Có đến 80% trẻ thiếu máu do thiếu sắt vì được bố mẹ cho uống hơn 600ml sữa/ngày
Uống sữa quá nhiều có thể dẫn đến thiếu máu, do thiếu sắt. Nguyên nhân do trẻ uống sữa quá nhiều không còn muốn ăn các thực phẩm khác đồng thời các vi chất có trong sữa ngăn cơ thể không hấp thụ sắt.
Tại hội thảo diễn ra hôm 6/7 vừa qua tại Phòng khám Đa khoa Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, bác sĩ Vương Ngọc Thiên Thanh, giảng viên Bộ môn Nhi - Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch và là bác sĩ khoa Sốt xuất huyết - Bệnh viện Nhi Đồng 1, đã cảnh báo về tình trạng trẻ thiếu máu do thiếu sắt vì... uống sữa quá nhiều.
Theo bác sĩ Thiên Thanh, tình trạng thiếu máu có thể nhận biết qua các biểu hiện như màu da nhợt nhạt, kém tập trung, dễ mệt mỏi, hay cáu gắt... Tình trạng này nếu kéo dài có thể dẫn đến suy tim. Vì vậy, nếu nghi ngờ con bị thiếu sắt, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám sớm để có phương án điều trị kịp thời.
Có 3 nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu máu do thiếu sắt là do chế độ ăn, ký sinh trùng và xuất huyết tiêu hóa. Trong đó, nguyên nhân do chế độ ăn chủ yếu do uống sữa với loại và lượng không phù hợp,thực đơn ăn dặm không phù hợp, bữa ăn phụ thiếu dinh dưỡng và do trẻ ăn chay.
Thiếu máu do thiếu sắt vì uống sữa sai cách đang dần trở nên phổ biến. Một nghiên cứu do bác sĩ Thiên Thanh và một số đồng nghiệp thực hiện năm 2018 cho thấy, có tới 80% trẻ thiếu máu do thiếu sắt vì uống hơn 600 ml sữa/ngày. Trong khi lượng sữa khuyến cáo cho trẻ 1-3 tuổi là không quá 480 ml/ngày.
Sữa cung cấp nhiều vi chất cần thiết cho sự phát triển của trẻ như: canxi, phốt pho… Nhưng có quá nhiều những vi chất này sẽ tranh giành khả năng hấp thụ vào cơ thể trẻ với sắt, dẫn đến kém hấp thụ sắt từ các loại thực phẩm khác gây thiếu sắt. Ngoài ra, uống sữa quá nhiều sẽ khiến bé quá no, giảm ăn các thực phẩm khác, trong khi sữa không phải là thực phẩm giàu chất sắt.
Với trẻ nhỏ, việc chọn loại sữa cũng rất quan trọng. Với trẻ dưới 2 tuổi nên uống sữa mẹ hoặc sữa công thức vì sữa tươi sẽ khiến trẻ dễ bị thiếu sắt. Sữa mẹ và sữa tươi vốn là 2 loại sữa có hàm lượng sắt thấp, nhưng khả năng hấp thụ sắt trong sữa mẹ là 50%, gấp 5 lần so với sữa tươi. Vì vậy, trẻ bú sữa mẹ không thiếu sắt. Trẻ ở độ tuổi nhỏ này, nếu không được tiếp tục bú sữa mẹ, nên chọn cho trẻ sữa công thức, loại sữa bổ sung sắt gấp nhiều lần sữa tươi.
Ngoài ra, cha mẹ nên tập cho trẻ ăn dặm đúng cách, bữa ăn phụ cần giàu dinh dưỡng chứ không nên ăn qua loa snack, ít trái cây hay chỉ uống sữa. Ăn chay là không khuyến khích đối với trẻ nhỏ, bởi nguồn sắt từ các thực phẩm ăn chay có độ hấp thu rất thấp thực phẩm có nguồn động vật, không phải cứ ăn thực phẩm nhiều sắt là không thiếu sắt.
Vậy thiếu máu do thiếu sắt gây hệ lụy gì?
