Dạy con phạm lỗi phải biết xin lỗi, không được thoái thác trách nhiệm là một việc không hề dễ dàng. Câu chuyện về ly sữa đậu nành sẽ là một gợi ý cho mẹ trên hành trình rèn luyện nhân cách cho con.

Khi trẻ phạm lỗi, nếu cha mẹ vì lịch sự mà nhận lỗi và khắc phục hậu quả thay con thì trẻ sẽ khó nhận ra lỗi lầm của mình. Nhiều lần như vậy, con sẽ trở thành người vô trách nhiệm. 

Trong khi đó, tinh thần trách nhiệm là phẩm chất vô cùng quan trọng quyết định thành công của trẻ trong tương lai. Một người có tinh thần trách nhiệm sẽ luôn chủ động, nhiệt huyết với công việc. Họ sẵn sàng đứng ra chịu trách nhiệm về những việc mình làm, không bao giờ đổ lỗi hay đùn đẩy trách nhiệm cho bất kỳ ai. Chính vì thế mà những người này luôn làm chủ cuộc đời mình, được cấp trên đánh giá cao, dễ dàng thăng tiến trong công việc.

hình ảnh


Ảnh minh họa - Nguồn ảnh: patilanci

Mẹ lưu ý quá trình dạy trẻ về trách nhiệm nên bắt đầu từ thời kỳ sơ sinh nhưng chủ yếu khi trẻ bắt đầu bậc học tiểu học, có khả năng tư duy độc lập và có ý thức tự giác. Theo đó, mẹ tập trung giai đoạn này để bồi dưỡng phẩm chất hành vi và ý thức trách nhiệm cho con.

Câu chuyện về ly sữa đậu nành sẽ giúp mẹ có thêm kinh nghiệm trong việc rèn giũa tinh thần trách nhiệm ở trẻ.

Chuyện xảy ra trong một quán nước. Một cậu bé tầm 6-7 tuổi trong lúc cầm ly sữa đậu nành di chuyển lên tầng trên của quán đã làm sữa văng tung tóe lên sàn cầu thang. 

Người mẹ đã yêu cầu con cúi đầu xin lỗi nhân viên phục vụ và mượn một chiếc giẻ lau. Tiếp theo, cậu bé cầm giẻ lau sạch sàn cầu thang. Nhân viên phục vụ muốn giúp cậu bé nhưng người mẹ từ chối, giải thích rằng hãy hãy để cậu bé tự làm. Khi cậu bé đã làm sạch các vết bẩn, cậu đem trả chiếc giẻ cho nhân viên phục vụ và cúi đầu xin lỗi lần nữa trước khi nói lời cảm ơn. Ai chứng kiến sự việc cũng thầm phục cách dạy con của người mẹ. 

hình ảnh

Nhưng mọi chuyện chưa dừng ở đấy, khi cậu bé về lại vị trí ngồi, người mẹ nhẹ nhàng hỏi con: “Con có biết tại sao mình làm đổ sữa đậu nành không?”.

Bé trai ngập ngừng hồi lâu rồi nói: “Dạ con không biết”. Người mẹ cười, xoa đầu con và giải thích: “Con đã cầm ly chưa đúng cách. Bây giờ con hãy thử lại nhé, 1 tay con đặt ở đáy ly, tay còn lại con đặt ở thành ly để giữ nó cố định rồi đi thử lại lên cầu thang xem sao nhé”.

Cậu bé làm theo lời mẹ. Khi trở về chỗ ngồi, cậu bé vui mừng nói với mẹ: “Mẹ ơi, con làm được rồi. Ly sữa đã không bị đổ nữa”.

Ở đây, có thể nói cách giáo dục con của người mẹ vô cùng khéo. Chị không chỉ giúp con nhận ra khuyết điểm, chịu trách nhiệm những gì mình gây ra mà còn biết tránh lặp lại sai lầm tương tự.