Chia sẻ thông tin về điều trị bớt - chàm tăng sắc tố (xanh, nâu, đen)
ĐIỀU TRỊ BỚT TĂNG SẮC TỐ BẨM SINH
Trong quá trình mình làm việc có rất nhiều bạn hỏi mình về thông tin điều trị bớt tăng sắc tố, hôm nay mình sẽ chia sẻ một số thông tin cho các bạn nắm được
Bớt tăng sắc tố bẩm sinh là bớt sậm màu xuất hiện ngay lúc bé sinh ra. Chiếm tỉ lệ 1% trẻ sơ sinh. Một số trẻ lớn mới thấy thương tổn dạng này gọi là thể muộn 15%. Nguyên nhân có thể do đột biến gen xảy ra trong giai đoạn sớm của phôi thai. Được chia làm 3 loại : Tổn thương ở thượng bì gồm: nốt ruồi, dát cà phê sữa, tàn nhang, nám má thể thượng bì, hạt cơm da dầu, dày sừng do ánh nắng... Tổn thương ở trung bì gồm bớt xanh, bớt ota, bớt ito, xăm mình... Tổn thương tăng sắc tố hỗn hợp có cả ở trung bì và thượng bì như bớt becker, tăng sắc tố sau viêm, nám má thể trung bì.
Bớt thường có màu nâu sáng đến sậm đen, hơi gồ lên bề mặt, kích thước từ rất nhỏ cho đến khổng lồ bao phủ một phần cơ thể, đôi khi có lông trên bề mặt.
Bệnh không ảnh hưởng tới sức khỏe. Tuy nhiên cũng đã có trường hợp ung thư hắc tố xuất phát trên nền tổn thương của bớt sắc tố bẩm sinh. Điều ảnh hưởng nặng nề nhất là mặt thẩm mỹ, làm cho bệnh nhân thiếu tự tin, ảnh hưởng tới phát triển tâm lý cũng như công việc và các hoạt động xã hội.
Với sự phát triển của công nghệ Laser, đa số bớt sắc tố ở thời điểm hiện tại có thể điều trị hiệu quả từ 60-95% và không để lại sẹo , một số trường hợp bớt khồng lồ…cần có chỉ định phẫu thuât…
Một số bớt tăng sắc tố hay gặp
1. BỚT MÔNG CỔ (Mongolian Spot)
Bớt Mông Cổ là dát màu xanh xám vùng cùng cụt ở trẻ em khoẻ mạnh. Thường biểu hiện lúc sinh hoặc trong những tuần đầu tiên của cuộc đời và thường tự thoái lui trong vòng 4 năm đầu tiên nhưng cũng có thể tồn tại suốt đời.
2. BỚT BECKER (Becker nevus)
Vị trí: thường gặp ở vai, trên ngực và lưng.
Tổn thương ban đầu là dát màu nâu, không có triệu chứng cơ năng, thường khó phát hiện. Trong vài năm đầu, có thể dát phát triển ở vùng ngoại vi, có dát mới, liên kết với nhau thành tổn thương lớn hơn. Sau đó, tổn thương tăng sắc tố, mọc lông màu nâu tới màu đen ở trên dát và xung quanh dát, mật độ tóc thường thay đổi; không có hiện tượng tăng tiết mồ hôi. Vùng trung tâm của dát có thể dày và có tổn thương trứng cá.
3. BỚT OTA VÀ BỚT ITO (Nevus of Ota, Nevus of Ito)
Bệnh được cho là biến đổi bẩm sinh của tế bào hắc tố ở trung bì gây nên. Biểu hiện lâm sàng của bệnh là dát hoặc mảng dát màu xanh lam hoặc xám ở vùng mặt, xuất hiện bẩm sinh hoặc mắc phải tại vùng mắt hoặc vùng hàm trên tương ứng với phân chia của dây thần kinh sinh ba.
Sau khi khởi phát, bớt Ota phát triển to dần và màu đậm dần; ổn định ở giai đoạn người lớn. Màu sắc tùy từng người và môi trường như: công việc, kinh nguyệt, mất ngủ, thời tiết nóng hoặc lạnh. Bớt Ota: dát hoặc mảng màu xanh đến màu xám vị trí ở trán, thái dương, má, quanh mắt. Hầu hết bớt Ota ở một bên cơ thể (90%), khoảng 5-10% bị hai bên cơ thể. Ngoài biểu hiện da, bớt Ota còn có thể có biểu hiện tăng sắc tố ở niêm mạc miệng, ở mắt ().
Về mặt lâm sàng, bớt Ito giống bớt Ota chỉ khác vị trí.Bớt Ito là những dát màu xanh, xám hoặc nâu ở vai, cánh tay. Bớt Ito thường biểu hiện một bên.
Một số lời khuyên khi điều trị bớt tăng sắc tố
1.Bạn không nên xăm che phủ bớt vì màu xăm thường không thể giống màu da và khiến cho việc điều trị bằng laser sau này gặp nhiều khó khăn
2.Theo lời khuyên của những chuyên gia : điều trị bớt sắc tố nên được tiến hành điều trị càng sớm càng tốt để đạt hiệu quả cao nhất và hạn chế ảnh hưởng đến tâm lý.
3.Việc điều bớt tăng sắc tố cần kiên trì, không được nóng vội: liệu trình thường 3-4 tuần 1 lần, tuỳ mức độ nông sâu và diện tích bớt số lần giao động từ 8 đên hơn 10 lần
4.Sau khi điều trị nên tránh nắng, bôi kem dưỡng ẩm, hạn chế bội nhiễm để tránh làm tình trạng tăng sắc tố sau khi điều trị
5.Việc điều trị bớt sắc tố bằng laser cần được thực hiện bằng những bác sĩ chuyên khoa sâu về da, hiểu rõ tình trạng bớt để sử dụng bước sóng và năng lượng phù hợp, vì nếu điều trị sai cách có thể gây sẹo và làm cho tình trạng bớt sắc tố trở nên trầm trọng hơn…