“Bác sĩ ơi, bụng tôi và thậm chí cả đùi, mông, bắp tay, đều chi chít những vết rạn trông thật kinh khủng, khi sờ vào có cảm giác sần sần. Điều này lại càng tệ hơn sau khi tôi sinh cháu thứ hai. Những lúc riêng tư, tôi thậm chí còn không dám để chồng nhìn, thỉnh thoảng anh đùa tôi là “mẹ xề”, cảm giác thật tủi thân!”


Khi một cô gái làm mẹ, cuộc sống của cô ấy bị đảo lộn tất cả: công việc – ăn ngủ - quần áo không kể, cái thực sự làm họ đau lòng là sự xuống cấp trầm trọng của cơ thể và vóc dáng. Ngực bưởi năm roi nay đã thành “bưởi lai mướp”, mỡ thừa từng ngấn bự, mông đùi to như cột nhà lại vằn vện những rạn là rạn.


Rạn da là một vấn đề rất phổ biến trong dân số nói chung, chứ không chỉ ảnh hưởng đến phụ nữ mang thai. Các vết rạn xuất hiện khi da và mô dưới da phải chịu một lực kéo dãn liên tục, kèm theo sự suy giảm của các sợi elastin và collagen của da. Có thể dễ dàng tìm thấy các vết rạn này ở bụng và đùi của phụ nữ mang thai, ở thanh thiếu niên trải qua giai đoạn dậy thì, và ở những người thừa cân, hoặc lạm dụng steroids (uống hoặc bôi). Người ta ước tính rằng rạn da có ở 90% phụ nữ đang/đã từng mang thai, 70% nữ vị thành niên và 40% nam thanh niên.Trong số đó, người béo phì có tỉ lệ rạn da là 43%.





Khi một người phụ nữ mang thai, thông thường, các vết rạn da bắt đầu xuất hiện từ tháng thứ 4,5,6 thai kỳ, lúc dấu hiệu nôn nghén đã qua, và cân nặng tăng nhanh theo chế độ bồi dưỡng (với tâm lý ăn bù lại lúc nghén) của chị em. Khi mới bắt đầu, da dường như mỏng đi, ngứa, xuất hiện các vết rạn có màu tím hoặc hơi đỏ hồng. Dần dần, các vết rạn trở nên dài hơn, rộng hơn, và sâu hơn. Và rồi khi thời gian trôi qua, trong khi có khá nhiều chị em may mắn có làn da đàn hồi tốt, các vết rạn dần có màu trắng xám, rồi âm thầm mờ dần, mờ dần (nhưng không hết hẳn), thì một số ít lại hết sức đau khổ vì chúng không những không giảm tí ti nào, mà gần như sậm màu hơn. Rạn da tuy không ảnh hưởng đến sức khỏe, nhưng gây ra những gánh nặng về mặt tâm lý, mặc cảm và tự ti cho người phụ nữ.


Cứ theo thực tế mà nói, khi mang thai, có chị lúc nào cũng kè kè thoa kem liên tục, khi bụng to rồi mà vẫn không rạn, nghĩ là đã thoát. Vậy mà đến tháng thứ 7, 8 da cũng rạn te tua. Còn có người chẳng thoa gì lại chẳng bị rạn. Đa số các nhà chuyên môn đồng thuận rằng: nguyên nhân chính của rạn da là di truyền, độ đàn hồi của da và mức độ dưỡng ẩm của bạn, các nguyên nhân khác như: chế độ ăn, thể dục…v…v…chỉ là nguyên nhân phụ.





Bài viết này, không dành cho những ai tìm kiếm việc một phép màu, không giúp bạn tẩu tán 100% các vết rạn khỏi cơ thể, cũng không thể đem lại cho bạn làn da như khi còn thiếu nữ. Vì trong thực tế điều trị hiện nay, ngay cả với những tiến bộ đáng kể của ngành da liễu về thuốc bôi cũng như các thiết bị laser ánh sáng, thì cam kết 100% hiệu quả cho khách là một mục tiêu không thể đạt được. Bài viết này chỉ đem lại cho bạn một cơ hội: làm sao để ngăn ngừa, và xóa mờ vết rạn (được từng nào hay từng ấy).


Cùng khám phá nhé!


