Nhiều cha mẹ luôn muốn con cái ổn định mà không biết rằng quan niệm đó làm con dậm chân tại chỗ, nhiều khi cứ quanh quẩn trong cuộc sống đủ ăn, không thể “bứt phá”.
Tôi nghĩ rằng dù 5 năm sau, 10 năm sau thì vẫn sẽ tồn tại một lớp cha mẹ luôn muốn con cái ổn định, tức làm những công việc lãnh lương đều đặn hàng tháng như kỹ sư, bác sĩ, giáo viên, viên chức nhà nước… Trong khi đó, họ cực lực phản đối con cái chọn những ngành nghề mà theo họ vô cùng bấp bênh như ca sĩ, diễn viên, người buôn bán, nhà đầu tư...
Xung quanh tôi đầy rẫy những trường hợp như thế. Bạn bè, người thân tôi đều có gia cảnh bình thường. Họ thường khuyên, thậm chí áp đặt con, em họ phải chọn những công việc ổn định. Vì theo họ, những công việc này có thể nuôi sống chúng cả đời, miễn là chăm chỉ làm việc. Nếu may mắn thì thăng tiến trong công việc, có một vị trí và mức lương cao hơn, sau đó về hưu hưởng cuộc sống an nhàn.
Thực tế cha mẹ nghèo luôn muốn con thoát nghèo. Nhưng họ cũng ý thức được rằng nên đi con đường an toàn nhất, ít mạo hiểm nhất, chậm mà chắc.
Trong khi đó, những công việc liên quan đến đầu tư, kinh doanh luôn đầy mạo hiểm. Nếu không đủ tỉnh táo, thiếu kiến thức, kỹ năng, thiếu tầm nhìn, trong chớp mắt có thể tán gia bại sản, rơi vào cảnh nợ nần chồng chất.
Còn những ngành nghề hoạt động trong showbiz có thể mang lại thu nhập cao chót vót nhưng chỉ dành cho những ai thật sự có năng khiếu cộng thêm một chút may mắn. Đôi khi có tài mà thiếu đi may mắn cũng khó thành công. Chính vì nguyên nhân này mà nhiều bậc phụ huynh nhất quyết ngăn cản con làm nghệ thuật vì lo sợ cuộc sống của con bấp bênh.
Những suy nghĩ trên không hẳn không đúng. Nhưng có một điều các bậc cha mẹ thường hay bỏ qua, đó là không phải ai sinh ra trên đời cũng muốn sống một cuộc đời tẻ nhạt với vòng lặp buồn bã. Con cái chúng ta cũng vậy, sẽ có đứa thích an phận nhưng cũng có đứa muốn sống một cuộc đời “cháy hết mình, không hối tiếc”. Ai cũng chỉ sống một lần, vậy tại sao chúng ta không cho các con được tôi luyện qua thử thách, được thực hiện khát vọng của chúng?
Bên cạnh đó, không có công việc nào là thực sự ổn định. Những cơ chế, chính sách luôn thay đổi, tình hình chính trị luôn biến động có thể làm sụp đổ bất kỳ công ty nào, kể cả những tập đoàn xuyên quốc gia. Một người cả đời gắn bó với một công ty, chỉ quen với một môi trường sẽ khó thích nghi với những thay đổi. Khi xảy ra chuyện, bị đẩy ra khỏi vòng an toàn, đó là lúc họ rơi vào tình thế nguy hiểm, dễ bị đào thải bởi quy luật xã hội nếu thiếu khả năng chống chịu do đã quen với cuộc sống an nhàn.
Vì vậy, cha mẹ có tầm nhìn chính là khi con còn trẻ, hãy tạo điều kiện để con thử sức ở nhiều hoàn cảnh, môi trường khác nhau. Đừng “bó chân” con vào cái gọi là “môi trường an toàn”. Đó là cách khiến con thiếu nghị lực, dễ gục ngã khi đối mặt với khó khăn, thử thách.