Giáo dục đặt nặng thành tích khiến nhiều học sinh bị stress như cậu bé 7 tuổi bị áp lực thành tích, điểm số là ví dụ.

Trong vấn đề học hành của con cái, nhiều khi mọi thứ không theo ý muốn thì chính thái độ, cách đối xử của bố mẹ sẽ quyết định phần nhiều đến trạng thái cuộc sống của đứa trẻ sau này. Chỉ cần tinh tế, nhẹ nhàng động viên, hiểu cho những áp lực học tập của con ở trường, bạn đã giúp một đứa trẻ còn nhiều hoài bão có thêm động lực, viết tiếp hành trang cho cuộc đời mình.

Câu chuyện cậu bé 7 tuổi bị áp lực thành tích, điểm số sau sẽ giúp các bậc phụ huynh sớm nhìn nhận lại cách giáo dục con cái của mình bấy lâu đã thực sự đúng đắn hay chưa.

hình ảnh

Ảnh minh họa

Cậu bé 7 tuổi chỉ vì không muốn bố mẹ thất vọng đã vùi đầu chạy đua với thành tích đến nỗi stress 

Vừa qua em có đọc được một câu chuyện liên quan đến áp lực thành tích, điểm số - vấn đề không còn quá xa lạ trong nền giáo dục hiện đại. Câu chuyện về một cậu bé 7 tuổi mới chỉ học lớp 1 đã rơi vào trạng thái stress, áp lực cùng cực về vấn đề học tập.

Được biết, cậu bé khá dễ thương, ngoan ngoãn, chăm chỉ và luôn vâng lời bố mẹ. Mẹ của cậu thường xuyên chia sẻ về cuộc sống hằng ngày của cậu bé trên mạng xã hội với niềm tự hào rất lớn lao. Mặc dù công việc khá bận rộn nhưng chị vẫn tranh thủ kèm con học đến tận 2 giờ sáng và cũng chỉ vì thành tích học tập nên chị cũng rất khắt khe mỗi khi cậu bé đạt điểm thấp.

Đến một hôm, người mẹ ấy vô tình xem được đoạn video giám sát con khi tham gia lớp học trực tuyến tại nhà, lúc đó chị mới hiểu con mình đã phải chịu áp lực và căng thẳng thế nào khi không tài nào học được.

Hôm đó, cậu bé 7 tuổi này để tham dự lớp học trực tuyến và phải quay lại video. Cậu bé đang học thật chăm chỉ để chuẩn bị cho nhiệm vụ vừa học vừa ghi âm, đồng nghĩa với việc nếu em mắc lỗi dính tạp âm bên ngoài vào sẽ phải bắt đầu lại từ đầu. Mặc dù đã lặp đi lặp lại nhiều lần nhưng cậu bé không thể nào hoàn thành nó. Ngay khi cậu bé đang chuẩn bị làm nó lại phát âm sai, cuối cùng không thể kìm chế được nữa nên cậu dường như rơi vào trạng thái khủng hoảng.

hình ảnh

Cậu bé 7 tuổi với tâm lý bất ổn trong buổi học trực tuyến được ghi lại - Nguồn: new.qq

Trước tiên cậu bé khóc thật to như đang rất bất lực, sau đó mất bình tĩnh và muốn xé cuốn sách, nhưng sau đó lý trí không cho phép làm thế nên đã bình tĩnh trở lại. Cậu bé vì bất lực nên đã cố gắng tìm kiếm bố mẹ khắp nhà nhưng không thấy họ ở đó. Vì không nhận được sự an ủi nào nên cậu càng khóc lớn hơn. Khi cảm xúc dần lắng xuống, em cũng cố gắng thu âm lại bài báo cáo của mình và không quên kiểm tra kỹ phần bài tập đã ghi chép trước đó.

Đoạn video tuy chỉ dài 2 phút rưỡi nhưng lại khiến người xem không khỏi xót xa. Đứa trẻ chỉ mới 7 tuổi, rõ ràng vẫn còn đang ở độ tuổi ngây thơ, vậy mà lại bị ép học một cách cứng nhắc như thế. Người mẹ sau khi xem được đoạn video này cũng tự nhận rằng do gia đình đặt kỳ vọng quá lớn vào đứa con này nên vô tình đẩy con vào thế khó, bị áp lực tâm lý đè nặng quá lớn.

