Mẹ bầu nhận diện cơn gò sinh lý và cơn gò chuyển dạ để đón con yêu đúng lúc
Trong giai đoạn mang thai thì tử cung sẽ hầu như không có hiện tượng co bóp, tuy nhiên thai phụ thi thoảng sẽ cảm thấy có cơn gò cứng nhưng không gây đau, hiện tượng này thưa thớt và qua đi rất nhanh nên nhiều thai phụ không chú ý. Đây được gọi là cơn co tử cung sinh lý trong thai kỳ.
Mẹ bầu cần phân biệt cơn co sinh lý và cơn co bất thường. Ảnh minh họa
Cơn co tử cung sinh lý xảy ra khi nào?
Bình thường những cơn co tử cung sinh lý sẽ ít khi xuất hiện khi mang thai, nhưng ở một số chị em có thể bắt gặp hiện tượng này khi mệt mỏi, stress, đi du lịch hoặc đơn giản thay đổi tư thế.
Khi mọi thứ trở lại bình thường, thì cơn co bóp cũng sẽ giảm dần.
Các cơn co tử cung sinh lý trong suốt thai kỳ
Khoảng 3 – 4 tháng đầu:
- Ở 3 tháng đầu của thai kỳ, thai phụ có thể gặp những cơn co gây đau rất nhẹ vùng bụng dưới do rối loạn cơ năng, chức năng sinh lý tại chỗ do tình trạng mang thai gây ra.
- Cụ thể, đó có thể là sự xung huyết ở vùng bụng dưới, các mô giữ nước, tử cung lớn dần và chèn ép các cơ quan lân cận gây rối loạn về bài tiết, tiêu hóa… và dẫn đến những cơn co gây đau nhẹ bụng dưới.
- Tuy nhiên, cơn đau ấy thường không làm thai phụ quá khó chịu và chỉ là hiện tượng sinh lý, không nguy hiểm.
- Nhưng thai phụ cũng không nên chủ quan mà cần đi khám định kỳ theo hẹn của bác sĩ chuyên khoa. Nếu hiện tượng đau này kèm theo những hình ảnh như bong túi thai, bong mang nuôi trên siêu âm thì lại là hiện tượng cần phải điều trị và hạn chế vận động cho đến khi thai nhi ổn định trở lại.
Từ tháng thứ 5 đến lúc sinh:
- Khoảng tháng thứ 5 trở đi cơn cơn co tử cung biểu hiện rõ rệt vì thể tích tử cung tăng lên. Thời gian của cơn co tử cung chỉ thoáng qua từ 10 đến 15 giây mà thôi.
- Dù kéo dài hay ngắn đều không gây đau đớn nhưng đôi khi cũng có sức nặng, sức căng nhất thời. Tử cung như cuộn tròn và thấy da cơ bụng co lại trong vòng ít giây rồi trở lại bình thường.
- Ngoài ra, những cử động của em bé khi thai đã lớn thì thai phụ cũng có thể cảm nhận được. Ví dụ như cơn gò sinh lý ở 3 tháng cuối, lúc này có thai phụ cảm thấy đau nhẹ, có người lại không. Một số thai phụ cũng có thể cảm thấy hơi đau khi thai máy mạnh… Đây cũng là những hiện tượng bình thường.
- Những cơn co sinh lý trong 3 tháng cuối giúp thai phụ dần làm quen chuẩn bị cho cuộc chuyển dạ khi đến ngày sinh.
Cơn co sinh lý trong 3 tháng cuối giúp thai phụ dần làm quen chuẩn bị cho cuộc chuyển dạ khi đến ngày sinh. Ảnh minh họa
Cơn đau co tử cung khi chuyển dạ:
- Khi tới ngày sinh, mỗi thai phụ sẽ có dấu hiệu chuyển dạ không giống nhau. Nhưng đa số sẽ cảm thấy bụng có những cơn co gây đau, kèm theo những biểu hiện khác như: Ra máu, ra dịch hồng âm đạo, hoặc có những người thấy ra nước ối .....
- Các cơn co chuyển dạ từ nhẹ đến mạnh, từ thưa đến dày và đặc biệt cơn co tử cung khi chuyển dạ thường gây đau đớn cho sản phụ, khiến sản phụ không thể đi lại hay nói chuyện khi đó. Các cơn co chuyển dạ lúc chuẩn bị sinh chỉ cách nhau từ 5 – 7 phút.
- Khi các cơn co thắt xuất hiện, bụng thường sẽ cứng lên và dễ dàng nhận ra nếu đặt nhẹ bàn tay lên bụng. Các cơn co thắt này sẽ đẩy em bé xuống gần hơn với cổ tử cung để sẵn sàng chào đời.
Trong suốt quá trình mang thai thì thai phụ cần phải theo dõi và phân biệt những cơn co sinh lý và cơn co bất thường khi thai chưa đến ngày sinh để phát hiện sớm dấu hiệu chuyển dạ sinh non. Đặc biệt trong suốt quá trình mang thai thì các mẹ bầu cần tránh kích thích gây co bóp tử cung như: Xoa bụng, vê đầu vú, đấm lưng. Vì đây là kích thích có thể khiến tử cung co bóp mạnh và có thể dấn đến tình trạng dọa sảy hoặc dọa sinh non.
Ths. BS Hồng Liên – Phòng khám sản phụ khoa Thịnh An