Trước hết, bác sĩ có hai tin cho chị em: một tin vui, và một tin xấu…


Tin vui là: các nghiên cứu y khoa đã cho thấy,việc ngăn chặn độ sâu và mức độ nghiêm trọng của vết rạn da khi mang thai là hoàn toàn có thể. Còn tin xấu là, thật quá sức xui xẻo, khi không có sản phẩm nào có thể ngăn ngừa hoặc điều trị các vết rạn đáng ghét này 100% ("Phòng ngừa rạn da trong thai kỳ với thuốc thoa tại chỗ. Một thử nghiệm mù đôi" đăng trên Tạp chí Khoa học Thẩm Mỹ Quốc tế - International Journal of Cosmetic Science, 1991). Mức độ thành công sẽ phụ thuộc vào đặc điểm riêng của làn da mỗi người, tuổi tác, và chế độ ăn uống của bạn



NHỮNG ĐIỀU BẠN CÓ THỂ LÀM


1. Để phòng ngừa:


Chị em cần chú ý:


- Theo dõi cân nặng để tránh tăng cân quá nhanh và quá nhiều


- Ăn nhiều rau quả tươi (cả trước, trong, và sau khi sinh, để cung cấp các vitamin thiết yếu cho da, nuôi dưỡng làn da đẹp từ bên trong) + uống đủ 2 – 3 lít nước mỗi ngày.


- Tập thể dục thể thao phù hợp với bà bầu, tập đều đặn, để tăng lượng máu đến da giúp da đàn hồi tốt.



2. Dưỡng ẩm:


“Nếu em bôi lotion, kem, hay các sản phẩm dưỡng ẩm, thì có thể ngừa và cải thiện được vết rạn da, đúng không ạ?”


Khi mang thai bạn nên dưỡng ẩm để giúp da mềm mại và tăng độ đàn hồi cho da, nhờ đó giảm bớt một phần tác hại của rạn da khi mang thai. Tuy nhiên, bác sĩ nhấn mạnh là những sản phẩm này không có tác dụng ngăn ngừa rạn da, thực tế không có sản phẩm nào trên thị trường có thể ngăn ngừa được rạn da, nhưng chúng ta vẫn có thể cải thiện các vết rạn này. Thay vì sử dụng sản dưỡng ẩm thông thường, chị em nên sử dụng sản phẩm chuyên cho rạn da, vừa dưỡng ẩm tốt, vừa cải thiện các vết rạn mới hình thành.


Bạn biết đấy, vài vụ kiện tụng đã xảy ra vì hiệu quả trị rạn của kem không như quảng cáo. Khách hàng cảm thấy như bị lừa, khi sử dụng kem rất thường xuyên, hàng chính hãng đàng hoàng, mà da vẫn nứt ra những đường xấu xí. Bác sĩ nhắc lại một điều đã nói ngay từ đầu bài: đó là cho đến bây giờ, không có sản phẩm nào được chứng minh đem lại hiệu quả 100%, chỉ có tác dụng ít hay nhiều tùy thuộc vào tình trạng và sản phẩm bạn đang sử dụng.


Các nghiên cứu còn chỉ ra rằng: trong khi hiệu quả điều trị rạn da ở tuổi dậy thì và các vết rạn còn mới đem lại kết quả rất tốt, thì các vết rạn da cũ (là các vết rạn có màu trắng hoặc xám) do thai kỳ/rạn da ở chị em sinh nở 2-3 lần, hiệu quả thường là rất kém hoặc có khi không hiệu quả gì. Vì lý do đó, rất nhiều người đã bỏ ra nhiều thật nhiều tiền và công sức để thử các sản phẩm, mà kết quả thu lại chỉ là một con số 0 tròn trĩnh.


Thời điểm tốt nhất để bắt đầu sử dụng kem: ngay khi các vết rạn vừa mới hình thành, có màu hơi hồng hoặc đỏ. Bạn càng chần chừ trì hoãn điều trị, khả năng cải thiện các vết rạn càng khó và kém hiệu quả bấy nhiêu.