Theo PGS. TS Đào Minh Tuấn, tình trạng thiếu sắt ở trẻ em đã, đang và sẽ gây ra những hệ lụy không nhỏ:
Không tăng cân
Theo PGS. TS Minh Tuấn, hiện tượng thiếu máu thường xuất hiện khi thiếu sắt rõ rệt. Bởi 70% lượng sắt cơ thể hấp thu sẽ kết hợp protein tạo hemoglobin, đảm nhận vai trò vận chuyển ôxy đến tổ chức của hồng cầu. Khi cơ thể thiếu máu, toàn trạng sẽ suy yếu. Do đó, ngay khi thấy trẻ dưới 1 tuổi vẫn bú mẹ tốt mà không tăng cân thì cần nghĩ tới thiếu máu và đưa trẻ đi khám.
Giảm chức năng, hiệu quả cơ bắp
Sắt tạo nên myoglobin trong cơ, chủ yếu cơ vân. Khi thiếu sắt, cơ lực và tính đàn hồi của cơ giảm rõ rệt, dẫn tới giảm hồi phục co cơ, gây ra tình trạng mỏi cơ. Do đó, trẻ thiếu sắt, thiếu máu sẽ mệt mỏi, yếu ớt, chậm phát triển vận động.
Suy giảm chức năng nhận thức
Với vai trò vận chuyển ôxy lên não và các tổ chức thần kinh khác của hemoglobin, thiếu sắt sẽ ảnh hưởng gián tiếp đến não bộ do thiếu hemoglobin. Sắt cũng tác động trực tiếp lên hệ thần kinh qua cơ chế tham gia cấu tạo nơ-ron thần kinh mới, cũng như tham gia vào quá trình dẫn truyền các xynap thần kinh.
Những trẻ thiếu sắt sẽ có nguy cơ chậm phát triển tinh thần, làm suy giảm khả năng học tập khi lớn lên.
Ảnh hưởng nghiêm trọng đến trạng thái tâm lý, tinh thần
Sắt tham gia tổng hợp chất dẫn truyền thần kinh (chất vận mạch) như Dopamin, Nor-epinerphrine, Serotonin, tạo sự hưng phấn của hệ thần kinh; đảm bảo sự cân bằng trạng thái thần kinh nhờ ổn định giữa 2 hệ giao cảm và phó giao cảm. Do đó, khi cơ thể thiếu sắt sẽ có biểu hiện bất an, mệt mỏi, dễ cáu gắt.
Suy giảm hệ miễn dịch
Sắt tham gia cấu tạo các enzym chứa sắt. Một số yếu tố miễn dịch như các globulin, bổ thể hay tế bào miễn dịch như đại thực bào, interleukin muốn hoạt động tốt phải có sự tham gia của sắt (đặc biệt IgE). Vì thế, khi cơ thể thiếu sắt sẽ dễ ốm bệnh. TS. Peter Geisser, nguyên Chủ tịch Hội đồng Khoa học CLB Sắt châu u, cho biết: “Thiếu sắt làm tăng nguy cơ đái tháo đường thai kỳ bởi sắt tham gia vào cấu tạo các enzym chuyển hóa đường”. Còn theo PGS.TS Nguyễn Minh Tuấn, thiếu sắt góp phần gây ra tình trạng dễ rối loạn tiêu hóa, dễ mắc bệnh hô hấp ở trẻ. Tuy nhiên, PGS.TS Minh Tuấn cũng khuyên không nên bổ sung sắt ngay khi trẻ đang bị bệnh nhiễm trùng cấp tính bởi bổ sung sắt lúc này sẽ gần như cơ thể không thể hấp thu. Với những trẻ hay bị mắc các bệnh nhiễm trùng, sẽ bắt buộc phải bổ sung sắt sau khi đã qua giai đoạn cấp tính. Bởi theo BS Tuấn, yếu tố viêm gây cản trở hấp thu sắt, tạo ra vòng luẩn quẩn thiếu sắt – dễ mắc bệnh nhiễm trùng.
Mất khả năng điều hòa thân nhiệt
Khi thiếu sắt, thân nhiệt dễ bị giảm do thiếu máu kết hợp với suy giảm chuyển hóa, trao đổi chất trong tế bào do quá trình ôxy hóa trong tế bào cần có sắt tham gia.
Tăng nguy cơ ngộ độc
Đặc biệt, theo PGS.TS Minh Tuấn, thiếu sắt sẽ tăng hấp thu chì trong đường ruột. Nguy cơ dễ ngộ độc chì ở người thiếu sắt cao hơn hẳn những người không thiếu sắt. Và khi cơ thể bị ngộ độc chì, hệ tạo máu và thần kinh bị tổn thương sẽ rất khó hồi phục