Ai cũng muốn có một làn da mịn màng và khỏe mạnh. Tẩy da chết nằm trong số những cách tốt nhất để cải thiện tình trạng da ngay tại nhà. Những thông tin sau sẽ cung cấp cách tẩy tế bào chết an toàn và phù hợp với từng loại da.

1. Vai trò của tẩy tế bào chết

Tẩy tế bào chết là phương pháp loại bỏ các tế bào chết nằm ở lớp ngoài cùng của da. Tẩy tế bào chết mang lại rất nhiều lợi ích như: loại bỏ lớp da khô, xỉn màu, tăng độ ẩm, giúp da sáng mịn, tăng lưu thông máu, giúp da trở lên khỏe hơn.... Có nhiều phương pháp tẩy tế bào da chết khác nhau được xác định dựa vào tình trạng da. 

2. Tẩy tế bào chết ở da khô

Tẩy tế bào chết là việc rất quan trọng đối với da khô. Nhưng cần lưu ý tuyệt đối không sử dụng phương pháp cơ học để tẩy tế bào chết ở da khô vì dễ gây tổn thương da.

Sử dụng các sản phẩm thuộc nhóm alpha hydroxy acid và điển hình là acid glycolic có tác dụng tốt trong việc tẩy tế bào chết ở da khô. Ngoài ra, những sản phẩm này còn làm gia tăng sự tái tạo của tế bào, làm mờ các vết nhăn, tăng độ đàn hồi và độ ẩm cho da.

Hướng dẫn chăm sóc sau phẫu thuật căng da mặt bằng chỉ

3. Tẩy tế bào chết ở da dầu

Điểm mạnh của da dầu là có thể áp dụng hầu hết các phương pháp tẩy tế bào chết cơ học và hóa học.

Biện pháp cơ học:

  • Bàn chải tẩy tế bào chết: Là một loại bàn chải lông mềm dùng để loại bỏ các tế bào chết ở tất cả các vùng da trên cơ thể kể cả những vùng da nhạy cảm. Bạn nên thoa một lớp sữa rửa mặt hoặc sữa tắm lên da trước khi chải để tăng độ hiệu quả cho phương pháp.
  • Sử dụng miếng bọt biển để tẩy tế bào chết: Là phương pháp loại bỏ tế bào chết một cách nhẹ nhàng. Miếng bọt biển sẽ được ngâm trong nước ấm, xà phòng hoặc sữa tắm trước khi sử dụng nó để loại bỏ những phần tế bào trên trên cơ thể trong khi tắm.
  • Găng tay tẩy tế bào chết: Ngoài việc sử dụng bàn chải hoặc miếng bọt biển bạn cũng có thể sử dụng găng tay để loại bỏ tế bào chết. Tuy nhiên cần lưu ý rửa sạch găng tay bằng xà phòng trước khi tiến hành. Phương pháp này rất hiệu quả cho những vùng da rộng như chân hoặc cánh tay và hạn chế làm tổn thương da hơn so với 2 phương pháp trên.

    Biện pháp hóa học:

  • Alpha hydroxy acid: Là một nhóm acid tan trong nước có nguồn gốc từ trái cây. Một số alpha hydroxy acid phổ biến có thể kể đến là: Acid glycolic có nguồn gốc từ mía, acid lactic trong sữa, acid citric có trong cam, quýt, acid tartaric từ nho và acid malic có trong táo. Các loại acid này giúp tăng khả năng tái tạo của tế bào, giữ ẩm và tăng độ đàn hồi của da.
  • Beta hydroxy acid: Là nhóm acid tan trong dầu với đại diện là acid salicylic. Chúng đi sâu vào các nang lông làm khô dầu thừa và giúp loại bỏ các tế bào chết nên còn được sử dụng để điều trị mụn trứng cá và viêm da.
  • Retinoids: Là một nhóm thuốc nguồn gốc từ vitamin A bao gồm: Retinol, adapalene, alitretinoin.... Ngoài tác dụng loại bỏ tế bào chết chúng còn giúp bảo vệ da khỏi các yếu tố gây hại như ánh nắng mặt trời, vi khuẩn và thúc đẩy quá trình tổng hợp collagen.
  • retinoids

    Retinoids giúp tẩy da chết lành tính có nguồn gốc từ vitamin A

    4. Tẩy tế bào chết ở da hỗn hợp

    Da hỗn hợp là sự xen kẽ của những phần da khô và da dầu trên cơ thể. Việc tẩy tế bào chết ở da hỗn hợp khá phức tạp khi yêu cầu phải áp dụng những phương pháp khác nhau trên từng vùng da cụ thể. Ví dụ, có thể tẩy tế bào chết trên vùng da dầu bằng các biện pháp cơ học như bàn chải mềm hay miếng bọt biển nhưng lại chỉ có thể áp dụng các biện pháp hóa học trên những vùng da khô.

    Một điều cần lưu ý là không bao giờ được sử dụng cả 2 phương pháp tẩy da chết cho da dầu và da khô trong cùng một ngày vì sẽ gây kích ứng da. Bên cạnh đó sau khi tẩy da chết nên sử dụng kem dưỡng ẩm cho vùng da đó để tránh tình trạng khô da.

    5. Kết luận

    Tẩy tế bào chết là một trong những cách hiệu quả nhất giúp bạn sở hữu một làn da đẹp và khỏe mạnh. Tuy nhiên, cần có sự tư vấn của các bác sĩ da liễu để lựa chọn được những phương pháp tẩy tế bào da chết phù hợp với từng loại da, và để tăng cường hiệu quả cần đặc biệt lưu ý các trường hợp yêu cầu không được áp dụng các biện pháp tẩy tế bào chết.

    Nguồn tham khảo: healthline.com; aad.org;