Ban đầu người mẹ này rất tự hào về con gái mình, nhưng chỉ sau đó vài năm, chị lại phải khóc vì ân hận.
Có nên cho trẻ học trước khi vào lớp 1 hay không là băn khoăn của không ít phụ huynh. Trong thời buổi 4.0 như hiện nay, hầu hết bố mẹ nào cũng bị cuốn vào công cuộc học hành của con. Nhiều bố mẹ hết sức đau đầu vì vừa muốn cho con có thể thoải mái vui chơi đúng theo độ tuổi, nhưng cũng vừa lo sợ nếu con không học trước thì sẽ bị thua thiệt so với bạn bè, đặc biệt khi lớp 1 là bước khởi đầu vô cùng quan trọng. Để trả lời cho câu hỏi này, một chuyên gia tâm lý từng chia sẻ về câu chuyện của người mẹ từng rất tự hào có con đọc viết thành thạo từ khi học mẫu giáo nhưng đến tận khi con lên lớp 3, chị mới nhận ra sai lầm nghiêm trọng của mình.
Từ khi học mẫu giáo, con gái Bối Bối của người mẹ này đã có thể đọc viết thành thạo, thậm chí cô bé còn đọc được những cuốn sách hay văn bản rất dài. Điều đó khiến người mẹ vô cùng tự hào và thường xuyên khoe thành tích của con khắp nơi. Chưa vào lớp 1 nhưng Bối Bối rất thông minh lanh lợi. Vào mỗi dịp lễ hội hay họp mặt, đám tiệc, cô bé thường xung phong lên đọc thơ trước rất nhiều quan khách. Mỗi lần như thế, người mẹ đều nức mũi khi nghe mọi người xung quanh khen ngợi, thậm chí họ còn liên tục hỏi cô về bí quyết dạy con.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn: Sohu
Người mẹ cũng tự hào chia sẻ rằng, mình cho con học chữ từ rất sớm. Lúc đầu, con gái còn ham chơi nên khi bị mẹ bắt học thì khóc, nhưng chị vẫn nhất quyết uốn nắn, rèn con học mỗi ngày. Chính vì thế ngay ở độ tuổi mẫu giáo, bé gái Bối Bối đã có thể đọc viết thành thạo, không hề thua kém mà có khi còn hơn cả những đứa trẻ đang học lớp 1. Mỗi tối, chị đều bắt con phải ngồi vào bàn học rèn viết chữ, luyện đọc sách. Nhờ vậy mà Bối Bối chưa chính thức đi học lớp 1 đã đọc được 2000 chữ. Đây là con số khiến nhiều người lớn phải trầm trồ.
Khi chính thức vào lớp 1, mẹ của cô bé vẫn rất tự hào vì con mình đạt được thành tích cực tốt. Tại lớp học, Bối Bối luôn dẫn đầu khi biết trước mọi kiến thức, bài thi nào cũng đạt điểm tối đa. Cô giáo thường khen em hết lời trước mặt mẹ. Chính vì thế, người mẹ lại càng tin rằng cách dạy con của mình đã đi đúng hướng.
Khi cô bé lên lớp 2, thành tích vẫn tốt nhưng có vẻ bị chậm lại nhưng lúc này, người mẹ vẫn chưa để tâm cho lắm. Chỉ đến khi con lên lớp 3, điểm số bắt đầu kém đi hẳn, con lại không còn tự tin, hoạt bát như trước thì mẹ của Bối Bối mới bắt đầu giật mình nhìn lại.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn: Sohu
Cuối năm lớp 3, không chỉ không giữ được danh hiệu học sinh xuất sắc như những năm trước mà Bối Bối còn có dấu hiệu chán học. Cô bé thường xuyên nói với mẹ rằng mình không muốn đi học nữa. Cô bé cũng thường xuyên không làm bài tập, lên lớp thì không chú tâm nghe cô giáo giảng bài. Thấy con như vậy, mẹ của Bối Bối không ít lần khóc thầm. Cô tự hỏi tại sao mình đã đầu tư cho con đi học từ sớm, bỏ nhiều thời gian, tiền bạc và công sức để bồi dưỡng cho con nhưng càng lớn, sức học của con lại càng giảm sút đi như vậy. Tình hình ngày càng nghiêm trọng. Người mẹ cuối cùng đã phải nhờ đến sự giúp đỡ của chuyên gia tâm lý và lúc này cô đã nhận ra sai lầm của mình.
Chuyên gia chia sẻ rằng, có lẽ do người mẹ ép con học quá sớm, đứa trẻ biết hết tất cả nên khi đi học chính thức dễ nảy sinh tâm lý ỷ y, không còn hứng thú với việc khám phá những kiến thức mới. Ngoài ra, cô bé cũng đã quen với những lời khen ngợi, tán dương nên khi thành tích giảm dần, con bắt đầu trở nên e ngại, tự ti khi thấy mình không còn nổi bật và được chú ý như trước.
Có thể khi lên lớp 1, thành tích của Bối Bối nổi bật là do các bạn khác vẫn còn chập chững ở khâu đọc viết. Nhưng khi lên lớp 2, lớp 3, mọi đứa trẻ đều có thể đọc viết thì khả năng của Bối Bối đã trở nên quá bình thường, cộng với tâm lý chán học, cô bé không có hứng thú để trau dồi, phát triển thêm khả năng của mình. Từ đó dẫn đến chuyện bé càng học càng chán nản, thành tích cũng tụt hạng không phanh, lại càng không có động lực để cố gắng phấn đấu thêm nữa.
Khi biết được nguyên nhân, người mẹ lúc này mới ân hận vì đã ép con học nhiều từ quá sớm. Cứ nghĩ điều đó tốt cho con nhưng thực ra lại đang vô tình hại con mình. Thế mới nói, đôi khi không phải cứ bắt con học nhiều mới là thương con. Mỗi phụ huynh cần biết đồng hành, tìm cách khơi gợi hứng thú tìm hiểu những kiến thức mới trong trẻ. Học hành là cả một chặng đường dài, đừng vì những thành tích ban đầu mà vô tình phá hỏng cả tương lai rực rỡ của con sau này các bố mẹ nhé.