Tiệc tùng thiếu bia rượu thì đâu có vui, mình hay nghe mấy ông chồng bảo thế đó các mẹ.
>>> Đề xuất sửa Nghị định 100, giảm mức phạt nồng độ cồn 'giải cứu' ngành rượu bia: Các bà lại lo
Chị em phụ nữ mình ai chả ghét mấy ông chồng suốt ngày nhậu nhẹt, mà nói hoài hổng có nghe. Thôi để nhờ mấy anh cảnh sát giao thông làm dùm vậy.
Nay đọc tin này thấy vui hẳn, chia sẻ cho các mẹ nè. Theo nguồn tin từ trang Công an nhân dân, Bộ Công an vừa ký ban hành Kế hoạch tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm theo chuyên đề “Người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn”.
Ảnh: CSGT kiểm tra nồng độ cồn đối với lái xe. Nguồn: Công an nhân dân.
Được biết, Kế hoạch này bắt đầu áp dụng từ ngày mai 15/3/2021 đến hết ngày 31/12/2021 luôn nha. Cảnh sát giao thông (CSGT) sẽ tập trung các tuyến giao thông chính trong đô thị, các tuyến cao tốc, quốc lộ trọng điểm, các tuyến vận tải hành khách du lịch, hàng hóa, các tuyến thường xảy ra tai nạn giao thông. Đặc biệt, CSGT sẽ chú ý gần nơi xe xuất phát như bến xe, bến cảng, kho bãi, các khu vực quán bar, vũ trường, nhà hàng, quán ăn, khu vực phức tạp về an ninh trật tự, ma túy…
Trọng tâm của đợt tăng cường kiểm soát này là để chủ động phòng ngừa, phát hiện và ngăn chặn xử lý nghiêm hành vi vi phạm của người lái xe mà trong cơ thể có chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn và các hành vi vi phạm phác.
Đánh giá thời gian qua, việc xử lý tập trung các lỗi này, phần nào kiềm chế và giảm đáng kể tai nạn giao thông có nguyên nhân trực tiếp từ lỗi nồng độ cồn.
Các phương tiện được chú ý nhiều nhất là xe mô tô, xe gắn máy, và đến các loại xe ô tô.
Căn cứ Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ thì mức phạt đối với lỗi nồng độ cồn, sử dụng ma túy như sau:
#1. Đối với xe mô tô, xe gắn máy:
* Lỗi nồng độ cồn khi lái xe:
- Nếu trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn chưa vượt quá 50 mg/100 ml máu hoặc chưa vượt quá 0,25 mg/1 lít khí thở thì bị phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng và bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe (GPLX) từ 10 tháng đến 12 tháng.
- Nếu trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 mg/100 ml máu đến 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,25 mg/1 lít khí thở đến 0,4 mg/1 lít khí thở thì bị phạt tiền từ 4 triệu đồng đến 5 triệu đồng và bị tước quyền sử dụng GPLX từ 16 tháng đến 18 tháng.
- Nếu trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/1 lít khí thở hoặc không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn của người thi hành công vụ thì bị phạt tiền từ 6 triệu đồng đến 8 triệu đồng và bị tước quyền sử dụng GPLX từ 22 tháng đến 24 tháng.
* Lỗi sử dụng ma túy khi lái xe: Bị phạt tiền từ 6 triệu đồng đến 8 triệu đồng và bị tước quyền sử dụng GPLX từ 22 tháng đến 24 tháng.
#2. Đối với xe ô tô:
* Lỗi nồng độ cồn khi lái xe:
- Nếu trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn chưa vượt quá 50 mg/100 ml máu hoặc chưa vượt quá 0,25 mg/1 lít khí thở thì bị phạt tiền từ 6 triệu đồng đến 8 triệu đồng và bị tước quyền GPLX từ 10 tháng đến 12 tháng.
- Nếu trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 mg/100 ml máu đến 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,25 mg/1 lít khí thở đến 0,4 mg/1 lít khí thở thì bị phạt tiền từ 16 triệu đồng đến 18 triệu đồng và bị tước quyền sử dụng GPLX từ 16 tháng đến 18 tháng.
- Nếu trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/1 lít khí thở hoặc không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn của người thi hành công vụ thì bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng và bị tước quyền sử dụng GPLX từ 22 tháng đến 24 tháng.
* Lỗi sử dụng ma túy khi lái xe: Bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng và bị tước quyền sử dụng GPLX từ 22 tháng đến 24 tháng.
Đấy, tiền phạt không hề nhẹ, thêm nữa, nếu vì nguyên nhân này mà gây tai nạn giao thông nghiêm trọng như làm chết người, gây thương tích cho người khác với tỷ lệ thương tích từ 60% trở lên hoặc gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chứ đừng nói là phạt hành chính.
Bởi vậy, nếu đã uống rượu bia rồi thì thôi làm ơn đừng có lái xe, thay vào đó, gọi xe ôm chở về tận nhà. Thời buổi này thiếu gì dịch vụ, chỉ cần đảm bảo an toàn về tới nhà là được. Mẹ xem xong nhớ nhắc chồng nhe.