6 tháng tuổi là thời điểm lý tưởng để mẹ có thể cho trẻ bắt đầu ăn dặm. Tuy nhiên không ít mẹ cho bé ăn dặm sớm hơn vì nhiều lý do khác nhau.



Do sinh mổ và cơ địa ít sữa, sợ bé còi cọc, không tăng cân, nên chị H. (Hoàng Mai – Hà Nội) đã cho con ăn dặm khi bé chưa đầy 4 tháng tuổi.



Sau vài tuần tập ăn, bé nhà chị H. tỏ ra rất thích thú, tuy nhiên cũng bắt đầu thời điểm này, bé không chịu ăn thêm sữa công thức như mọi khi, bú mẹ cũng ít đi, đồng thời tình trạng rối loạn tiêu hóa cũng thường xuyên xảy ra hơn.



Thực tế là từ tháng thứ 4, đã có rất nhiều bà mẹ nôn nóng muốn cho con ăn sớm với mong muốn bé lớn nhanh hơn, nhất là đối với những mẹ ít sữa. Tuy nhiên, việc làm này có rất nhiều tác hại đến trẻ.



webtretho



Nhiều mẹ nôn nóng muốn cho con ăn sớm, điều này sẽ không tốt cho bé . Ảnh Internet



Vậy những tác hại của việc cho trẻ ăn dặm quá sớm là gì?



Cho bé ăn dặm quá sớm, dù bằng bột ăn dặm mua sẵn hoặc do mẹ tự chế biến, thì cũng có thể khiến bé gặp phải một số vấn đề sau đây:



1. Dễ gây rối loạn tiêu hóa. Ở giai đoạn sơ sinh, hệ tiêu hóa của bé chưa phát triển hoàn thiện, chưa có đủ men tiêu hóa và dịch tiêu hóa còn ít để hỗ trợ nghiền nát thức ăn thô. Vì vậy nếu cho bé ăn dặm sớm dễ gây nên tình trạng rối loạn tiêu hóa cho bé như táo bón hoặc tiêu chảy, dẫn đến suy dinh dưỡng.



2. Dễ chán sữa mẹ. Được ăn dặm sớm làm bé no bụng, giảm cảm giác thèm bú, dẫn tới tình trạng bú kém đi hoặc không có nhu cầu bú sữa mẹ. Điều này đồng nghĩa với việc sữa mẹ cũng sẽ giảm tiết và dần mất đi.



3. Tăng nguy cơ nhiễm bệnh. Việc bú sữa mẹ ít có thể khiến bé bị thiếu các yếu tố miễn dịch tự nhiên có trong sữa mẹ, cũng như nguồn dinh dưỡng dồi dào, từ đó dễ bị vi khuẩn tấn công gây bệnh tật do sức đề kháng kém.



Hơn nữa, nếu bú ít và ăn bột nhiều dễ gây hiện tượng bụ bẫm, nhưng thực ra bé lại suy dinh dưỡng, còi xương do thiếu chất.



4. Dễ bị tổn thương dạ dày. Do hệ tiêu hóa của bé còn kém, nếu phải dung nạp lượng thức ăn thô hoặc chưa được xay nhuyễn thì dễ gây cọ xát niêm mạc dạ dày. Điều này khiến bé dễ có nguy cơ mắc những bệnh dạ dày về sau này.



5. Nguy cơ béo phì. Thông thường khi bé chuyển sang thức ăn dạng thô, các mẹ sẽ có xu hướng bồi bổ cho bé, khiến nguồn năng lượng bé nạp vào cơ thể tăng dần lên, thậm chí là dư thừa. Trong khi trẻ ở giai đoạn này thường hoạt động ít. Vì vậy nguy cơ béo phì là rất cao.



6. Tổn thương thận. Cũng do hệ tiêu hóa của trẻ chưa được hoàn thiện để có thể tiêu hóa được thức ăn. Điều này khiến thận của bé phải làm việc quá sức nếu như bé ăn những thực phẩm giàu đạm và chất béo. Những chất này lắng lại thận và gây bệnh cho trẻ.



Mẹ cần chú ý dấu hiệu bé sẵn sàng ăn dặm như sau



Mẹ được khuyên nên cho bé ăn dặm khi đủ 6 tháng tuổi, và đây là những dấu hiệu bé sẵn sàng ăn dặm nhé!



Bé đã có thể ngồi vững;


Bé muốn đưa mọi thứ vào miệng để nếm thử;


Bé có thái độ hợp tác khi được bón thức ăn;


Ban ngày, bé không thể chơi ngoan;


Ban đêm bé ngủ không yên giấc hoặc thức dậy sớm;


Bé rất hứng khởi khi thấy người khác ăn, và dường như muốn đưa tay với lấy thức ăn đó.


Số bữa ăn trong ngày và số lượng thức ăn khi bé ăn dặm



6-8 tháng: Bú mẹ là chính, tập cho trẻ ăn từ bột loãng trong vòng vài ngày lúc đầu 2-3 thìa nhỏ/lần x 2 lần/ngày, sau đó tăng dần lên 2 bữa bột mỗi ngày và nấu đặc dần, số lượng trong mỗi bữa khoảng 2/3 bát con 250ml.


9-11 tháng: Vẫn bú mẹ là chính + 3- 4 bữa bột đặc mỗi ngày + quả nghiền, số lượng mỗi bữa khoảng 3/4 bát con 250ml.


Điều quan trọng là bát bột của trẻ cần có đủ 4 nhóm thức ăn: ngoài gạo ra còn có trứng hoặc thịt hoặc cá hoặc tôm hoặc cua, rau và nhất là dầu hoặc mỡ.


Từ tháng thứ 7, nên cho trẻ ăn thêm các loại quả chín như: chuối, hồng, đu đủ, cam, chanh, bưởi, xoài để cung cấp vitamin và chất khoáng.


Tóm lại khi cho bé ăn dặm cần đảm bảo nguyên tắc số lượng thức ăn và bữa ăn tăng dần theo tuổi, đảm bảo thức ăn hợp khẩu vị cho trẻ. Thức ăn cần chế biến từ lỏng đến đặc và đảm bảo đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng: đạm, đường, dầu/ mỡ, vitamin và khoáng chất. Và nên nhớ giai đoạn này bé vẫn cần bú mẹ là chính.



Để cung cấp đủ năng lượng cho trẻ, bên cạnh bữa ăn chính, cần cho trẻ ăn thêm bữa phụ. Dù vậy, không nên nhầm lẫn giữa bữa ăn phụ với các đồ ăn vặt cho trẻ. Bữa ăn phụ tốt cần đảm bảo cung cấp năng lượng và chất dinh dưỡng như: sữa chua, các sản phẩm của sữa, bánh mỳ, bánh qui, mật ong, trái cây, bánh đậu xanh, khoai tây nấu chín...