Mình mang thai lần đầu nên không có nhiều kinh nghiệm cho lắm, làm gì cũng cứ sợ mình sơ sót, con chịu thiệt thòi các mẹ ạ! Ngay cả chuyện khám thai cũng vậy đó! Đi khám mà hoang mang, chỉ biết lần theo lịch khám của bác chứ mông lung không biết phải khám thai trong thai kỳ bao nhiêu lần, khám vào những thời điểm nào là quan trọng nhất.



Sau lần đầu tiên khám hụt ngày, mình hỏi bác sĩ của mình lịch khám thai trong thai kỳ thì mới được bác cho hay thêm cái này thấy thích lắm. Em sẵn đây chia sẻ cùng các mẹ để biết thêm nha! Tổng cộng trong thai kỳ, số lần khám ở mỗi người mỗi khác vì có thể mẹ mắc một số vấn đề nào đó hoặc xuất huyết, đau bụng bất thường thì phải khám đột xuất. Tuy nhiên, chung quy lại cho những trường hợp bình thường thì có 8 lần khám thai quan trọng này:



Lần khám đầu tiên: Sau khi trễ kinh khoảng 1 tuần và thử que lên 2 vạch



Mục đích của lần khám thai này là để kiểm tra xem trứng thụ tinh có vào trong buồng tử cung không hay là nằm ngoài tử cung. Ngoài ra tuần này mẹ cũng có thể biết được cả tuổi thai và nghe được tim thai nữa đó! Nếu trong khoảng từ 5 – 6 tuần, bác sĩ có bảo mẹ chưa nghe tim thai thì cũng đừng bấn loạn lên nha! Bình thường thôi! Đợi thêm 1-2 tuần nữa nghe tim thai cũng không muộn!



Sở dĩ nói tuần này mẹ có thể nghe bác sĩ tính tuổi thai là vì bác í dựa vào ngày đầu kỳ kinh cuối. Nếu mẹ không biết ngày đó là ngày nào để thông báo cho bác sĩ thì bác í sẽ dùng đến phương pháp khác đó là siêu âm thai. Nhưng tốt nhất muốn biết các chỉ số thai chính xác từ 11 – 12 tuần mẹ nên siêu âm lại.



Trong lần khám thai này, mẹ sẽ được bác kê đơn thuốc phù hợp với tình hình sức khỏe của mẹ và sự phát triển của thai nhi trong thời điểm hiện tại. Theo như kinh nghiệm của em thì trong toa thuốc không bao giờ thiếu Axit folic và sắt.



Lần khám thứ 2: Thai khoảng 7 – 8 tuần



Lúc này mẹ nghe tim thai rõ lắm rồi nha! Nếu chưa nghe tức là thai có vấn đề và bác sĩ sẽ báo cho mẹ biết. Ngoài tim thai, mẹ sẽ được đo kích thước túi ối, chiều dài phôi. Những kiểm tra này nhằm xác định mức độ phát triển tương xứng của thai nhi so với tuổi thai. Ngoài ra, mẹ còn được khám lâm sàng: đo cân nặng, đo huyết áp, kiểm tra mức độ nghén và dựa vào đó để bác sĩ kê đơn thuốc bổ sung phù hợp cho mẹ.



Lần khám thứ 3: Thai khoảng 12-13 tuần



Trong thai kỳ, đây là cột mốc rất quan trọng mà mẹ cần phải đi khám thai vì đây là lúc thích hợp nhất để sàng lọc dị tật bẩm sinh thông qua chỉ số đo độ mờ da gáy. Nếu chỉ số đo được cao hơn so với mức chuẩn, thai nhi có thể được chẩn đoán nguy cơ hội chứng Down do nhiễm sắc thể gây ra. Tuổi mẹ càng lớn, từ 35 tuổi trở lên thì nguy cơ này sẽ càng cao. Theo thống kê với khoảng sáng sau gáy (độ mờ da gáy) dày 3,5 – 4,4mm có tỷ lệ bất thường nhiễm sắc thể là 21,1%; khoảng sáng sau gáy (độ mờ da gáy) ≥ 6,5mm thì thai nhi có bất thường nhiễm sắc thể lên tới 64,5%. Nếu mẹ để qua 14 tuần mới tầm soát dị tật này thì các chỉ số đo được đã không còn giá trị nữa nhé! Để chính xác hơn, mẹ có thể làm thêm xét nghiệm Double test.



Nếu chọn siêu âm 4 chiều trong giai đoạn này có thể phát hiện thêm về bất thường hình thái thai nhi: dị dạng cấu trúc các chi, các tạng trong cơ thể, cột sống bất thường....



