Mong muốn con có đôi chân thẳng đẹp, nhiều mẹ đã cố nắn chân trẻ sơ sinh ngay từ rất sớm. Tưởng đâu có tác dụng "thần diệu" nhưng hóa ra mẹ lại đang khiến khung xương của con bị dị dạng mà chẳng biết.


Theo kinh nghiệm dân gian, nếu chân con được nắn từ nhỏ, lớn lên bé sẽ có đôi chân thẳng thóm, đẹp đẽ, tránh dáng đi xấu và tật vòng kiềng. Tuy nhiên, đây chỉ là những gì được truyền miệng và thực tế chẳng ai có thể minh chứng đứa trẻ được nắn chân từ nhỏ sẽ có đôi chân thẳng dài như lời truyền tụng. Đứng ở góc nhìn chuyên môn, các chuyên gia cũng không khuyến khích việc làm này.


Nắn chân cho trẻ sơ sinh có thực sự cần thiết?


Nhận thấy con có những biểu hiện lạ như hai bên đầu gối không sát vào nhau, cẳng chân bị cong vào trong hoặc có hình cung như chân vòng kiếng, nhiều cha mẹ sốt ruột và tìm mọi cách để giúp con. Một trong những cách được cho là có hiệu quả nhất chính là nắn kéo chân con từ lúc xương còn non. Tuy nhiên, thực tế, chân trẻ sơ sinh bị cong là một hiện tượng tự nhiên do bé chịu ảnh hưởng từ tư thế nằm trong bụng mẹ. Nói cách khác là không hề có bé sơ sinh nào chân thẳng đều tăm tắp từ khi mới lọt lòng.


Theo bác sĩ Paisorn Suksanit, vị bác sĩ chuyên phẫu thuật chỉnh hình cho trẻ em tại bệnh viện Quốc tế Vejthani (Thái Lan), chân trẻ bị cong hoặc lệch trong 2 năm đầu tiên là hoàn toàn bình thường. Bác sĩ cũng cho biết thêm, khi em bé trong bụng mẹ, có thể do con cuộn tròn và làm căng gân làm cho cẳng chân cũng bị cong theo. Nguyên nhân khác nữa là do những cú đạp tác động đến các cơ bên trong của đầu gối. Tuy nhiên, đây không phải là dị tật và cơ thể trẻ nhỏ sẽ tự điều chỉnh cho đến khi bé bắt đầu đứng được, tức vào độ tuổi con biết đứng, đi thìcác cơ này cùng với xương sẽ được điều chỉnh. Hầu hết, tình trạng chân con bị cong đều trở lại bình thường khi trẻ được 2-3 tuổi.


Tuy nhiên, cũng không nên xem nhẹ độ lệch của chân hoặc những bất thường ở chân vì chúng có thể do những bất thường ở xương hoặc là một trong những dấu hiệu sớm của các hội chứng liên quan đến sụn, viêm xương khớp, bất thường của mông,... Cha mẹ có thể nhận thấy những bất thường từ tư thế đứng, dáng đi của trẻ. Nếu khi trẻ đến 3 tuổi, chân vẫn bị cong, đi bộ không bình thường thì đây có thể là dấu hiệu bất thường, cha mẹ nên đưa con đi khám để tìm ra nguyên nhân thực sự.


Cùng quan điểm, bác sĩ Nguyễn Thanh Phước, chuyên khoa nhi, phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế cho biết, chân trẻ dưới 6 tháng tuổi bị cong là hiện tượng cong cẳng chân sinh lý, nguyên nhân là do tư thế của con trong bụng mẹ. Chân của trẻ sẽ dần thẳng ra theo thời gian. Chính vì những niềm tin sai lầm của cha mẹ đã biến chân con từ cong sinh lý trở nên chân vòng kiềng, dáng đi xấu xí chỉ vì nắn kéo sai phương pháp.


Liên quan đến tác nhân khiến cho trẻ mắc tật cong chân, nhiều mẹ cũng thường thắc mắc “Mặc tã cho em bé cả ngày có phải khiến chân con bị vòng kiềng???" Lý giải cho quan niệm này, PGS.TS Rawee Srisuchit, Chuyên gia Nhi khoa, Dị ứng và Miễn dịch học cho biết, đây là một niềm tin sai lầm. Bởi vì chân con bị cong là hiện tượng tự nhiên và sẽ biến mất khi đứa trẻ lớn lên.


Như vậy, chân con có hiện tượng cong từ khi sinh ra là hiện tượng sinh lý bình thường và có thể tự hết khi đứa bé lớn. Việc nắn chân cho trẻ sơ sinh không được các chuyên gia khuyến khích. Còn chưa kể, với khung xương non nớt, chưa phát triển toàn thiện thì liệu rằng việc can thiệp có thực sự đảm bảo an toàn đối với bé?


Sai lầm nắn chân cho trẻ sơ sinh khiến khung xương của con bị dị dạng


Như chia sẻ trên của các chuyên gia, chân vòng kiềng là hiện tượng sinh lý tự nhiên và có thể hết khi trẻ lớn, chính sự can thiệp không đúng cách của cha mẹ mới chính là thủ phạm có thể khiến đôi chân con bị vòng kiềng, ảnh hưởng đến dáng đi.


Theo bác sĩ Phước, việc nắn chân cho trẻ bị vòng kiềng không đem lại hiệu quả giúp đôi chân con thẳng ra mà việc nắm bóp này cũng như một tác động xoa bóp chỉ giúp bé cảm thấy dễ chịu hơn.


Những bà mẹ vốn chưa có kinh nghiệm, nếu nắn sai cách, dùng quá lực có thể gây đau, tổn thương xương, khớp của trẻ. Nguy cơ bị viêm cơ, da bầm tím do nắn kéo chân trẻ sơ sinh không phải là chuyện hiếm. Thậm chí, trẻ có thể bị dị tật về sau nếu những hậu quả này không được khắc phục kịp thời.


Theo bác sĩ Trịnh Quang Dũng, Chuyên khoa 2, Trưởng khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Nhi Trung ương, việc nắn chân cho trẻ sơ sinh chỉ nên do kỹ thuật viên có trình độ chuyên môn làm. Mặc dù vậy, với cơ thể non nớt của trẻ, chúng ta không thể chắc chắc rằng con sẽ luôn được an toàn nếu nhờ vào sự hỗ trợ của các kỹ thuật viên. Những trường hợp đáng tiếc vẫn có thể xảy ra.


Tóm lại, việc nắn chân cho trẻ sơ sinh không được khuyến khích. Bên cạnh việc không đem lại hiệu quả, cách này còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tổn thương xương của trẻ sơ sinh. Vốn dĩ, chân con bị cong vòng kiềng vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Việc nhận biết nguyên nhân sẽ giúp cha mẹ khắc phục sớm để tránh tình trạng chân con bị vòng kiềng.


Những nguyên nhân chân trẻ sơ sinh bị vòng kiềng



- Thiếu hụt vitamin D


- Di truyền


- Chấn thương


- Thai nhi quá lớn, có ít không gian di chuyển trong tử cung


- Mẹ mang thai bị tiểu đường cũng làm tăng nguy cơ chân con bị vòng kiềng


- Tình trạng chân vòng kiềng cũng phổ biến ở trẻ em bị béo phì.