Việc con bỏ nhà ra đi cho thấy tình cảm gắn kết trong gia đình rất kém.

Trong năm 2020, chúng ta nghe nhiều về những đứa trẻ mất tích nhưng thực chất không ít em “tự nguyện” bỏ nhà ra đi. Đó là một thực trạng đáng báo động cho thấy hiện trong nhiều gia đình, trẻ không tìm được tiếng nói chung với bố mẹ hoặc trẻ cảm thấy không khí gia đình ngột ngạt, tù túng nên chỉ muốn thoát ra. 

Mới đây, một người mẹ ở Vĩnh Long đau khổ vì con trai bỏ nhà ra đi. Bình thường con là đứa trẻ học giỏi nhưng con hay phá phách, hút thuốc, có những hành vi làm cha mẹ buồn lòng. Gia đình khuyên nhủ nhiều lần con hứa thay đổi nhưng rồi đâu lại vào đó.

hình ảnh

La rầy con tuổi mới lớn cần chọn thời điểm thích hợp và lựa lời nói thật khéo. Ảnh: wikihow

Do bản thân người mẹ cũng gặp stress trong công việc nên hay la rầy con đồng thời phạt con đến 21g mới cho ăn cơm. Cách đối xử của mẹ đã làm đứa trẻ 15 tuổi tự ái bỏ đi. Sau hôm đó con có chat với một số bạn trong lớp, khi các bạn khuyên về nhà thì lập tức con chặn Facebook. Chị nghe bạn bè con nói con đã bỏ lên TP.HCM cùng người người bạn nào đó.

Đến nay cũng khoảng 2 tuần tính từ ngày cậu bé bỏ nhà ra đi. Không rõ người mẹ ấy đã tìm được con chưa nhưng hy vọng rằng câu chuyện của chị sẽ giúp nhiều phụ huynh khác nhìn lại cách ứng xử của mình với con cái để tránh những việc đáng tiếc tương tự xảy ra. Bởi nếu trẻ đã ra khỏi cánh cửa gia đình thì biết bao nguy cơ rình rập, thậm chí có em bỏ nhà đi chỉ để dọa gia đình nhưng gặp kẻ xấu lôi kéo hoặc bị hại, dẫn đến mất tích, cha mẹ không còn cơ hội gặp lại con dù chỉ một lần.

Ngày nay, việc giáo dục trẻ không còn như thời ông bà ta đông con, đẻ dày mặc con cái tự lớn. Xã hội phát triển, trẻ có cơ hội tiếp xúc với điện thoại, vi tính nên dễ tiêm nhiễm nhiều thứ vô bổ trên mạng xã hội. Vì vậy, việc dạy con ngày càng khó khăn, đòi hỏi cha mẹ phải cần có những kiến thức cơ bản về tâm sinh lý ở trẻ cũng như không ngừng trau dồi kỹ năng làm cha làm mẹ. 

Điều cha mẹ cần lưu ý là trẻ dù ở lứa tuổi nào cũng cần được cha mẹ đối xử tôn trọng, yêu thương, đặc biệt với trẻ ở tuổi dậy thì, cha mẹ càng phải cư xử nhẹ nhàng hơn, tránh kiểm soát con quá mức. Sự cấm đoán của cha mẹ dù với mục đích tốt là để con không mắc phải sai lầm nhưng chắc chắn sẽ gia tăng căng thẳng trong mối quan hệ giữa cha mẹ - con cái; làm trẻ cảm thấy bức bối, khó chịu, dẫn đến có hành vi chống đối cha mẹ.

hình ảnh


Nguồn ảnh: baophapluat

Mặt khác, khi con mắc sai lầm, cha mẹ cần nhẹ nhàng khuyên nhủ, giúp con sửa chữa khuyết điểm. Lắng nghe những khó khăn của con để tìm ra hướng giúp đỡ con. Đừng nóng vội bắt con phải thay đổi ngay, hãy cho con thời gian để thích nghi và dần hoàn thiện bản thân. Hãy nhớ rằng dạy con làm một hành trình kiên nhẫn, càng nóng vội càng dễ làm hư con.

Nếu cha mẹ thiếu quan tâm, thiếu phương pháp giáo dục, thường xuyên bạo hành con bằng lời nói, hành động thì rất dễ làm con tổn thương tâm lý nặng nề. Từ đó, con dễ có những hành động nông nổi như tự tử, bỏ nhà ra đi, tìm đến các chất kích thích như một cách “xoa dịu” những tổn thương đang phải chịu đựng.

Vì vậy, cha mẹ hãy dành nhiều thời gian quan tâm và nói chuyện với con để trở thành bạn bè của con. Đồng thời qua cách nói chuyện, cha mẹ sẽ dễ dàng nhận ra những dấu hiệu lạ ở con để có cách can thiệp kịp thời.

Ngoài ra, cha mẹ cần giữ sợi dây liên lạc thường xuyên với nhà trường, thầy cô giáo và bạn bè của con để kịp thời cập nhật tình hình của con bên ngoài gia đình, không bỏ lỡ bất kỳ biểu hiện “lạ” nào ở con.

Đối với trường hợp trẻ bỏ nhà đi, khi tìm được con trở về, cha mẹ nên cư xử nhẹ nhàng, tế nhị, không nên nổi giận, đánh đập, trách móc. Nên tạo không khí trao đổi cởi mở để trẻ dám bày tỏ những suy nghĩ, những vấn đề con đang gặp phải.

Cuối cùng, việc đứa trẻ bỏ nhà ra đi chứng tỏ tình cảm gắn kết trong gia đình rất kém. Cha mẹ cần nhận ra và nhanh chóng cải thiện, nếu không có tìm được trẻ về thì sau đó con cũng đi tiếp nếu mâu thuẫn giữa con với cha mẹ không thể giải quyết.