Việc sắp xếp không hợp lý thứ tự nguyện vọng có thể khiến các em không thể học được ngành mong muốn.

Cách đăng ký xét tuyển đại học sai lầm rất có thể khiến các em không đậu được vào ngành muốn học dù điểm “dư sức”, tiếc vô cùng.

Sắp xếp chưa hợp lý thứ tự nguyện vọng xét tuyển

Để tránh những đáng tiếc xảy ra vào phút chót, khiến các em học sinh không thể học được ngành học yêu thích, các chuyên gia tuyển sinh đã đưa ra những lưu ý về việc đăng ký xét tuyển đại học 2021. Những thông tin này em đọc được trên Tuổi Trẻ, thấy rất cần thiết nên chia sẻ với mọi người, các vị phụ huynh có thể xem qua để nắm rồi nhắc nhở lại con em mình.

hình ảnh

Ảnh: Internet

Một trong những sai lầm khiến các em không được xét tuyển trúng ngành học mình yêu thích đó là xếp thứ tự các nguyện vọng chưa đúng. Năm 2021 thí sinh vẫn được đăng ký nhiều nguyện vọng, nhưng chỉ trúng tuyển một ngành một trường duy nhất, thí sinh đã trúng tuyển sẽ không được xét tuyển nữa. Theo lời khuyên của các thầy cô tham gia tư vấn tuyển sinh thì cũng không nên đăng ký quá nhiều nguyện vọng.

Quan trọng nhất là các em phải nhớ sắp xếp thứ tự nguyện vọng ưu tiên ngành mình thích nhất, muốn học nhất lên trên, trường nào khó, ngành nào khó cũng nên cho lên trên. Lý do là vì ở những năm trước, do sợ không trúng tuyển đại học nên các em cho những môn điểm xét tuyển thấp, dễ trúng tuyển lên trên.

Phần mềm xét tuyển có thuật toán lọc ảo theo điểm, “lọt sàng xuống nia”, nếu đã trúng tuyển một nguyện vọng, đúng một ngành một trường thì sẽ không được xét tuyển các nguyện vọng sau nữa.

Việc xếp ngược nguyện vọng ngành dễ trúng tuyển lên trên khiến xảy ra trường hợp đáng tiếc đó là thí sinh đạt điểm cao vốn có thể vào ngành khác khó hơn nhưng vì nguyện vọng ngành khó đã bị xếp xuống dưới nên các em mất cơ hội.

Trường hợp điểm không cao lại xếp ngành muốn học xuống dưới thì càng khó có cơ hội trúng tuyển, dù điểm chuẩn có thể đủ, cũng do nguyên nhân lọc từ trên xuống. Đến lúc nhận kết quả rồi thì thật sự quá đáng tiếc.

hình ảnh

Ảnh: usth - netease

Cần nói thêm ở đây để phụ huynh và các em nắm rõ đó là chọn ngành khó đưa lên trên nhưng phải khó ở trong khả năng của các em, vì không phải em nào cũng đủ khả năng lọt vào trường đại học top trên. Chọn ở mức quá cao có thể khiến các em trắng tay, không trúng tuyển nổi, trong khi những ngành, trường có điểm chuẩn trong tầm sức của các em lại bị bỏ qua.

Sai thời gian quy định

Sai lầm thứ 2 dễ dẫn đến việc điểm cao nhưng không trúng tuyển đại học là do thí sinh không nắm được thời gian quy định, điều chỉnh nguyện vọng không kịp hoặc không xác nhận nhập học đúng thời hạn dẫn đến kết quả bị hủy.

Các trường đại học sẽ công bố điểm sàn nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển sau khi có điểm thi tốt nghiệp THPT. Nếu điểm thi thí sinh thấp hơn điểm sàn của ngành học thuộc trường đã chọn thì thí sinh sẽ được điều chỉnh trực tuyến 3 lần trong thời gian quy định, sẽ được thông báo sau.

Nếu đã trúng tuyển, thí sinh phải xác nhận nhập học và gửi giấy chứng nhận kết quả thi THPT bản chính đến trường đã trúng tuyển bằng 2 cách là nộp trực tiếp và chuyển phát nhanh nhưng phải đảm bảo đúng thời hạn quy định. Nếu để chậm trễ quá ngày, không xác nhận sẽ bị xem là từ chối nhập học, cơ hội đó được chuyển cho thí sinh khác. Một khi đã xác nhận nhập học sẽ không được xét tuyển tiếp nữa.

hình ảnh

Thí sinh điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển trực tuyến. Ảnh: yduochn

Đối với những ngành học và những trường đại học có yêu cầu nộp thêm các chứng chỉ ngoại ngữ như tiếng Anh, thí sinh phải lưu ý nộp đúng thời hạn, nếu không dù điểm cao vẫn không đủ điều kiện xét tuyển. Do đó, các em phải tìm hiểu thật kỹ những yêu cầu, điều kiện cần thiết của ngành học mình đăng ký để chuẩn bị đầy đủ giấy tờ, chứng từ cần thiết.

Các em đang bước vào giai đoạn nước rút, chỉ còn 3 tháng nữa sẽ thi THPT và sau đó là xét tuyển đại học, thực sự gặp áp lực rất lớn, không tránh khỏi thiếu sót, hoang mang khi đăng ký xét tuyển. Cha mẹ lúc này cần đồng hành cùng con, hỗ trợ con trong lúc điền phiếu nguyện vọng và nhớ nhắc con tránh những sai lầm có thể khiến con nuối tiếc.