Khoảnh khắc con chào đời đôi khi chẳng thiêng liêng xúc động nghẹn ngào như mẹ nghĩ, bởi mẹ lúc ấy đang không biết giấu mặt vào đâu, chỉ ước giá như trong bệnh viện có cái lỗ để nhảy xuống, chỉ bởi những điều khó nói.



Hôm qua em vừa đến thăm bạn em vừa sinh con được hơn tuần các mẹ ạ. Nó ngồi phòng khách tươi phơi phới vắt sữa trong khi thằng con đang say ngủ, em nhìn thấy mà hết hồn, bảo nhà ở chung cư nhưng mở cửa, dưới đường ngó lên là thấy hết, sao không kín đáo 1 chút. Bạn em bảo "Đẻ xong đứt cái dây thần kinh xấu hổ luôn rồi, kín đáo gì nữa? Tớ lên lên bàn đẻ mà cảm giác mình như con lợn sắp bị thọc huyết tới nơi ấy. Lúc mổ con ra đưa tới ôm mặt tớ, tớ chỉ trông họ khâu chỉ cho nhanh rồi cho mình mặc đồ vào, chẳng cảm thấy cái chi chi nghẹn ngào giây phút mẹ gặp con. Sau này chẳng dám kể cho con nghe đâu, sợ nó tủi thân".



Nhiều người nói tới cơn đau chuyển dạ trên bàn đẻ, cảm giác hạnh phúc vỡ òa khi gặp con, nhưng có lẽ ít ai nhắc đến những điều chỉ muốn quên đi mà mẹ nào cũng phải trải qua, đúng không các mẹ?



1. Khâu tầng sinh môn


Đa số các thai phụ khi sinh thường, nhất là sinh con so đầu lòng, thường được các bác sĩ chỉ định thực hiện thủ thuật rạch tầng sinh môn. Mục đích của thủ thuật này là để mở rộng âm đạo và âm hộ, giúp cho thai nhi ra ngoài dễ dàng hơn, đồng thời còn giúp phòng ngừa việc rách tầng sinh môn, gây mất thẩm mỹ sau này.



Việc này có vui không á? Đương nhiên là không rồi, vết khâu ở bất kỳ nơi nào trên cơ thể cũng khiến người ta khó chịu, nói gì là vết rạch tầng sinh môn. Chẳng ai muốn kể chuyện nằm chờ bác sĩ khâu tầng sinh môn cho người khác nghe đâu.



2. Chửi thề


Dĩ nhiên không phải bác sĩ làm điều này, mà chính là các mẹ bầu. Chửi thề giống như một ngôn ngữ phổ quát. Bất kể sản phụ đang ở quốc gia nào, mọi người đều hiểu khi bạn chửi rủa. Khi cơn đau lên đến đỉnh điểm, một phụ nữ đoan chính cũng có thể thốt ra những lời lẽ khủng khiếp nhất. Tất cả những phản ứng này đều rất phổ biến và chúng chỉ đơn giản là sự phản ứng của cơ thể bạn với sự đau đớn và kiệt sức. Ngoài ra, các phản ứng bất thường này cũng có thể là nguyên nhân của việc thay đổi hormone, bởi quá trình chuyển dạ gây ra sự thay đổi lớn về mức độ estrogen và progesterone. Để chống lại hành vi thái quá này, mẹ bầu hãy chuẩn bị tinh thần thật kỹ càng. Nghiên cứu cho thấy các mẹ bầu bình tĩnh hơn trong quá trình sinh con thường ít chửi bậy hơn.



3. Són ra... phân


Đây là một vấn đề nhiều mẹ giấu kín, chỉ mình ta biết với ta (và dĩ nhiên cả ê kíp đỡ đẻ, nhưng yên tâm đi, họ chẳng nhớ mặt đâu). Đây là điều không mẹ nào muốn nói đến vì kể ra ai lại làm chuyện xấu hổ như thế chứ. Tuy nhiên, việc này thật ra cũng chẳng có gì muối mặt đâu các mẹ, vì nó là lời khen cho khả năng.... rặn của các mẹ.



4. Thăm khám cổ tử cung


Khái niệm nở 5 phân, 10 phân chắc có lẽ chẳng lạ lẫm gì trong các lớp học tiền sản, nhưng khi đối mặt thì chẳng dễ chịu chút nào. Trước khi mẹ sinh, bác sĩ sẽ liên tục cho ngón tay của mình vào kiểm tra cổ tử cung của mẹ. Họ làm vậy để đảm bảo tử cung đã mở đủ phân, không có bất trắc xảy đến với mẹ. Ngoài ra, bác sĩ cũng cần phải thăm khám để biết chính xác vị trí thai nhi, giúp mẹ có ca sinh nở dễ dàng hơn khi vào phòng sinh. Đây là tất cả những bước kiểm tra cần thiết nhất của y tế nhưng nhiều mẹ cảm thấy không thoải mái vì tâm lí ngượng ngùng xấu hổ.




(Ảnh Health)



5. Xì hơi


Nhiều người cho rằng việc xì hơi là bất lịch sự, thiếu sạch sẽ, nhưng ai kiểm soát được việc đó khi bạn đang ở trên bàn sinh chứ. Nhiều mẹ không dám kể lại "sự cố" tế nhị đáng xấu hổ này, nhưng đi sinh ai cũng sẽ phải gặp phải thôi, có chi mà ngại.



