Theo Tổ chức Y tế thế giới động kinh là một bệnh mạn tính có nhiều nguyên nhân khác nhau, đặc trưng là sự lặp đi lặp lại các cơn co giật do sự phóng điện quá mức của tế bào thần kinh não bộ, dù cho các triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng kết hợp có thể khác nhau.


Như vậy động kinh vẫn được biết là một căn bệnh của thần kinh trung ương có thể gặp với mọi lứa tuổi. Điều đó có nghĩa là bà mẹ mang thai cũng không ngoại lệ. Đặc biệt là bà mẹ mang thai đã từng có tiền sử co giật hay có di truyền về động kinh thì tỷ lệ động kinh ở những bà mẹ này cao hơn ở phụ nữ khác.



webtretho


Mẹ bầu dùng thuốc chống động kinh thế nào để không hại đến thai nhi? Ảnh minh họa


Ảnh hưởng của bệnh động kinh đến thai phụ và thai nhi


Thai phụ bị động kinh trong suốt thai kỳ có thể gặp nguy hiểm khi cơn động kinh có thể xảy ra bất cứ thời điểm nào, đặc biệt là những thai phụ bị động kinh nhưng lo lắng cho con bị ảnh hưởng mà bỏ điều trị.


Những thai phụ này có thể sẽ phải đối mặt với các yếu tố xấu sau đây: bệnh động kinh không hề thuyên giảm, thậm chí là nặng hơn; bệnh động kinh có thể khó điều trị hơn, đáp ứng kém với thuốc do hiện tượng gián đoạn điều trị gây ra.


Thai kỳ không an toàn để lại dư chấn động kinh ở những em bé sau sinh và thậm chí ở những thế hệ con cháu của chúng. Nguy cơ một bà mẹ bị động kinh có con cũng mắc động kinh là 1/40.


Những bà mẹ bị động kinh có nguy cơ bị sảy thai, đẻ non cao hơn do những chấn thương vùng bụng trong cơn động kinh và gia tăng tỷ lệ thai chết lưu. Trẻ sinh ra từ bà mẹ động kinh có nguy cơ bị chậm phát triển trí tuệ và các cơn co giật giống động kinh ở thế hệ con cháu tăng lên gấp đôi. Điều này thực sự là biến cố vô cùng đáng ngại với bà mẹ mang thai.


Những điều cần biết về thuốc chống động kinh với phụ nữ mang thai


Các thuốc chống co giật trong điều trị động kinh hiện hành đều có khả năng gây dị dạng cho thai nhi. Nếu người phụ nữ không có cơn động kinh 2 – 3 năm, thì có thể giảm liều lượng các thuốc một cách từ từ theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa trước khi thụ thai.


Toàn bộ tỷ lệ dị dạng thai nhi có mẹ sử dụng thuốc chữa động kinh là khoảng 6%. Nếu tình trạng của thai phụ không thể dừng thuốc trong thời gian mang thai thì bác sĩ sẽ dựa vào những yếu tố liên quan như khả năng hấp thụ, phân phối và khả năng gắn Protein cùng với hiện tượng thanh thải thuốc trong khi mang thai để giảm liều cho phù hợp.


Trong các thuốc điều trị động kinh thì có những loại thuốc gây ra dị tật hở hàm ếch ở thai nhi, hoặc có những loại thuốc đưa đến khả năng dị tật của ống thần kinh, hộp sọ nhỏ, hoặc thai nhi chậm phát triển trong tử cung.


Các thuốc chống động kinh cung làm cho nồng độ Acidfolic trong huyết thanh người mẹ hạ thấp, và biến đồi về chuyển hóa Vitamin K khiến cho nguy cơ chảy máu sơ sinh tăng lên. Vì vậy, các thuốc bổ sung Acid Folic và vitamin K sẽ được bác sĩ kê cho thai phụ, và tất cả các trẻ sơ sinh mà mẹ sử dụng thuốc chống động kinh đều được tiêm vitamin K sau sinh.


BS Vũ Thị Hằng – PK sản phụ khoa Thịnh An