Để con có đôi chân thẳng dài, mẹ cần tránh một số sai lầm như nắn chỉnh chân con từ sớm, cho bé uống thuốc bổ tăng trưởng chiều cao và đặc biệt lưu ý sửa dáng ngồi cho bé ngay khi thấy con ngồi kiểu chữ W nhé!


Nhiều bé vẫn thường ngồi xòe hai chân khi ngồi chơi do ngồi kiểu này khiến bé thấy thoải mái. Thực ra, không chỉ khiến con lớn lên chân ngắn cong queo, tư thế ngồi kiểu chữ W còn khiến trẻ gặp vấn đề về cơ bắp, thần kinh vận động…




Những nguy cơ bé gặp phải khi ngồi kiểu chữ W


Kiểu ngồi xòe hai chân, còn gọi là ngồi kiểu chữ W, có thể khiến con gặp các vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe và thẩm mỹ:


1/ Ảnh hưởng sự phát triển cơ bắp


Khi bé ngồi xòe hai chân, để giữ thăng bằng, con sẽ phải sử dụng cơ hông của mình. Điều này có thể khiến bé bị trật khớp hông, cong vẹo xương sống, xương đùi… do tư thế ngồi này gây áp lực cho cơ chân, hông và khớp gối.


2/ Dễ bị co rút


Tư thế ngồi kiểu chữ W ép cơ hông, cơ chân và các dây chằng lại vào cùng một phạm vi hẹp làm cho trẻ dễ bị co rút.


3/ Chân cong và ngắn


Theo các bác sĩ Nhi khoa, nếu trẻ ngồi trong tư thế xòe hai chân ra ngoài trong một thời gian dài, con dễ bị cong vẹo xương đùi khiến hai chân cong queo, xấu xí khi lớn lên.


4/ Hạn chế kỹ năng vận động


Nếu trẻ ngồi kiểu chữ W trong một thời gian dài, khi lớn lên con dễ gặp các vấn đề về cân bằng, phối hợp, hạn chế kỹ năng vận động… Việc phải ép mình ngồi đúng tư thế khiến trẻ mất tập trung, áp lực, ảnh hưởng đến kết quả học tập.


Cha mẹ cần làm gì khi con ngồi kiểu chữ W?


Để tránh những nguy hại cho sức khỏe mà con có thể gặp phải, ngay khi thấy bé ngồi tư thế xòe hai chân, cha mẹ cần nhắc nhở con, giúp bé ngồi đúng tư thế. Tuy nhiên, cần giải thích cho bé hiểu chứ không nên cấm đoán, la mắng bé, vì sẽ vô tình khiến bé bị áp lực.


1/ Dạy con ngồi vị trí phù hợp


Cha mẹ cần dạy con biết sự khác biệt khi bé ngồi khoanh hai chân vào trong và ngồi xòe hai chân kiểu chữ W. Nói cho bé biết, trong khi kiểu ngồi xòe hai chân khiến gây áp lực cho cơ hông, thân và đầu gối thì kiểu ngồi khoanh hai chân giúp các cơ này phát triển. Ngồi kiểu khoanh hai chân vào trong giúp bé giữ được thăng bằng, lại không làm ảnh hưởng cơ bắp trẻ, không khiến con khó chịu mà trái lại có thể làm tăng khả năng nhận thức, học tập của bé.


2/ Sáng tạo một trò chơi


Nếu việc giải thích cho con vẫn chưa giúp bé hiểu tác hại của việc ngồi xòe hai chân, hoặc do điều này đã trở thành thói quen khó sửa của bé, cha mẹ có thể giúp con thay đổi tư thế ngồi bằng cách tổ chức trò chơi. Mẹ có thể chơi trò ai ngồi khoanh hai chân vào trong trước thì sẽ là người thắng cuộc. Điều này giúp bé hào hứng hơn là những lời nhắc nhở suông của cha mẹ. Cha mẹ cũng hãy làm mẫu cho con, mỗi khi ngồi xuống, hãy ngồi đúng tư thế và khuyến khích bé ngồi đối diện cha mẹ, đúng với tư thế ngồi của cha mẹ mà bé đang nhìn thấy. Việc đọc cho con một câu chuyện hoặc chơi một trò giải câu đố có thể cuốn bé theo, giúp bé quên luôn cả việc chuyển về ngồi tư thế chữ W mà trước đó con hay ngồi.


3/ Tập các bài tập


Cha mẹ có thể khuyến khích bé ngồi xuống và cùng tập một số bài tập thể dục trong tư thế ngồi, vươn ra trước, ngả về sau hay nghiêng người qua hai bên, để con quen dần với tư thế ngồi đúng. Bé cũng nhận ra nếu ngồi đúng tư thế thì con sẽ thoải mái hơn nhiều khi vận động.


Không chỉ tư thế ngồi kiểu chữ W, ngồi vắt hai chân qua một bên hoặc ngồi khoanh chân nhưng cúi đầu, cong gập lưng cũng không phải là những tư thế tốt cột sống và vóc dáng của trẻ. Cha mẹ nên khuyến khích con ngồi khoanh hai chân vào trong hoặc ngồi tư thế yoga, thiền…




Ngoài ra, để tránh tình trạng chân con ngắn ngủn, cong queo, cha mẹ cũng cần tránh một số sai lầm cơ bản như:


- Nắn chân cho thẳng: Nhiều người theo quan niệm cũ cho rằng việc nắn chân cho con từ lúc sơ sinh giúp bé có đôi chân dài thẳng tắp mà không biết rằng điều này không thể giúp cải tạo cấu trúc xương của bé. Thậm chí, việc nắn bóp chân bé nếu mạnh tay còn khiến con dễ bị viêm cơ, trật xương...


- Cho bé dùng thuốc bổ tăng trưởng chiều cao: Nhiều cha mẹ muốn con cao lớn chân dài, đã không ngại “đầu tư” cho bé bằng cách cho con dùng thuốc bổ tăng trưởng chiều cao mà không có sự hướng dẫn của bác sĩ. Nếu cha mẹ cho con uống quá nhiều thuốc bổ, con có thể phải đối mặt với nguy cơ bị táo bón, tăng canxi trong máu, thận bị vôi hóa… Những vấn đề này có thể cản trở đến tốc độ tăng trưởng của con, thậm chí làm con chậm phát triển chiều cao.