Có kẻ ác mồm: “Nghèo mà thích trèo cao, cứ múa thế này mơ có ngày thành phượng hoàng bay lên chắc”.

“Con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa thì quét lá đa”, cũng vì số đông người nghĩ như vậy nên khi nhìn thấy cảnh mẹ bán thịt lợn nuôi con gái học ba lê đã không ngừng xì xào, chọc ngoáy. Nhưng cuối cùng người mẹ đã chứng minh được, con gái có mẹ bán thịt lợn và bố chạy xe tải cũng có thể theo đuổi ước mơ.

Con gái múa ba lê bên quầy thịt lợn của mẹ

Nói thật, cha mẹ làm nghề nào chẳng được, miễn là làm ăn chân chính, chắt chiu nuôi con thì nghề nào cũng đáng quý cả. Nhưng có những người mắt dính cái gai, cứ thích chụp mũ lên cuộc đời người khác.

Thấy mẹ bán thịt lợn mà con gái biết múa ba lê, người ta không tin nổi, còn cho là cái nhà này làm màu, chứ mẹ thô kệch thế kia làm gì nuôi được con công, con phượng, con ra đời không bán thịt như mẹ là tốt rồi.

Thì đúng là nhìn vô cảnh nhà này có hơi sai sai, bố mẹ đều mang nét quê quê, thô sơ của người dân lao động, còn con gái lại như chú chim công nhỏ, sương mai, trong sáng trong những động tác múa uyển chuyển. Nhưng đâu ai quy định con gái của họ không có năng khiếu múa ba lê?

Trong tiếng chặt thịt bụp bụp của mẹ, giữa những tảng thịt ngổn ngang, không gian chật hẹp, con gái nhỏ vẫn thanh thoát không vướng bụi trần, duyên dáng với những động tác ba lê dẻo dai.

hình ảnh

Ảnh: qq

Nhiều người nhìn thấy, vừa trầm trồ với tài năng đứa bé lại vừa ganh tị nói lời mỉa mai: “Người nghèo bày đặt cho con học ba lê, chắc đang mơ con một ngày hóa thành chim công chim phượng chắc?”.

Ừ thì đúng rồi, con bé đã thực sự nổi tiếng rồi đó, đã thành chú chim công nhỏ xinh đẹp, duyên dáng múa trên truyền hình rồi. Một ngày không xa, con bé sẽ thành phượng hoàng cho xem.

Câu chuyện của em bé này đã khiến người ta cảm động, vừa hâm mộ sự bền bỉ theo đuổi niềm đam mê, vừa xúc động khi biết dù xuất thân dân lao động, bố lái xe tải, mẹ bán thịt lợn nhưng họ đã cố gắng bảo vệ ước mơ của con thế nào.

Với họ múa ba lê có thể hơi quý phái, hơi xa vời với những gì họ tiếp xúc hàng ngày, nhưng không sao, chủ cần con thích, con muốn, bố mẹ sẽ làm tất cả để giúp con, mặc kệ bao nhiêu con người ngoài kia không tin con sẽ làm được.

3 điều đáng ngưỡng mộ ở gia đình mẹ bán thịt lợn con múa ba lê

1. Cha mẹ bảo vệ ước mơ của con

Mỗi đứa trẻ đều có những tài năng riêng biệt, trở nên nổi trội hay tầm thường, tài năng lu mờ hay không còn do cách cha mẹ nuôi dạy. Nói đúng hơn đó là có những đứa trẻ may mắn được cha mẹ bảo vệ ước mơ, giúp con thực hiện đam mê.

hình ảnh

Ảnh: sina

Người mẹ của cô bé trên đã biết cách bảo vệ đam mê trong lòng con. Lúc đầu, con gái chỉ vô tình nhìn thấy một đoạn video ba lê trên điện thoại, con bắt chước một cách vô thức và rất thích, thậm chí bé gái còn có thể tự biên đạo và đặt tên cho động tác riêng mình.

Người mẹ nhanh chóng nhận ra tài năng của con, để con thoải mái nhảy múa bất kỳ khi nào con muốn, ngay cả trong hàng thịt chật chội của mẹ. Nhà nghèo, mẹ cho con xem clip múa ba lê qua điện thoại rồi tập theo.

Có lúc mẹ vừa thái thịt vừa đếm nhịp cho con tập. Bố cũng ủng hộ con hết mình, không có chỗ tập, không có tiền thuê thợ, bố liền chuyển từng khúc gỗ một, một tay bố xây cho con phòng tập nhỏ.

2. Nuôi con dũng cảm theo đuổi ước mơ

Mẹ của bé gái không chỉ bảo vệ ước mơ của con mà còn giúp con có đủ dũng khí theo đuổi ước mơ. Biết rằng không thể bắt con xem clip rồi tự tập mãi, mẹ đã dành thời gian đưa con ra thị trấn, đi tìm hết chỗ này đến chỗ khác để có lớp dạy cho con.

Tất cả giáo viên sau khi xem con múa đều bảo con có tài năng thiên phú, nên đưa con đến Bắc Kinh để tìm giáo viên giỏi dạy con. Đây thật sự là điều khó khăn, mẹ mỗi ngày đều phải dậy rất sớm mổ lợn, bán thịt, bố là tài xế quanh năm rong ruổi ngoài đường.

Nhưng họ không bỏ cuộc, đi hỏi hết mọi người trong làng trong trấn, cuối cùng, một hiệu trưởng đã giới thiệu cho 2 mẹ con giáo viên ba lê ở Bắc Kinh. Mẹ bỏ lại công việc, tức tốc đưa con đến gặp cô giáo, ngay lần đầu, cô giáo có hàng chục năm kinh nghiệm đã rất sốc trước tài năng của con.

hình ảnh

Ảnh: QQ

Cô giáo quyết định về Vân Nam để dạy cho bé gái. Lần đầu được tập luyện bài bản, con phải chịu ép chân, bẻ gập người, đau đến phát khóc, mẹ chỉ biết ngồi ở bên xem, xót xa nhưng vẫn động viên con cố gắng đừng bỏ cuộc.

Đôi lúc quá mệt mỏi, con gái muốn lười biếng nhưng thay vì mềm lòng, mẹ chọn cách nói với con: “Đây là cơ hội duy nhất để con ra khỏi núi, không muốn bán thịt lợn vất vả như mẹ thì phải chấp nhận nỗi đau này”.

3. Đưa con đi xa hơn

Mẹ có thể chỉ là người bán thịt lợn, không học rộng hiểu nhiều như người ta, nhưng mẹ có tầm nhìn rộng, mẹ muốn con lớn lên có một tương lai tốt hơn, ít nhất không bán thịt vất vả như mẹ. Không phụ sự kỳ vọng của mẹ, con cuối cùng đã bước ra khỏi ngôi làng nhỏ ở Vân Nam, đến thành phố lớn ở Bắc Kinh và trình diễn trên sân khấu, lên truyền hình.

Cả làng ai cũng tấm tắc khen: “Họ Ngô chúng ta hơn 10 đời chưa từng có nhân tài như vậy”. Con sinh ra đã có tài năng, nhưng được tỏa sáng lại là nhờ cha mẹ. Sinh ra là con của người bán thịt nhưng con hoàn toàn có cơ hội trở thành diễn viên múa mà con ước mơ. Sân khấu nhỏ chỉ là điểm khởi đầu, còn sân khấu lớn hơn đang chờ đợi con, ai nói mẹ bán thịt không thể nuôi ra con giống công giống phượng thì đã quá sai lầm.