Ngoài sàng lọc dị tật thai, mẹ sẽ được xét nghiệm máu, thử nước tiểu và khám lâm sàng như: cân nặng, đo huyết áp trong lần khám thai này.



Lần khám thứ 4: Thai nhi được khoảng 14-17 tuần



Lần khám này khá quan trọng vì các bác sĩ sẽ có thể chẩn đoán dị dạng nhiễm sắc thể của thai thông qua xét nghiệm sàng lọc Triple test. Vậy triple test này là gì các mẹ đã biết chưa?



Triple tức là bộ 3 xét nghiệm tầm soát có dùng đến mẫu máu của mẹ với mục đích phát hiện ra các nguy cơ rối loạn bẩm sinh ở thai nhi. Trong đó bao gồm rối loạn chất là AFP (một loại protein do thai nhi sản xuất), hCG (nội tiết tố thai kỳ) và Estriol (nội tiết tố estrogen do nhau và thai sản xuất). Cái này không phải là chẩn đoán tình trạng thai đâu nha các mẹ! Mà nó chỉ cho biết thai có nguy cơ bị rối loạn di truyền nhiễm sắc thể hay không thôi. Nếu có nghi ngờ sau khi kết quả cho biết, bác sĩ mới đề cập đến chuyện làm thêm các xét nghiệm khác nữa.



Lần khám thứ 5: Thai nhi 21-23 tuần



Sau cột mốc quan trọng đầu tiên, đây chính là cột mốc quan trọng thứ hai trong việc khám thai. Tất cả những bất thường về hình thái thai như sứt môi, hở hàm ếch, bất thường bên ngoài ở các cơ quan, các chi, đều có thể tìm thấy trong giai đoạn này, đặc biệt là những bất thường liên quan đến tim và sự phát triển của khung xương. Nếu phát hiện sớm trong giai đoạn này, thai nhi sẽ được can thiệp kịp thời để tránh những nguy cơ xấu nhất có thể xảy ra.



Tất nhiên mẹ sẽ được tiếp tục làm những xét nghiệm cần thiết trong giai đoạn này gồm: xét nghiệm viêm gan B, xét nghiệm yếu tố Rh, xác định nhóm máu, xét nghiệm máu thông thường, xét nghiệm máu kiểm tra HIV, xét nghiệm nước tiểu, đo lượng đạm trong nước tiểu….



Nếu đã tiêm đủ 2 mũi phòng uốn ván chưa đủ 5 năm thì mẹ không cần phải tiêm thêm nữa. Nếu chưa từng được tiêm phòng uốn ván thì đây cũng là lúc mẹ phải tiêm 2 mũi uốn ván quan trọng: mũi 1 cách mũi 2 ít nhất 1 tháng và trước sinh tối thiểu 15 ngày. Tốt nhất, để thuốc tác dụng tối ưu nên tiêm từ tháng thứ 5 hoặc 6.



Lần khám thứ 6: Thai nhi 28 – 30 tuần



Sau khoảng 4 tuần kể từ lần khám thai thứ 6, mẹ sẽ được bác sĩ cho lịch khám vào lần kế tiếp. Lần khám này với mục đích theo dõi sự phát triển của thai nhi với các chỉ số thai thông thường. Nếu có bất kỳ thắc mắc gì về những tuần kế tiếp của thai kỳ như chuyện sinh hoạt vợ chồng, đi lại, ăn uống, ngủ nghỉ… mẹ đều có thể hỏi tường tận trong lần khám thai này.



Lần khám thứ 7: Thai nhi 31- 32 tuần



Đến tuần thứ 32, cột mốc phát triển quan trọng thứ 3 trong thai kỳ, mẹ nên siêu âm một lần nữa bằng kỹ thuật siêu âm màu 4 chiều. Mục đích của lần siêu âm này để xác định về những dị tật bên trong của thai nhi như bất thường mạch máu, động mạch não, động mạch tử cung hoặc theo dõi doppler động mạch rốn. Tất nhiên, tầm soát lúc này đã không thể can thiệp được nữa ngoài việc chọn những phương án dự phòng. Ngoài ra, mẹ còn phải biết thêm về vị trí ngôi thai, mức độ phát triển của thai… để chọn bệnh viện và bác sĩ đỡ đẻ phù hợp.



