Nuôi dạy con cần cẩn thận, chỉ một phút vô ý, sơ sẩy cũng có thể ảnh hưởng đến tính cách của con.

Yêu thương là đúng nhưng nếu cha mẹ thể hiện sai cách, tùy tiện dùng phán đoán và cảm xúc của mình để áp đặt lên con cái sẽ khiến con nảy sinh những tính khí không tốt. 12 lỗi vô ý ảnh hưởng đến sự hình thành nhân cách con, cha mẹ phải nhớ để tránh lặp lại.

Ép con phải làm cha mẹ vui lòng

Điều này nên tránh vì nó có thể khiến con cảm thấy rằng bản thân phải luôn làm hài lòng người khác. Con cảm thấy mình mất đi tiếng nói riêng của bản thân, chỉ biết làm theo ý người khác. Cha mẹ vô ý bắt con làm vui lòng có thể khiến sau này khi lớn lên con cảm thấy mình vô dụng, kém cỏi khi không làm hài lòng người khác, cảm thấy bất an khi người khác bỏ mặc con.

hình ảnh

Ảnh: brightside

Bắt con chịu trách nhiệm với cảm xúc của cha mẹ

Điều này có thể khiến con luôn nhận thiệt thòi, nhận hết lỗi về phần mình mỗi khi người khác không vui. Ví dụ lúc nhỏ mỗi lần con không nghe lời, cha mẹ liền bảo “con làm cha mẹ thấy buồn lòng quá”, từ đó trẻ dần mặc định mỗi khi tâm trạng người khác không tốt chắc chắn bản thân phải chịu trách nhiệm.

Phàn nàn với con về cuộc sống không như ý của cha mẹ

Đứa trẻ cần có cảm giác an toàn và bình yên khi ở bên cha mẹ chứ không phải suốt ngày phải nghe cha mẹ phàn nàn về những bất mãn trong cuộc sống. Đừng để những phiền muộn của người lớn khiến trẻ nhận thức thế giới lệch lạc, cảm thấy bên ngoài xã hội thật đáng sợ.

Bắt con kìm nén mong muốn

Một khi đứa trẻ bị ép buộc bỏ đi những ước mơ, mong muốn của bản thân chỉ vì cha mẹ bác bỏ sẽ khiến con trở thành đứa trẻ tự ti, trầm uất. Con lớn lên có thể trở thành nhân tài, tự tin chứng tỏ bản thân hay biến thành người khom lưng uốn gối đều do cách cha mẹ dạy dỗ con lúc nhỏ.

Làm cha mẹ "trực thăng"

Kiểm soát mọi thứ của con, tưởng rằng đang giữ an toàn cho con nhưng thực chất là nhốt con vào lồng, không cho con không gian riêng để phát triển nhân cách. Việc suốt ngày sống trong sự bao bọc chở che của cha mẹ sẽ khiến con biến thành đứa trẻ hay lo lắng, sợ hãi, thiếu kỹ năng sống và giải quyết khó khăn.

hình ảnh

Ảnh: brightside

Bỏ qua những cuộc trò chuyện nghiêm túc

Cha mẹ nói và con cái phải nghe, phải làm theo, đó không được xem là trò chuyện. Cha mẹ cần nghiêm túc lắng nghe những câu chuyện từ con, nghe những thắc mắc của con và trả lời con, đây là sự tôn trọng dành cho con cái. Nếu cha mẹ không cho con cái cơ hội trò chuyện, đến lớn, con sẽ gặp trở ngại trong giao tiếp.

Bắt con kết bạn với người mà cha mẹ muốn

Bằng việc “phân loại” bạn bè của con, cho con chơi với người này, cấm con chơi với bạn kia sẽ dễ khiến trẻ nảy sinh tâm lý ức chế, nổi loạn. Khi lớn lên con sẽ gặp khó khăn trong việc kết bạn và thường dễ bị ảnh hưởng bởi ý kiến của mọi người xung quanh.

Ở cạnh con 24/7

Nhiều cha mẹ bị lên án vì không dành thời gian cho con tuy nhiên dành quá nhiều thời gian, suốt ngày kè kè bên con cũng có vấn đề. Tính độc lập đối với con trẻ cũng rất quan trọng. Cha mẹ nên dành những khoảng thời gian nhất định trong ngày cho con được ở riêng làm điều mình thích.

hình ảnh

Ảnh: brightside

So sánh con với những đứa trẻ khác

Điều này có thể khiến con tự ti và có ý tưởng về chủ nghĩa hoàn hảo, cho rằng bản thân luôn thiếu sót, kém cỏi.

Thay đổi trường học liên tục

Sự bất ổn có thể khó khăn đối với con, đặc biệt nếu chúng trải qua những thay đổi lớn khi còn nhỏ. Việc liên tục thay đổi trường lớp, bạn học khiến con thiếu cảm giác gắn bó, ổn định và an toàn. Điều này có thể ảnh hưởng đến con, khiến chúng khó có những gắn bó tốt đẹp, lành mạnh với mọi người sau này khi lớn lên.

Không tin tưởng con

Tin một đứa trẻ khác thay vì con của mình và không cho con có không gian để được tự thực hiện ý tưởng có thể khiến lòng tin giữa cha mẹ và con cái rạn nứt. Loại hành vi này có thể khiến con nổi loạn và làm những điều quá khích, bắt nguồn từ sự thất vọng vì không được cha mẹ tin tưởng.

Kỳ vọng và sợ con thất bại

Một trong những điều vô ý cha mẹ làm có thể ảnh hưởng nhân cách của con đó chính là đặt kỳ vọng nhưng lại luôn sợ con sẽ không thể thực hiện. Kiểu tâm lý mâu thuẫn này của cha mẹ có thể khiến con cái hoang mang, mất định hướng. Tâm trạng của con luôn ở trong tình trạng căng thẳng, sợ phụ kỳ vọng của cha mẹ, sợ thất bại, điều này sẽ khiến con sống mệt mỏi, nặng hơn có thể gặp vấn đề tâm lý.