Giải mã các tư thế nằm của thai nhi trong bụng mẹ trước ngày "vỡ chum"
Tư thế nằm của em bé sẽ quyết định rất đến vấn đề sinh mổ hay sinh thường của mẹ bầu.
Trong suốt chu kỳ mang thai, em bé ở trong bụng sẽ có những tư thế nằm khác nhau tùy thuộc vào từng giai đoạn phát triển. Đặc biệt, trong ba tháng cuối của thai kỳ, vị trí nằm khác nhau sẽ tạo ra sự thuận lợi hoặc trở ngại cho xa sinh nở sắp tới. Cùng tìm hiểu những tư thế bé thường nằm trong giai đoạn cuối thai kỳ và “dự báo” quá trình lâm bồn của mình sẽ diễn ra như thế nào mẹ nhé.
Ngôi thai đầu, mặt quay vào trong bụng mẹ
Nếu bé nằm ở ngôi thai đầu, xin chúc mừng mẹ sẽ có một quá trình vượt cạn hơn những em bé nằm ở tư thế khác. Lúc này, đầu thai nhi quay xuống dưới khung xương chậu, mặt úp vào bụng và mông hướng về ngực mẹ, giúp bé “chui ra” dễ dàng hơn các tư thế khác. Nếu thai nhi nằm hơi nghiêng sang trái được gọi là tư thế chẩm chậu trái trước (LOA) hoặc phải còn gọi là tư thế chẩm chậu phải trước (ROA).
Ngôi thai đầu, mặt quay ra ngoài
Cũng tương tự tư thế trên, nhưng lúc này đầu em bé lại xuống dưới xương chậu, mặt lại quay ra ngoài, lưng tựa vào lưng mẹ. Với tư thế này, đầu em bé sẽ khó đi ra ngoài, thời gian chuyển dạ lâu, mẹ cũng bị đau lưng nhiều hơn, gây khó khăn cho việc sinh nở.
Với vị trí này, các bác sĩ có thể can thiệp để xoay ngôi thai lại đúng vị trí thuận hoặc cẩn trọng khi đỡ đẻ thì sản phụ vẫn có thể đẻ thường nếu có sức khỏe thai kỳ ổn định.
Ngôi thai ngang
Tư thế nằm ngang trong tử cung của mẹ giống như bé đang nằm trên một chiếc võng, đầu em bé có thể nằm ở phía hông trái và chân thì nằm phía hông bên phải hoặc ngược lại khiến mẹ rất khó để sinh thường. Trường hợp này khá hiếm, chiếm khoảng 1/2000 trẻ khi sinh nở.
Nếu được các chuyên gia can thiệp kịp thời, em bé có thể sẽ quay đầu trước khi mẹ chuyển dạ, nhưng một số khác buộc phải mổ để đảm bảo an toàn cho hai mẹ con.
Ngôi thai mông
Có đến 4/100 em bé nằm ở tư thế này cho đến cuối thai kỳ. Theo đó, mông của thai nhi gần với tử cung nhất, hai chân giơ thẳng ở phía trước cơ thể, đầu lại nằm gần xương sườn của mẹ. Đây là vị trí sinh nở không ai mong muốn và có thể gây khó khăn cho bác sĩ trong quá trình đỡ đẻ. Trẻ nằm ở vị trí ngôi thai ngược cũng rất dễ bị chấn thương trong quá trình sinh nở.
Nguyên nhân ngôi thai mông được kể đến như là do lượng nước ối hoặc do hình dạng của tử cung. Trong trường hợp này, các bác sĩ có thể tư vấn cho sản phụ được thực hiện phương pháp xoay ngôi thai ở tháng cuối thai kỳ hoặc sinh mổ.
Mẹo giúp thai nhi quay đầu dễ dàng
Để thai nhi có thể quay đầu về vị trí thuận, mẹ có thể tập một vài động tác thể dục nhẹ nhàng dưới đây. Lưu ý: Với những mẹ bầu bị chẩn đoán có nguy cơ sinh non thì không nên tự áp dụng các biện pháp để xoay ngôi thai lại bình thường. Hãy theo mọi sự chỉ dẫn của bác sĩ để tránh rủi ro xấu nhất.
- Nằm theo tư thế độ dốc, đầu thấp, mông cao: Mẹ bầu nên nằm trên một mặt phẳng và kê gối cao lên mông. Làm đều đặn ba lần mỗi ngày, mỗi lần 10-15 phút. Lưu ý: Không được tập khi bụng không quá đói cũng không quá no và vào lúc bé đang hoạt động;
- Chống chân: Từ tuần thai 37, mẹ bầu có thể chống tay và chân trên sàn nhà bằng phẳng, sau đó hạ tay xuống thấp, chân vẫn chống để nâng mông lên cao. Thực hiện giống động tác trên;
- Bơi lội: Không chỉ có tác dụng giúp thai nhi xoay đầu đúng hướng, bơi lội còn hỗ trợ mẹ bầu thả lỏng, thư giãn, giảm các triệu chứng đau đớn cơ bắp trong thai kỳ;
- Phương pháp nóng-lạnh: Mẹ nên dùng khăn lạnh, nhẹ nhàng đắp lên vùng bụng rồi lại dùng khăn thấm nước ấm đắp lên. Nhiệt độ nóng-lạnh đan xen phần nào kích thích bé di chuyển về vị trí ngôi thuận.