Một năm học đầy biến động do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng cả thầy lẫn trò đã cùng nhau nắm tay vượt qua, tạo nên những điểm sáng trong giáo dục 2020.

Những điểm sáng trong giáo dục 2020 đã minh chứng một điều thử thách chính là điều quan trọng để làm nên kỳ tích. 

Hãy cùng nhìn lại những điều đáng nể của giáo dục Việt Nam 2020.

1. Năm học hoàn thành “nhiệm vụ kép”

Theo số liệu của UNESCO, hơn 1 tỷ học sinh toàn thế giới phải nghỉ học vì dịch bệnh và khoảng 10 triệu trẻ em có thể không bao giờ quay lại trường học. Người ta gọi đây là tình trạng giáo dục khẩn cấp toàn cầu và kêu gọi chính phủ các nước có hành động kịp thời để cùng hỗ trợ những trẻ em đang bị tụt lại phía sau.

hình ảnh

Tuy nhiên, một điều đáng mừng là ở Việt Nam, chúng ta đã làm được điều khiến cả thế giới ngưỡng mộ là hoàn thành “nhiệm vụ kép” bất chấp tình hình dịch bệnh thế giới đang diễn biến nghiêm trọng. Đó là vừa đảm bảo an toàn sức khỏe của học sinh, giáo viên; đồng thời vừa hoàn thành kế hoạch năm học bằng nhiều cách thức linh hoạt như: học trực tuyến xen kẽ trực tiếp, tinh giản chương trình học, điều chỉnh khung thời gian năm học, thực hiện hiệu quả công tác phòng chống dịch trong nhà trường.

Nhờ đó, chúng ta đã hoàn thành xuất sắc mục tiêu “tạm dừng đến trường, không ngừng việc học”.

2. Cô giáo Hà Ánh Phượng vinh dự lọt top “10 giáo viên toàn cầu”

Cô giáo Hà Ánh Phượng, giáo viên Tiếng Anh của Trường THPT Hương Cần, Thanh Sơn, Phú Thọ trở thành giáo viên Việt Nam đầu tiên lọt vào top 10 giáo viên toàn cầu do tổ chức Varkey Foundation bình chọn. Giải thưởng giáo viên toàn cầu  “Global Teacher Prize” được xem như giải Nobel danh giá của nền giáo dục thế giới. 

hình ảnh

Phần lớn học sinh của cô là người dân tộc thiểu số nhưng cô đã ứng dụng công nghệ thông tin và mạng Internet, đưa học sinh của mình tham gia vào các lớp học xuyên biên giới và từng bước chứng minh rằng “giáo dục là không giới hạn”.

Đồng thời, cô còn dành thời gian dạy học miễn phí cho trẻ em tại khu ổ chuột của Ấn Độ, trẻ em ở Nam Phi hay tại các lớp học trực tuyến ở California, Mỹ.

3. Ngô Minh Hiếu - cậu bé 10 năm cõng bạn đến trường

Ngô Minh Hiếu (cựu học sinh lớp 12, Trường THPT Triệu Sơn 5, huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa) đã được trao giải thưởng “Thanh niên sống đẹp” năm 2020 vì nghĩa cử cao đẹp 10 năm bền bỉ cõng bạn đến trường. 

Nguyễn Tất Minh bị khuyết tật đôi chân từ nhỏ và suốt 10 năm qua, Minh đến trường trên đôi chân của người bạn thân là Ngô Minh Hiếu. Tình bạn của hai em đẹp như một câu chuyện cổ tích giữa đời thực.

hình ảnh

Tại kỳ thi THPT 2020 vừa qua, Ngô Minh Hiếu có tổ hợp xét tuyển khối B đạt 28,15 điểm trúng tuyển vào Đại học Y Dược Thái Bình; còn Nguyễn Tất Minh có tổ hợp điểm xét tuyển khối A đạt 28,10 điểm, trúng tuyển vào ĐH Bách khoa Hà Nội.

Hiếu chia sẻ, việc làm của mình đơn giản xuất phát từ tình cảm với bạn chứ không nghĩ sẽ được tuyên dương.

4. Cơ sở giáo dục đại học thăng hạng trên các bảng xếp hạng thế giới

Lần đầu tiên, Việt Nam có 4 cơ sở giáo dục lọt vào top 1.000 trường ĐH hàng đầu thế giới, theo xếp hạng 2021 Best Global Universities Rankings của tạp chí US News & World Report (Mỹ). Đó là các trường: ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP.HCM, ĐH Bách khoa Hà Nội. 

ĐH Quốc gia trong năm 2020 cũng vào tốp 101-150 trường đại học trẻ tuổi (thành lập dưới 50 năm) có chất lượng giáo dục hàng đầu thế giới, theo xếp hạng của Tổ chức QS.

Ngoài ra, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội và Trường ĐH Tôn Đức Thắng vinh dự nằm trong top 301-400 những đại học có ảnh hưởng nhất đến sự phát triển bền vững về kinh tế - xã hội trên phạm vi toàn cầu - THE Impact Rankings, năm 2020.

Đặc biệt, nhiều ngành, lĩnh vực đào tạo của Việt Nam được đứng trong top 500 thế giới. Số lượng báo cáo khoa học của Việt Nam công bố trên các ấn phẩm quốc tế có uy tín lên tới 12.475 bài, đứng thứ 49 thế giới. 

5. Giáo dục tiểu học đứng đầu Đông Nam Á

Tham gia vào chương trình Đánh giá kết quả học tập của học sinh tiểu học các nước Đông Nam Á (SEA PLM) năm 2019, gồm: Việt Nam, Lào, Campuchia, Malaysia, Myanmar, Philippin, học sinh tiểu học Việt Nam đứng đầu ở cả 3 năng lực được khảo sát là: Đọc hiểu, Viết, Toán học.

hình ảnhTrưởng Chương trình Giáo dục của Unicef tại Việt Nam cho biết: “Nhìn chung chất lượng giáo dục Tiểu học của Việt Nam trong những năm qua đã có nhiều tiến bộ, không chỉ trong khu vực mà cả trên quốc tế”.