6. Khỏa thân trước mặt nhiều người


Lúc vào phòng chuẩn bị, y tá sẽ yêu cầu sản phụ cởi hết quần áo ra nếu là ca sinh mổ, kể cả quần áo lót. Dù nghe rõ ràng là vậy nhưng một số sản phụ lần đầu sinh vẫn còn không tin vì không ai nói với họ về điều này hết. Thực tế, các mẹ sinh mổ sẽ phải khỏa thân đúng nghĩa, để tiện cho tư thế trên bàn sinh và việc sát khuẩn. Cảm giác nằm trống không trên giường với bao cặp mắt dòm ngó sẽ khiến cho mẹ cảm thấy rất lúng túng, xấu hổ nhưng không có gì bất thường ở đây cả.



7. Buồn nôn


Buồn nôn cũng là dấu hiệu thường thấy khi cơ thể bắt đầu chuyển dạ, đây cũng là một tín hiệu rất tự nhiên. Trên phim truyền hình, phụ nữ sinh con chỉ thấy ra nhiều mồ hôi đau đớn và la hét, tuy nhiên trên thực tế, nhiều chị em còn nôn ngay trong quá trình sinh.




(Ảnh Health)



8.Máu


Không người mẹ nào muốn thảo luận về lượng máu mình đã mất trong cơn chuyển dạ. Tất cả mọi người đều biết trong phòng sinh có rất nhiều máu, cho tới khi tận mắt chứng kiến, có khi cả thau máu. Thật sự là vậy đó các mẹ. Từ 6 đến 8 tuần sau sinh, lượng máu sẽ tiếp tục rỉ rả cho tới khi hết hoàn toàn. Nhưng rồi tất cả đều sẽ ổn, có điều chẳng mẹ nào muốn nói về điều đó.



9. Âm đạo giãn nở


Kích cỡ chiều dài trung bình của âm đạo phụ nữ là 8cm, khi bị kích thích có thể sâu tới 11cm. Độ rộng trung bình của âm đạo phụ nữ theo từng giai đoạn có khác nhau, phụ nữ khi chưa quan hệ tình dục thường nhỏ hơn 1,5cm. Khi sinh nở có thể giãn tới 10cm và thông thường là 2,3cm. Trong thực tế, khi mang bầu, do tác động của oestrogen mà tử cung của người phụ nữ tăng trọng lượng nhanh chóng, âm đạo có thể giãn nở tới 200% so với kích thước ban đầu, đủ chỗ cho một tinh trùng tí hon phát triển thành một thai nhi hoàn thiện và chui qua để ra khỏi bụng mẹ. Sau đó, âm đạo lại có thể trở về gần như kích thước ban đầu. Tưởng tượng có 1 quả dưa hấu sẽ chui ra từ khu vực có kích thước bình thường chỉ bằng ... trái chanh, ai lại muốn kể ra điều đó chứ?



10. Kim tiêm


Rất nhiều người không thích kim tiêm, đây là một sự thật. Nhiều người thậm chí run rẩy đến ngất xỉu khi nhìn thấy kim, nhưng làm mẹ là 1 quá trình rất khác, đặc biệt khi gây tê màng cứng để giảm đau.Một người mẹ có thể không muốn kể về vấn đề này, đơn giản là sợ.



11. Các ông bố thật sự vô dụng?


Hình ảnh những ông chồng theo vợ vào phòng sinh thật đẹp đẽ: cái nắm tay âu yếm, nụ hôn chia sẻ cơn đau, những lời động viên yêu thương... Thực tế đôi khi không phải lúc nào cũng màu hồng, có người sẽ nhăn mặt khi vợ són phân, có người mặt mày xanh tái, thậm chí là ngất xỉu. Tốt nhất là nếu các ông bố bà mẹ muốn kể về sự kiện này thì họ sẽ tư chia sẻ, chứ đừng bao giờ hỏi họ



12.Vỡ ối


Không giống như khi chúng ta đi tiểu tiện, cơ thể hoàn toàn có thể điều chỉnh cơ thể cho tới khi chúng ta đi vào nhà vệ sinh, vỡ nước ối có thể diễn ra vào bất cứ thời điểm nào, tại bất cứ đâu mà các mẹ bầu không thể xác định được. Rất nhiều phụ nữ không muốn chia sẻ khoảnh khắc khi này vì nó vô cùng xấu hổ.



13. Có xu hướng bạo lực


Mặc dù không phổ biến, nhưng có một số phụ nữ có thể hơi bạo lực khi sinh con. Mức độ đau đớn cùng cực có thể khiến một người phụ nữ làm những điều điên rồ. Đôi khi, nó có thể khiến cô ấy đấm vào mặt chồng, hoặc thậm chí đá vào người bác sĩ, y tá. Người mẹ sẽ không kể ai nghe về điều này vì thật sự chẳng ai muốn trông mình hung dữ trong mắt người khác.


Khi vào phòng sinh, cả mẹ và bác sĩ đều mong muốn sao cho em bé ra đời một cách an toàn và hạnh phúc nhất. Do đó, hãy cứ bơ đi các mẹ nhé! Nghĩ đến con và chỉ nhiêu đó thôi!



Link: https://www.whattoexpect.com/pregnancy/labor-and-delivery/unexpected-moments-birth/