Thực tế, trong những video trước đây, cậu bé chưa thực sự tiến bộ trong việc đọc văn bản và học thuộc từ, thường xuyên phải có mẹ cạnh bên mới có thể nhớ được từ. Đối với việc học của em ấy, bố mẹ cũng khá vất vả kèm cặp con. Tuy nhiên, sau khi xem đoạn video này người mẹ mới chợt nhận ra rằng, có lẽ con rất cần sự động viên, khích lệ của bố mẹ những lúc bất ổn như thế…

Tương tự trường hợp cậu bé 7 tuổi bị áp lực thành tích, điểm số như trên, em cũng muốn chia sẻ thêm về câu chuyện của một cậu bé lớp 5 mà em từng biết. Hôm đó làm bài tập ở nhà một mình. Lúc đang học, đột nhiên cậu bé tháo kính ra và tự tát mình hai cái rất mạnh. Khi xem qua đoạn video giám sát, cư dân mạng cũng cảm thấy bất ngờ với hành động vô thức này. Hóa ra cậu bé này học lớp 5, tuy rất chăm chỉ học hành nhưng điểm số chỉ ở mức trung bình.

Cậu bé khá thất vọng với chính mình vì không đọc và trả lời được câu hỏi từ cô giáo. Nên khi tâm lý bị xáo trộn, lo sợ và bất lực đã tự tát mình. Cậu bé có chia sẻ rằng: “Cha mẹ cháu làm việc rất chăm chỉ mỗi ngày và tạo điều kiện tốt nhất cho cháu. Cháu không thể chểnh mảng việc học, nếu không sẽ rất có lỗi với họ" ; "Thậm chí nếu học không học tốt, sau này cháu sẽ không thể vào được trường đại học danh tiếng, lúc đó cuộc đời của cháu sẽ chấm hết"...

Nghe xong lời chia sẻ này, hầu hết cư dân mạng đều xót xa, thương cảm với cậu bé.

Trẻ em trong xã hội hiện đại này thực sự rất căng thẳng về vấn đề học tập, điểm số, thành tích,...Chính sự kỳ vọng càng cao của bố mẹ, sự đấu tranh tâm lý làm sao để không phụ lòng bố mẹ, nhiều đứa trẻ chỉ biết chăm chỉ học hành, giấu kín mọi nỗi niềm, nỗi đau trong lòng. Đặc biệt, những đứa trẻ bị điểm kém, không chỉ phải chịu thêm áp lực âm thầm mà còn là lời chỉ trích, la mắng của bố mẹ.

hình ảnh

Áp lực thành tích, sự kỳ vọng,...khiến nhiều em học sinh dù chăm chỉ đến mấy cũng khó vượt qua

Bình thường cậu bé lớp 5 này sẽ học cùng mẹ và hôm ấy, cậu học môn đánh vần không tốt. Mẹ cậu liền hỏi: "Con làm sao vậy hả, căn bản là có chuyện gì với con?". Vì chưa hoàn thành bài tập mẹ giao nên bị phạt viết bài, cậu lau nước mắt buồn bã nhưng mẹ cau mày: "Muốn khóc cũng đừng tỏ vẻ yếu đuối, kém cỏi như thế vì con có thể làm được".

Cậu bé cho biết vì thường xuyên bị điểm kém nên mẹ cứ la rầy mỗi khi kèm học. Khi đứng trước máy quay ghi hình phỏng vấn về tình trạng học sinh bị áp lực tâm lý chuyện học hành, cậu bé nói với giọng bực bội: "Cháu muốn mẹ cho thêm một vài cơ hội, và muốn mẹ giúp một lần nữa, thay vì cứ la rầy, mắng mỏ"...

