực thành tích khiến trẻ thường xuyên căng thẳng, mệt mỏi, gây mất cân bằng về sự phát triển thể chất và tinh thần. Bên cạnh việc không có thời gian để thư giãn, nghỉ ngơi, các con sẽ không có cơ hội để rèn luyện các kỹ năng sống cần thiết.

- Học thêm sẽ lấy mất đi ở trẻ cơ hội tự học vì phần lớn giáo viên đều giải bài hoặc gợi ý cho học sinh cách làm khiến trẻ không có thời gian tự tìm hiểu, mày mò, nghiên cứu. Tâm lý  ỷ lại vào thầy cô khiến học sinh mãi mãi chỉ là chú vẹt, không thể phát huy khả năng tư duy, sáng tạo.

- Ở một số trường hợp, học sinh bị giáo viên trên lớp bị làm khó vì không tham gia lớp học thêm của họ.

- Tồn tại tình trạng một số giáo viên vì tranh giành học sinh mà nói xấu đồng nghiệp, gây chia rẽ nội bộ…

- Không ít giáo viên dạy thêm quá nhiều nên không còn thời gian để nâng cao nghiệp vụ, cải thiện chất lượng dạy học trên lớp, thậm chí dạy cho có để thu hút học sinh học thêm.

- Do phụ huynh bỏ tiền” mua chữ” cho con nên đôi khi quan hệ giữa phụ huynh và giáo viên giảm đi sự tôn trọng cần phải có. 

Có lẽ trong thời gian qua đã xảy ra quá nhiều tiêu cực liên quan đến việc dạy thêm, học thêm nên đã có rất nhiều người tán thành quy định nghiêm cấm dạy thêm, học thêm. Tuy nhiên, tôi nghĩ dạy thêm ở một khía cạnh nào đó cũng hỗ trợ phụ huynh, giúp trẻ củng cố, nâng cao kiến thức trong trường hợp cha mẹ không có thời gian dạy con. Nên chăng vẫn cho dạy thêm nhưng kèm theo các chế tài xử phạt đối với các trường hợp vi phạm nghiêm trong đạo đức nghề giáo hoặc để xảy ra các tiêu cực trong việc dạy thêm, học thêm.