Nghiên cứu của Đại học Harvard (Mỹ) có thể gây bất ngờ cho nhiều bậc cha mẹ vì sự thành công của đứa trẻ trong tương lai lại bắt nguồn từ những điều hết sức đơn giản.

Sự thành công của đứa trẻ trong tương lai đến từ nguyên nhân không thể ngờ. Khi khảo sát 268 sinh viên tốt nghiệp ĐH Harvard, các nhà khoa học phát hiện một điều hết sức thú vị: Họ đều có chung một đặc điểm thời thơ ấu là thường xuyên làm việc nhà.

Đây là một phát hiện rất ý nghĩa đối với nhiều phụ huynh - nhất là những người không muốn cho con cái đụng tay vào bất cứ việc gì. Họ nghĩ rằng thương con nghĩa là không bắt con làm việc nhà để con có thời gian chuyên tâm học hành và thư giãn.

Nhưng theo chuyên gia, những người thành công luôn mang trong mình tinh thần làm việc nhiệt tình, không ngại gian khó. Với họ, khó khăn chỉ là thử thách nhất thời. Họ luôn tìm ra những giải pháp để giải quyết vấn đề một cách hiệu quả nhất. Cách thức mà họ đối mặt với công việc không phải sinh ra đã có. Thực chất, nó được hình thành từ thói quen làm việc nhà từ nhỏ. 

hình ảnh


Ảnh minh họa: Nguồn ảnh: sohu

Thói quen phụ giúp cha mẹ làm việc nhà giúp trẻ hình thành lối sống có trách nhiệm, biết quan tâm đến người xung quanh. Những công việc như quét dọn nhà cửa, rửa chén, lau nhà… từ thói quen sẽ chuyển hóa thành thái độ sống cũng như năng lực cá nhân. Những công việc tưởng chừng đơn giản nhưng giúp trẻ hình thành kỹ năng sắp xếp, quản lý, óc quan sát, sự cẩn thận, tỉ mỉ… Đây là những phẩm chất cần thiết để kiến tạo nên một nhà quản lý, một nhân viên ưu tú.

hình ảnhẢnh minh họa: Nguồn ảnh: kknews

Còn nhớ câu chuyện của bạn H.H.V. - một “hot facebooker”. Bạn kể về cách giáo dục trẻ em ở một gia đình bạn lưu trú trong thời gian tu nghiệp ở nước ngoài. Đứa trẻ chỉ mới 10 tuổi nhưng đã được dạy cách quán xuyến việc nhà. Đó cũng chính là môn học Home Maintenance - trường bắt buộc phải học từ lớp mẫu giáo. Mỗi ngày cha mẹ đều cùng con thực hành môn học này. 

Mùa đông thì dọn tuyết, mùa hè thì trồng cây cắt cỏ. Cậu bé phải tập làm tất cả mọi việc. Tối trước khi ngủ cậu phải kiểm tra tổng thể nhà cửa một vòng, sáng dậy, sau khi vệ sinh cá nhân là phải đi tắt đèn sân, bật đèn nhà, cho chó mèo ăn, tưới cây, dọn dẹp phân chó phân mèo, để đồ ăn cho chim, đẩy xe rác ra ngoài nếu ngày đó công nhân vệ sinh đi lấy rác. Cuối tuần, cậu bé phải phụ bố làm vườn, trồng hoa, tắm chó mèo. Bên cạnh đó, cậu còn học được cách chia sẻ với người khó khăn hơn mình bằng cách cùng bạn bè pha nước chanh đứng bán ở góc đường gây quỹ từ thiện. 

Chứng kiến cách giáo dục trẻ ở một xã hội văn minh, tài khoản H.H.V. rút ra một triết lý tuy đơn giản nhưng vô cùng sâu sắc: “Hoá ra, cái để một người có thể làm lãnh đạo, làm quản lý, làm chủ… không phải là kiến thức mình học ở trường, mà là cái tích lũy mỗi ngày ở nhà”. 

Theo đó, bạn này cho rằng không phải cứ học ĐH Kinh tế, ĐH quản trị kinh doanh, đi du học là trở thành ông chủ. Vì “một người nếu cái giường ngủ cũng bẩn, cái phòng trọ cũng bẩn, cái bếp cũng để bẩn, cái tủ lạnh cũng để đồ lộn xộn, cái thùng rác đầy ụ và bốc mùi...thì dù chữ nghĩa bằng cấp thế nào đi nữa, cũng không thể trở thành lãnh đạo hay quản lý được”. 

hình ảnh

Kết luận của bạn này hoàn toàn tương đồng với nghiên cứu nói trên của ĐH Harvard, tức cái tích lũy mỗi ngày ở nhà” sẽ quyết định thành công của trẻ trong tương lai.

Vì vậy sẽ thật sai lầm nếu trong gia đình, trẻ rất thích làm việc nhà, rất muốn phụ giúp cha mẹ nhưng lại bị từ chối. Phụ huynh xin đừng nhân danh tình yêu con cái mà tước mất đi của con cơ hội được làm một thành viên có trách nhiệm trong gia đình. Vì nhiều lần bị từ chối trẻ sẽ chuyển dần sang thái độ thờ ơ, dửng dưng trước mọi vấn đề xảy ra trong gia đình. Theo đó, khi trưởng thành, trẻ khó thích nghi với lối sống tập thể, thiếu nhiệt huyết với công việc và dễ trở thành một người sống thiếu trách nhiệm với người thân cũng như cộng đồng.