Một trong những biện pháp tốt nhất để giữ sức khỏe trong suốt thai kỳ đó là lên một chế độ ăn kiêng phù hợp để đảm bảo sức khỏe tốt nhất cho cả thai nhi lẫn thai phụ.


Một số bà mẹ sẽ chọn đậu nành và các sản phẩm từ đậu nành để chăm sóc cơ thể trong thời gian mang thai. Trong đó sữa đậu nành có lẽ là thông dụng nhất. Nó có hương vị hấp dẫn, thích hợp với các bà mẹ có cơ địa không dung nạp được lactose, lại thuần chay.


Khi đưa ra khuyến cáo về các loại thực phẩm không nên dùng cho bà mẹ mang thai thì đậu nành không xuất hiện trong số này. Không có đầy đủ bằng chứng để các chuyên gia đưa ra khuyến nghị khuyên bà bầu nên tránh các sản phẩm từ đậu nành. Ngược lại họ còn cho rằng có thể dùng thay thế đậu nành trong một số trường hợp bà bầu không thể uống sữa nếu không dung nạp được lactose từ các loại sữa khác, đồng thời bản thân đậu nành cũng đem lại rất nhiều lợi ích để đảm bảo thai kỳ khỏe mạnh.


Trong một bài báo cáo khoa học được đăng trên "Journal of Perinatal Education" năm 2003, các nhà nghiên cứu khuyến khích bà bầu nên dùng các sản phẩm làm từ đậu nành vì những lợi ích sức khỏe đặc biệt đối với thai nhi và chính cơ thể mẹ. Sữa đậu nành và các sản phẩm từ đậu nành là nguồn cung cấp canxi và vitamin D thiết yếu. Sữa đậu nành còn được chứng minh là một lựa chọn rất tốt trong trường hợp bà bầu thiếu điều kiện tiếp xúc với ánh nắng mặt trời và có nguy cơ thiếu hụt vitamin D, chẳng hạn như các bà bầu mang thai trong mùa đông.


Tuy nhiên, trái với chiều ý kiến cho rằng đậu nành có lợi trong việc bảo vệ thai kỳ khỏe mạnh thì số khác lại đưa ra bằng chứng, chứng minh đậu nành có thể ảnh hưởng đến chức năng sinh sản sau này của thai nhi. Cụ thể, theo một nghiên cứu năm 2010 đăng trên tạp chí khoa học "Frontiers in Neuroendocrinology" thì các chú chuột trong phòng nghiên cứu có dấu hiệu khó thụ thai và thậm chí vô sinh vĩnh viễn khi được dùng quá nhiều đậu nành bởi chất isoflavone phytoestrogen trong cơ thể quá cao. Các nhà nghiên cứu cho rằng việc tiêu thụ quá sớm phytoestrogen trong đậu nành có thể dẫn đến nguy cơ vô sinh, bao gồm cả việc làm tăng nguy cơ ung thư vú. Nghiên cứu còn dự báo các bà mẹ tiêu thụ quá nhiều đậu nành có nguy cơ sinh con trai bị dị dạng bộ phận sinh dục và nhiều khả năng đó là hậu quả của việc dư thừa phytoestrogen (Phytoestrogen nằm trong nhóm các chất có nhân phenol có tên là flavonoid). Mặc dù sau khi công bố, kết quả nghiên cứu này đã không đủ thuyết phục, nhưng vẫn có những mối quan ngại đáng kể cho rằng tiêu thụ phytoestrogen quá sớm sẽ sinh ra những tác động không tốt đến sức khỏe sinh sản.


Mặc dù các nghiên cứu cho thấy đậu nành là “sát thủ” của chức năng sinh sản nhưng đó chỉ là kết quả thí nghiệm trên động vật và chưa được kiểm chứng thuyết phục với các tác dụng trên cơ thể phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ đang mang thai. Chính vì lẽ này mà không ít chuyên gia cho rằng kết quả trên chỉ mang tính phỏng đoán. Vốn dĩ đậu nành và các sản phẩm làm từ đậu nành là những dạng thực phẩm giàu isoflavon bậc nhất. Theo Viện Linus Pauling, năm 2009, hiện tại không có bằng chứng cho thấy isoflavones dù là trong thực phẩm hoặc dạng thực phẩm chức năng bằng cách nào đó có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Cho đến nay, cũng chưa có đủ các bằng chứng nghiên cứu liên quan để xác định xem một chế độ ăn giàu isoflavone có ảnh hưởng đến người phụ nữ mang thai hay không. Và thực tế, các bà mẹ mang thai vẫn đang dùng đậu nành trong bữa ăn của mình và chưa có nghiên cứu cụ thể chứng minh đậu nành gây vô sinh ở thai nhi.


Muốn biết rõ hơn các quan niệm xoay quanh vấn đề này, mời bạn tiếp tục theo dõi các bài viết sau.