Với những ai mang thai, ngày thời tiết bình thường đã mệt, vào những hôm nắng nóng lại mệt bội phần, nhất là những mẹ hay bị nóng trong, ốm nghén, mệt mỏi, căng thẳng. Thay vì cố gắng ăn thứ gì đó, bạn có thể thay thế các bữa phụ bằng những thức uống giàu vitamin và khoáng chất để vừa giải khát vừa bổ sung dinh dưỡng cho cả mẹ lẫn con.




Việc bổ sung nước trong thai kỳ là điều vô cùng quan trọng. Khi có thai, nhu cầu nước hàng ngày của mẹ bầu tăng lên do phải đáp ứng nhu cầu tuần hoàn máu của mẹ, thai nhi và cho việc duy trì lượng nước ối ở mức an toàn. Nếu mẹ bầu mất nước, dễ xảy ra tình trạng đau đầu, chóng mặt, ngất xỉu. Do đó, lúc nào trong nhà ít nhất cũng phải trữ sẵn các loại nước bù khoáng chất sau đây:


1/ Nước dừa


Uống nước dừa giúp bà bầu bổ sung nước cho cơ thể, đồng thời làm tăng lượng nước ối. Nước dừa giàu các vitamin và khoáng chất, giúp duy trì huyết áp, cân bằng chất lỏng, điều chỉnh pH và tăng cường hoạt động của các cơ. Nước dừa lại hoàn toàn tự nhiên mà không chứa chất bảo quản hay hóa chất. Dân gian còn cho rằng mẹ uống nước dừa trong thai kỳ sẽ sinh con da trắng môi đỏ, xinh đẹp muôn phần. Tuy nhiên, vì nước dừa có tính hàn nên ở 3 tháng đầu thai kỳ mẹ đừng nên uống quá nhiều nước dừa nhé!




Theo các chuyên gia, uống nước dừa nên uống từng ngụm nhỏ một sẽ giúp các mẹ giảm cảm giác buồn nôn, nôn ói. Nước dừa cũng có tác dụng bổ sung muối tự nhiên, giải khát cho mẹ bầu.


2/ Nước mía


Mẹ bầu uống nước mía giúp cơ thể chống lại mệt mỏi, căng thẳng, ngăn ngừa táo bón. Nước mía cũng giúp mẹ bầu tăng cường sức đề kháng, chống lại các bệnh cảm cúm và nhiễm khuẩn. Tuy nhiên, mẹ không nên uống nước mía quá nhiều vì lượng đường trong mía cao, dễ gây tiểu đường thai kỳ. Mẹ cũng nên hạn chế uống nước mía vào buổi tối vì dễ gây lạnh bụng và làm tăng số lần đi tiểu đêm.




3/ Nước chanh


Nước chanh giúp mẹ bầu tránh mất nước, lại giúp giải độc, ổn định huyết áp, giảm ốm nghén, ngăn ngừa táo bón hiệu quả. Chanh dồi dào vitamin C, tăng cường đề kháng, giúp mẹ bầu chống lại các bệnh cảm cúm. Chanh cũng là nguồn cung cấp magie và canxi dồi dào. Đây đều là những chất đóng vai trò quan trọng để xây dựng và cải thiện hệ xương. Tuy nhiên, mẹ bầu nên uống nước chanh đúng cách để không gây hại.


Với những mẹ bầu thường xuyên ợ hơi, ợ nóng, không nên uống nước chanh vì nồng độ axit cao trong chanh có thể làm tình trạng nôn nghén thêm nghiêm trọng. Chanh cũng có thể làm hỏng men răng của mẹ bầu. Vì thế mẹ bầu đừng nên lạm dụng món thức uống này. Cách uống có lợi nhất là pha nước cốt chanh với nước ấm, uống vào buổi sáng sau khi thức dậy hoặc buổi tối sau khi ăn xong để chanh phát huy tác dụng.


4/ Nước ép dưa hấu


Mẹ bầu uống nước ép dưa hấu sẽ giảm nguy cơ mắc chứng tiền sản giật, nước ép dưa hấu còn giúp mẹ giảm ốm nghén, xua tan mệt mỏi, giải tỏa căng thẳng, ổn định huyết áp, giảm đau nhức cơ bắp và ngừa táo bón. Với đầy đủ vitamin và khoáng chất chần thiết, nước ép dưa hấu còn giúp mẹ bầu hồi phục năng lượng cũng như củng cố hệ xương chắc khỏe và hỗ trợ phát triển trí não thai nhi. Tuy nhiên mẹ bầu không nên uống nước ép dưa hấu sau 8 giờ tối vì dễ bị lạnh bụng. Với những mẹ bầu bị tiểu đường, loét miệng, thận yếu cũng không nên uống nước dép dưa hấu.