Lần khám thứ 8: Thai nhi 35 – 36 tuần



Trước khi cận ngày sinh, bác sĩ sẽ kiểm tra rất kỹ lưỡng số lần thai máy, trọng lượng thai, chiều dài thai, tình trạng nước ối và dây rốn… Hiện nay dù phòng khám tư hay bệnh viện đều làm Non-stress test, tức đo chuyển động thai bằng một cái máy Mornitor sản khoa để theo dõi tình hình phát triển của thai nhi.


webtretho


Hình ảnh chỉ mang tính minh họa



Sau tuần này, cứ mỗi tuần đều đặn mẹ đều phải đi khám để ngừa bất trắc khi sinh với các dấu hiệu đau bụng, ra máu, thai máy nhanh chậm và độ mở tử cung. Mẹ chuẩn bị sẵn sàng tâm lý để đón con chào đời chưa nào!



Muốn biết cụ thể trong mỗi lần khám thai cần làm những gì, uống những loại thuốc nào, mẹ có thể tham khảo thêm lịch khám thai tóm lược này nhé!



Lần 1: Tuần thứ 5



– Khám thai, kiểm tra nội tiết


– Siêu âm 2D (kiểm tra túi phôi trong buồng tử cung)


– Uống (tiêm) thuốc nội tiết (nếu cần)


– Uống thuốc vi chất dinh dưỡng



Lần 2: Tuần thứ 8



– Khám thai, kiểm tra nội tiết


– Siêu âm 2D (kiểm tra tim thai)


– Uống (tiêm) thuốc nội tiết (nếu cần)


– Uống thuốc vi chất dinh dưỡng



Lần 3: Tuần thứ 12



– Khám thai, kiểm tra nội tiết


– Siêu âm 4D (kiểm tra hình thái thai nhi)


– Uống (tiêm) thuốc nội tiết (nếu cần)


– Uống thuốc vi chất dinh dưỡng



Lần 4: Tuần thứ 16



– Khám thai, kiểm tra nội tiết


– Siêu âm 2D


– Uống (tiêm) nội tiết (nếu cần)


– Uống canxi, sắt và magie B6


– Uống thuốc vi chất dinh dưỡng


– Xét nghiệm máu (Tripple test)



Lần 5: Tuần thứ 20



– Khám thai, kiểm tra nội tiết


– Kiểm tra thai máy (3 lần / ngày)


– Siêu âm 2D


– Uống thuốc canxi, sắt, magie B6


– Uống thuốc vi chất dinh dưỡng



Lần 6: Tuần thứ 22



– Kiểm tra thai máy (3 lần / ngày)


– Siêu âm 4D (kiểm tra hình thái thai nhi)



Lần 7: Tuần thứ 26



– Khám thai, kiểm tra nội tiết


– Kiểm tra thai máy (3 lần/ ngày)


– Siêu âm 2D


– Uống thuốc canxi, sắt, magie B6


– Uống thuốc vi chất dinh dưỡng



Lần 8: Tuần thứ 30



– Bắt đầu ăn nhạt cho đến khi sinh


– Khám thai, siêu âm 2D


– Làm thủ tục đăng ký đẻ


– Tiêm phòng uốn ván (AT1)


– Uống canxi, sắt


– Uống vi chất dinh dưỡng


– Xét nghiệm máu, thử tiểu



Lần 9: Tuần thứ 32



– Khám thai


– Siêu âm 4D (kiểm tra hình thái thai nhi)


– Thử tiểu


– Uống thuốc vi chất dinh dưỡng, canxi, sắt



Lần 10: Tuần thứ 34



– Khám thai, thử nước tiểu, siêu âm


– Tiêm phòng uốn ván (AT2)


– Uống thuốc vi chất dinh dưỡng, canxi, sắt



Lần 11, 12, 13, 14, 15: Tương ứng các tuần thứ 36, 37, 38, 39, 40



– Khám thai, thử nước tiểu, siêu âm


– Uống thuốc vi chất dinh dưỡng, canxi, sắt



Xem thêm các bài viết liên quan tại đây:



Lịch siêu âm thai định kỳ mẹ bầu cần nhớ nếu muốn con khỏe mạnh suốt 9 tháng 10 ngày


Lịch khám thai định kỳ đối với một thai kỳ bình thường


Đúng 1 năm 2 tháng từ hôm đi cấy que, em thấy trong người là lạ thì mọi chuyện đã muộn



Xem thêm clip: Nỗi 'thống khổ' trong 9 tháng thai kỳ của người phụ nữ



http://www.webtretho.com/video/wp-content/uploads/sites/43/2016/05/uk72V1G1Vr-480x270.jpg