Khi người dẫn chương trình hỏi: "Cháu nghĩ rằng bố mẹ đã hiểu mình?" Cậu bé lắc đầu và không ngừng khóc: "Mẹ nói cháu là hai trăm lẻ năm, và cháu không muốn mẹ gọi như vậy"... Không có đứa trẻ nào không muốn mình đạt điểm xuất sắc và trở thành niềm tự hào trong mắt bố mẹ và thầy cô.  Nhưng đôi khi không như mong đợi, bố mẹ không những không hiểu mà còn “đổ thêm dầu vào lửa” khiến trẻ trầm cảm, bế tắc. Vậy nên, các bậc phụ huynh dù bất luận như thế nào, hãy cố gắng đừng để trẻ thiếu động lực và luôn cảm thấy cô đơn trong chính ngôi nhà của mình nhé.

Là cha mẹ, hãy cảm thông, chia sẻ và động viên trẻ cố gắng thay vì mắng mỏ, hạch sách con. Khi trẻ không đạt yêu cầu về điểm số, nếu cha mẹ mắng mỏ hay tát vào mặt, lâu dần sẽ tạo thành những tổn thương, tự ái, áp lực lớn trong lòng con trẻ. Thay vào đó, nếu bố mẹ dành cho con một cái ôm, một lời động viên, vỗ về sẽ tiếp thêm sức mạnh, động lực cho trẻ vượt qua mọi thất bại và nhìn về phía trước để không ngừng cố gắng. Trên thực tế, có nhiều bậc phụ huynh quả thật rất khó giữ được bình tĩnh khi đối mặt với tình trạng điểm số của con ngày càng “tụt dốc không phanh”.

Vì vậy, hãy dùng hết tình yêu thương dành cho con cái và nhẹ nhàng nói rằng: “Cho dù điểm số hiện tại như thế nào, bố mẹ tin con sẽ đủ sức tỏa sáng trong tương lai bởi Thất bại là Mẹ thành công”. Quả thật mà nói, thế giới này chưa bao giờ thiếu những đứa trẻ ưu tú mà chỉ thiếu tình yêu thương và sự chấp nhận vô điều kiện của bố mẹ.

hình ảnh

Là những người cha người mẹ tâm lý, hãy động viên, cổ vũ khi con chưa đạt thành như kỳ vọng

Có câu nói: “Mỗi đứa trẻ là một hạt giống, chỉ là thời kỳ nở hoa của mỗi người là khác nhau. Một số loài hoa nở rực rỡ từ đầu, một số loài hoa phải chờ đợi lâu. Đừng mãi nhìn hoa của người khác nở rồi lo lắng cho cái cây của mình bởi mỗi loài hoa đều có thời kỳ nở hoa của riêng mình”. Điều cần làm là hãy chăm sóc cho bông hoa của mình thật cẩn thận, tưới nước mỗi ngày và ngắm nhìn nó lớn dần. Khi đó bạn sẽ thấy nó cũng thuộc một loại hạnh phúc.

Cũng vậy, mỗi đứa trẻ đều là một hạt giống của hy vọng, nhưng chính sự kỳ vọng quá cao của bố mẹ sẽ vô tình tạo ra những rào cản, trước tiên là trong mối quan hệ gia đình, kế đến là sự áp lực, stress cùng cực dẫn đến nhiều hệ lụy không hay. Hãy kiên nhẫn một chút rồi đến một ngày “hạt giống” ấy sẽ nảy mầm và nở hoa, tỏa ngát hương thơm đúng như quy luật vốn có của nó.

Qua câu chuyện về cậu bé 7 tuổi bị áp lực thành tích, điểm số như trên, hi vọng các bậc làm cha làm mẹ sẽ tự rút ra bài học sâu sắc cho chính mình, từ đó điều chỉnh lại cách giáo dục con trẻ. Bởi sau tất cả, dường như đôi lúc bố mẹ quên rằng, trẻ em được sinh ra thông qua chúng ta, nhưng chúng không có nghĩa vụ phải sống theo mong đợi của chúng ta.

Vậy, thay vì toxic mọi chuyện thì tại sao bố mẹ không phá vỡ sự tù túng, ngột ngạt ấy để trẻ có được sự tự do, vô tư đúng với lứa tuổi của chúng? Bạn phải biết rằng giữa hàng ngàn người, việc sinh ra con và cùng con bước đi trên cuộc đời này đã là một điều may mắn lớn rồi. Do vậy, hãy trân trọng và dùng tình yêu thương của đấng sinh thành để hướng chúng đến những điều tốt đẹp hơn nhé.