5/ Nước ép cam


Cam giàu vitamin C, giúp mẹ bầu tăng cường miễn dịch chống các bệnh cảm cúm nhiễm trùng cũng như ngăn ngừa táo bón, giảm ốm nghén. Cam cũng giàu các khoáng chất cần thiết cho thai nhi. Riêng canxi trong cam giúp cho hệ xương và răng của thai nhi chắc khoẻ, phòng ngừa loãng xương trong thai kỳ. Mẹ bầu nên uống cam nhiều hơn để cơ thể không bị mất nước. Tuy nhiên, không nên uống cam  vào buổi tối. Hạn chế uống cam khi quá no hoặc quá đói. Những mẹ bầu có vấn đề về dạ dày uống nước cam sẽ khiến tình trạng bệnh nặng hơn.


6/ Nước ép rau củ


Một ly nước ép rau củ vào những lúc cơ thể cạn năng lượng quả là một gợi ý tuyệt vời cho mẹ bầu để tránh mất nước. Mẹ có thể dùng nước ép các loại như:  nước ép cà rốt, nước ép cà chua, nước ép củ dền, nước ép bắp cải... Hầu hết các loại nước ép rau củ đều cung cấp dồi dào các vitamin C, E, A..., các khoáng chất cần thiết giúp ngăn ngừa tình trạng táo bón, ốm nghén và làm giảm nguy cơ mắc các bệnh cảm cúm, nhiễm trùng.




7/ Sinh tố


Để tránh tình trạng mất nước cũng như tăng cường sức đề kháng, bổ sung vitamin và khoáng chất cho cơ thể, mẹ bầu đừng quên món sinh tố mát lạnh ngon tuyệt. Mẹ có thể làm các món sinh tố như: sinh tố bơ, sinh tố chuối, sinh tố dâu tây, sinh tố thanh long, sinh tố xoài, sinh tố dưa gang, sinh tố mãng cầu, sinh tố hồng xiêm...


Không chỉ làm sinh tố từ từng loại trái cây, mẹ bầu cũng có thể kết hợp các loại trái cây với nhau để cho ra những món sinh tố hỗn hợp nhiều dưỡng chất đồng thời là món 


đồ uống tránh mất nước cho mẹ bầu vào những ngày cơ thể mệt mỏi.


8/ Sữa


Sữa là nguồn thực phẩm dinh dưỡng không thể thiếu đối với mẹ bầu. Sữa cung cấp lượng canxi cần thiết cho hệ xương và răng của bé. Sữa cũng giàu vitamin D, các khoáng chất như sắt, kẽm, magie. Ngoài ra, lượng DHA, axit folic trong sữa còn giúp ngăn ngừa dị tật thai nhi và giúp phát triển trí não, bé sinh ra thông minh cao lớn. Để tránh mất nước trong ngày nắng nóng, mẹ bầu có thể uống sữa. Nếu cảm thấy vị của sữa bầu khó nuốt, mẹ có thể thay thế bằng sữa tươi tiệt trùng. Thỉnh thoảng mẹ nên đổi món với các loại sữa hạt như sữa đậu nành, sữa ngô, sữa đậu đỏ… vì chúng đều là những loại sữa thay thế rất tốt cho sức khỏe của mẹ và thai nhi trong thai kỳ.




9/ Nước lọc


Không chỉ riêng bà bầu, nước lọc còn rất tốt với  tất cả mọi người. Nước giúp cơ thể săn chắc và khỏe mạnh, nước giúp làm giảm mệt mỏi, cải thiện tâm trạng, ngăn ngừa táo bón, đột quỵ, tụt huyết áp, đau tim… Nước còn giúp loại bỏ các độc tố ra khỏi cơ thể. Với phụ nữ mang thai, nhu cầu về nước tăng lên. Mẹ hãy luôn luôn mang theo nước bên người, tránh để cơ thể rơi vào tình trạng mất nước, gây xây xẩm, chóng mặt thậm chí ngất xỉu, sẽ không tốt cho sức khỏe của cả mẹ và con.