Một giáo viên chia sẻ câu chuyện khá hài hước về sợi dây thò ra từ cặp một em học sinh lớp 1. 

Các mẹ đoán xem sợi dây thò ra từ cặp một em học sinh lớp 1 sẽ kết nối với gì nào? 

Một cô giáo dạy tiểu học đã chia sẻ câu chuyện về học trò của mình như sau: “Sáng nay vào lớp, chưa kịp giảng bài thì mình thấy một sợi dây thò ra từ cặp một em học sinh nam khá nghịch ngợm ngồi bàn đầu. Trong bụng chợt nghĩ em này lại nghĩ ra trò phá phách nào nữa đây không biết. Thế là mình bước xuống bàn em, kéo từ từ sợi dây ra. Thật bất ngờ ở đầu dây còn lại là một cục gôm được gắn vào sợi chỉ qua một lỗ nhỏ. Hỏi ra mới biết đó là “tác phẩm” của mẹ em. Vì con hay làm mất đồ dùng học tập nên người mẹ đã nghĩ ra cách hết sức thông minh để giữ gìn đồ dùng cho con. Thiệt khâm phục sự sáng tạo của mẹ hết sức”.

hình ảnh

Cũng theo lời cô giáo, em học sinh này thường xuyên để thất lạc dụng cụ học tập. nhất là gôm. May là tập vở để lại lớp, ngày nào học môn gì thì lấy ra chứ nếu mang hết về nhà chắc cũng khó mà được bảo quản cẩn thận. Vì hầu như phải mua gôm cho con hàng tuần nên cực chẳng đã, người mẹ phải tìm cách giúp con bảo quản món đồ này.

hình ảnh

Người ta thường bảo đằng sau đứa trẻ hời hợt luôn có bóng dáng một bà mẹ tỉ mỉ, cẩn thận. Nguyên nhân là người mẹ càng chu đáo, thường làm thay trẻ mọi thứ sẽ làm trẻ trở nên lười biếng, cẩu thả và mất đi khả năng tự lập, tự chăm lo cho bản thân.

Những đứa trẻ thế này rất hay thấy trong trường. Chúng không biết cách bảo quản tập sách, dụng cụ học tập… Tập sách lúc nào cũng quăn góc, lem luốc. Đồ dùng học tập vứt lung tung hoặc bị đánh rơi, cuối ngày bao giờ cũng mất đi vài món.

Bà mẹ nào “sở hữu” đứa trẻ như thế thường rất đau đầu vì không chỉ tốn kém tiền mua đồ dùng học tập liên tục mà còn phải thường xuyên dọn dẹp bãi chiến trường chúng bày bừa trong nhà. Tuy nhiên, không phải người mẹ nào cũng tỏ ra khó chịu mà vẫn có những mẹ luôn bỏ qua tật xấu này ở con, sẵn sàng phục vụ con từ chuyện nhỏ đến chuyện lớn vì nghĩ con còn nhỏ, cứ kệ nó tự do phát triển.

Đây là suy nghĩ hoàn toàn sai lầm. Vì nếu trẻ không được uốn nắn từ nhỏ, khi thói quen trở thành tính cách thì rất khó sửa chữa. Mặt khác, những trẻ quen thói cẩu thả, bất cẩn thường không biết cách vạch ra mục tiêu, luôn sống theo kiểu nước tới đâu nhảy tới đó.

Vậy cha mẹ nên làm cách nào để rèn con vào nề nếp, sống cẩn thận, có khả năng tự chăm sóc bản thân? 

Trẻ phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình

Nếu trẻ quen thói bày bừa lung tung, mẹ hãy để con tự dọn dẹp hoặc tham gia cùng trẻ sắp xếp ngăn nắp các vật dụng những lần đầu để tập cho con quen với việc này.

Nếu trẻ thường xuyên làm mất dụng cụ học tập, mẹ không nên mua lại ngay mà để vào lớp con không có đồ dùng, con bị cô phạt. Chỉ sau khi nhận ra hậu quả, trẻ mới biết cách trân trọng thứ mình có.

Làm cha mẹ "lười biếng"

Làm cha mẹ “lười biếng” là điều vô cùng cần thiết. “Lười biếng” ở đây không được hiểu theo nghĩa đen mà nhằm nói đến việc cha mẹ hãy ngừng bảo bọc con; Hãy để con học cách tự làm những việc liên quan đến chúng, thay vì trông chờ vào sự giúp đỡ của cha mẹ.

Nhờ cha mẹ “lười biếng” mà trẻ mới có cơ hội tự lập, sống có trách nhiệm với bản thân và gia đình. 

Khi con hay làm mất đồ dùng học tập, việc mẹ buộc dây vào cục gôm như trên chỉ la cách đối phó tạm thời. Song song đó, mẹ nên tìm cách để thay đổi bản tính cẩu thả, hời hợt của con.