3. Vài loại kem bôi cải thiện rạn da hiệu quả tốt:


“Bác sĩ ơi, em có đứa em gái tuy mới mang thai tháng thứ 2 mà đã bị rạn da đùi. Những vết rạn đó màu đỏ sẫm, thỉnh thoảng lại xuất hiện thêm nên nhìn trông rất xấu. Em biết các vết rạn không thể chữa dứt điểm, chỉ bôi thuốc vào cho đỡ thôi nhưng em lại không biết mua loại nào để bôi cho hiệu quả và an toàn nhất”


Với một trường hợp rạn da không do thai kỳ, một sản phẩm trị rạn da chứa tretinoin có thể là cứu cánh cho em gái bạn đó! Bằng cách sử dụng tretinoin 0,1% (Avita, Retin-A, Atralin, Renova) hàng ngày trong 8 tuần. Tretinoin đã được chứng minh là có lợi trong tu sửa lại những vết rạn, cải thiện kết cấu bề mặt da, làm mịn hơn vùng da rạn, nhăn, và thô, tiếp tục duy trì để có được hiệu quả tốt nhất sau 3-6 tháng điều trị. Việc sử dụng retinoids khác như adapalene và tazarotene cũng có chút hứa hẹn trong việc điều trị rạn. Nhưng vì em gái này đang có thai, nên Tretinoin không sử dụng cho phụ nữ mang thai và cả khi cho con bú.



CÁC HOẠT CHẤT CẦN THIẾT CỦA MỘT SẢN PHẨM RẠN DA TỐT:


1. Aloe Vera: bao gồm chủ yếu là nước và polysaccharides (pectin, hemicelluloses, các dẫn xuất Glucomannan, acemannan, và mannose), được đánh giá cao trong ngành mỹ phẩm, đặc biệt hiệu quả trong việc làm lành vết thương, đồng thời, được sử dụng rộng rãi như là một trong những chất dưỡng ẩm tự nhiên tốt nhất!





2. Tinh chất rau má (centella asiatica, hay gotu kola): theo khuyến cáo hiện nay của Medscape, cũng đã được sử dụng như một chất kỳ diệu, giúp ngăn ngừa và điều trị rạn da hiệu quả mà vô cùng an toàn cho thai kỳ.




Một loại kem rạn da của Pháp có chứa chiết xuất rau má, bơ hạt mỡ và dầu hạnh nhân.


3. Vitamin C: Vitamin C thoa cũng có công dụng kích thích gia tăng sản xuất collagen, để có kết quả tối ưu trong điều trị cần kết hợp với glycolic acid. Vitamin C dưới dạng thuốc bổ cũng có hiệu quả điều trị, nên dùng 500 mg, 2 lần mỗi ngày


4. Glycolic acid: là một acid tự nhiên được tìm thấy trong trái cây. Glycolic acid cũng giúp trong việc sản xuất collagen, làm cho da căng hơn, tươi trẻ và ít chảy xệ. Tuy nhiên nồng độ cao chất này này có thể gây kích ứng và phỏng da, đặc biệt với da nhạy cảm.


5. Palmitoyl Pentapeptide-3 và Palmitoyl oligopeptide: khi peptide thấm sâu vào da, nó đốc thúc làn da tăng sản xuất collagen, làm giảm vết rạn và săn chắc da, trông trẻ hơn.


6. Retinyl Palmitate: trực tiếp ảnh hưởng lên da và khuyến khích tái tạo của da làm da tươi trẻ hơn. Tuy nhiên, chất này dễ gây kích ứng da, và không sử dụng cho phụ nữ có thai và cho con bú


7. Shea Butter (bơ hạt mỡ): là một loại dầu được làm từ hạt của cây Karite Nut vùng Tây và Trung Phi.. Nó là một chất làm mềm cực kỳ tốt, giúp hồi phục vùng da nứt nẻ, và lão hóa.





7. Cocoa butter (bơ cacao):
Một thành phần của hạt cacao, bơ cacao là một chất làm mềm đã được sử dụng hàng trăm năm nay để dưỡng ẩm cho làn da.


8. Vitamin E, và collagen elastin hydrolysate: trong một thử nghiệm ngẫu nhiên cho thấy, các thành phần này ngăn chặn sự phát triển của rạn da, nhưng vẫn cần nghiên cứu thêm.


9. Tinh dầu mầm lúa mạch ( Wheat germ oil ), dầu hạnh nhân và dầu dừa:có nghiên cứu cho rằng loại tinh dầu này có thể cải thiện những vết rạn da trong giai đoạn sớm, cần nghiên cứu thêm