Tháng 7 này là điểm mốc mà rất nhiều chính sách sẽ có hiệu lực. Phần lớn mọi người đều đã thực hiện việc xác thực sinh trắc học ở tài khoản ngân hàng rồi, còn một số chính sách quan trọng nữa cũng gắn liền với cuộc sống người dân mà ai cũng nên cập nhật nhé!

Thông tin này đã được đăng tải trên báo chính  thống rồi. Mình chia sẻ lại trong bài viết dưới đây cho mọi người cùng biết nhé!

Thứ nhất: Chuyển khoản trên 10 triệu phải xác thực sinh trắc học

Ngày 18/12/2023, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành Quyết định 2345/QĐ-NHNN triển khai giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng. Chính sách này có hiệu lực từ ngày 01/7/2024.

Theo đó, từ ngày 01/7/2024, chuyển khoản trên 10 triệu phải xác thực bằng khuôn mặt vân tay, cụ thể như sau:

- Nếu chuyển tiền dưới 10 triệu đồng và tổng số tiền chuyển các lần trong ngày không quá 20 triệu đồng thì xác thực bằng mã OTP, không cần xác thực bằng khuôn mặt, vân tay.

- Nếu chuyển tiền trên 10 triệu đồng thì bắt buộc phải xác thực bằng khuôn mặt, vân tay.

- Nếu chuyển tiền dưới 10 triệu đồng/lần nhưng tổng các giao dịch trong ngày đã chạm mốc 20 triệu thì đến lần chuyển tiếp theo trong ngày đó phải xác thực bằng khuôn mặt, vân tay, dù lần tiếp theo đó chỉ chuyển vài nghìn đồng.

hình ảnh

Nhiều quy định liên quan mật thiết đến đời sống người  dân đã có hiệu lực, ảnh: dSD

Thứ hai: Tăng 30% lương cơ sở, 15% lương hưu

Tại Nghị quyết Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV thông qua sáng 29/6, Quốc hội thống nhất thực hiện các nội dung cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 1/7.

Theo đó, Quốc hội đồng ý điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng (tăng 30%).

Quốc hội cũng đồng ý tăng 15% lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hiện hưởng. Người đang hưởng lương hưu trước năm 1995 nếu sau khi điều chỉnh mà có mức hưởng thấp hơn 3,2 triệu đồng mỗi tháng thì điều chỉnh tăng 300 nghìn đồng/tháng; người có mức hưởng từ 3,2 đến dưới 3,5 triệu đồng/tháng thì điều chỉnh để bằng 3,5 triệu đồng/tháng.

Ngoài ra, trợ cấp ưu đãi người có công theo mức chuẩn cũng tăng 35,7%, từ 2,055 triệu đồng lên 2,789 triệu đồng/tháng. Mức này giữ nguyên tương quan hiện hưởng các mức trợ cấp ưu đãi người có công so với mức chuẩn trợ cấp. Chuẩn trợ giúp xã hội tăng 38,9%, từ 360 nghìn lên 500 nghìn đồng/tháng; lương tối thiểu vùng tăng bình quân 6% áp dụng từ ngày 1/7.

hình ảnh

Trẻ em được cấp thẻ căn cước, ảnh: dsD

Thứ ba: Trẻ dưới 6 tuổi được cấp thẻ căn cước

Từ ngày 1/7, khi luật Căn cước 2023 có hiệu lực, Bộ Công an sẽ triển khai cấp thẻ căn cước thay vì thẻ căn cước công dân như trước. Một trong những điểm mới của luật Căn cước là sẽ cấp thẻ căn cước cho người trong độ tuổi từ 0 - dưới 6 tuổi.

Nếu theo luật Căn cước công dân (CCCD) trước đây thì công dân Việt Nam phải đủ từ 14 tuổi mới được cấp thẻ CCCD, nhưng với luật Căn cước có hiệu lực từ 1.7 tới, ngoài việc cấp thẻ căn cước (TCC) cho người từ đủ 14 tuổi trở lên thì công dân Việt Nam từ 0 - dưới 14 tuổi cũng được cấp TCC theo nhu cầu.

Bộ Công an quy định mẫu TCC riêng cho công dân VN từ 0 - dưới 6 tuổi (không có thông tin sinh trắc ảnh mặt trên thẻ) và một mẫu thẻ cho các trường hợp từ 6 tuổi trở lên (có ảnh khuôn mặt trên thẻ).

Trường hợp người từ đủ 6 tuổi trở lên thì cha, mẹ hoặc người giám hộ phải đưa trẻ đến cơ quan quản lý căn cước để thu nhận đặc điểm nhân dạng và thông tin sinh trắc học (hình ảnh gương mặt, vân tay và mống mắt) như người từ đủ 14 tuổi trở lên khi thực hiện thủ tục cấp TCC.

Thứ tư: Chồng không được ly hôn vợ khi đang mang thai

Ngày 16/5/2024, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật trong giải quyết vụ việc về hôn nhân và gia đình.

Theo đó, hướng dẫn một số nội dung về quyền yêu cầu giải quyết ly hôn quy định tại Khoản 3, Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 như sau:

- "Đang có thai" quy định tại Khoản 3 Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 là khoảng thời gian vợ mang trong mình bảo thai và được cơ sở y tế có thẩm quyền xác định cho đến thời điểm sinh con hoặc thời điểm đình chỉ thai nghén.

- "Sinh con" quy định tại Khoản 3 Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 là thuộc một trong các trường hợp sau đây:

+ Vợ đã sinh con nhưng không nuôi con trong khoảng thời gian từ khi sinh con đến khi con dưới 12 tháng tuổi;

+ Vợ đã sinh con nhưng con chết trong khoảng thời gian dưới 12 tháng tuổi kể từ khi sinh con;

+ Vợ có thai từ 22 tuần tuổi trở lên mà phải đình chỉ thai nghén.

- Chồng không có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn trong khoảng thời gian dưới 12 tháng tính từ ngày vợ sinh con hoặc ngày đình chỉ thai nghén.

- Trường hợp vợ đang có thai, sinh con thì chồng không có quyền yêu cầu ly hôn mà không phân biệt vợ có thai, sinh con với ai.

- Trường hợp vợ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì chồng không có quyền yêu cầu ly hôn mà không phân biệt con đẻ, con nuôi.

- Trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo thì việc xác định quyền yêu cầu giải quyết ly hôn của chồng như sau:

- Chồng của người mang thai hộ không có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi;

- Chồng của người nhờ mang thai hộ không có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hỗn khi vợ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi hoặc khi người mang thai hộ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 01/7/2024.