Thông tin về vụ việc 5 người trả giá 30 tỷ đồng/m2 đất ở Sóc Sơn đã gây rúng động dư luận trong thời gian qua. Hiện tại, những đối tượng liên quan đã bị tạm giữ, công an đang điều tra, thu thập thêm chứng cứ để khởi tố vụ án. Thông tin này đã được đăng tải trên báo chí chính thống rồi, mình chia sẻ lại chi tiết trong bài viết dưới đây cho mọi người cùng biết nhé!
Để trúng đấu giá các lô đất như ý muốn, Phạm Ngọc Tuấn bàn bạc với đồng phạm để "đẩy giá", khiến buổi đấu 36 lô đất không thành công.
Ngày 3/12, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội ra quyết định tạm giữ đối với Phạm Ngọc Tuấn (SN 1991, sống ở thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh), Ngô Văn Dương (SN 1994, xã Xuân Nộn, huyện Đông Anh), Nguyễn Đức Thành (SN 1992, khu Lãm Làng, phường Vân Dương, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh), Nguyễn Thế Trung (SN 1994, xã Xuân Nộn, huyện Đông Anh), Nguyễn Thế Quân (SN 1994, xã Xuân Nộn, huyện Đông Anh) về hành vi “Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản”.
Các đối tượng hiện đã bị tạm giữ, ảnh: DSD
Vào tháng 11/2024, Phạm Ngọc Tuấn biết thông tin về cuộc đấu giá quyền sử dụng đất ở tại dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật chỉnh trang, phát triển khu dân cư nông thôn (thôn Đông Lai, xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn) do UBND huyện Sóc Sơn tổ chức. Tuấn nhờ Ngô Văn Dương mua hồ sơ đấu giá do Công ty Thanh Xuân (đơn vị phối hợp tổ chức cuộc đấu giá) phát hành.
Để chắc chắn trúng đấu giá được các lô đất như ý muốn, Phạm Ngọc Tuấn thỏa thuận với Nguyễn Thị Quỳnh Liên (SN 1981, xã Nguyên Khê, huyện Đông Anh), Nguyễn Đức Thành, Nguyễn Thế Trung, Nguyễn Thế Quân và Ngô Văn Dương về việc cùng tham gia đấu giá và bàn bạc, thống nhất về việc nâng giá tại buổi đấu giá.
Nhóm người nâng giá 30 tỷ đồng / m2 trong đấu giá đất Sóc Sơn, ảnh: VTCN
Cụ thể, Tuấn đưa ra bảng giá tham khảo với từng lô đất do Tuấn tính toán, chuẩn bị từ trước. Theo bảng tính này, các lô đất có giá trị dao động trong khoảng từ 20 triệu đến 32 triệu đồng/m2, ước tính từ 1,7 tỷ đồng đến 3,9 tỷ đồng/lô.
Cả nhóm xác định đây là giá cao nhất có thể mua của từng lô và thỏa thuận. Nếu ở vòng thứ 4, người trả giá cao nhất vẫn ở dưới mức giá Tuấn ghi trong bảng tính thì nhóm Dương, Liên, Thành, Quân và Trung sẽ tham gia tiếp vòng thứ 5 và vòng thứ 6, nhưng không trả quá mức giá mà Tuấn đã thẩm định.
Nếu vòng thứ 4 có người trả vượt mức giá tối đa do Tuấn đưa ra, những người kia sẽ đưa ra mức giá cao bất thường tại vòng thứ 5, và bỏ đấu giá tại vòng cuối cùng (vòng thứ 6). Buổi đấu giá sẽ buộc phải dừng để đấu giá lại vào lần sau, do không đấu giá đủ 6 vòng theo quy chế. Khi đó, nhóm của Tuấn sẽ không mất tiền đặt cọc và có cơ hội tiếp tục tham gia đấu giá để mua được lô đất như mong muốn.
3 lô đất được trả lên tới trên 30 tỷ đồng/m2 (gấp 12.000 lần khởi điểm) tại phiên đấu giá đất huyện Sóc Sơn ngày 29/11. Ảnh: M.G.
Để thực hiện ý đồ, những người trong nhóm này chuyển khoản tiền cho Dương và Tuấn. Sau đó Tuấn chuyển tổng cộng 3,616 tỷ đồng cho Công ty Thanh Xuân để đặt cọc đấu giá mua đất.
Thực tế tại phiên đấu giá ngày 29/11, ban đầu những người này đấu giá theo trình tự giá đạt mức có thể mua. Tuy nhiên khi phát hiện giá đấu của 36/58 lô đất vượt mức tối đa đã bàn bạc từ trước, tại vòng đấu giá thứ 5, họ đưa ra mức giá rất cao, vượt xa giá khởi điểm. Thậm chí Phạm Ngọc Tuấn còn đưa ra mức giá trên 30 tỷ đồng/m2 (cao gấp khoảng 12.000 lần mức giá khởi điểm) dẫn đến việc 36 lô đất đấu giá không thành công.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội đang củng cố tài liệu, chứng cứ để khởi tố vụ án, khởi tố bị can để xử lý nghiêm vụ này.
Mời bà con đọc thêm thông tin: Trả giá cao 'cùng lắm là mất tiền cọc'
Về vấn đề đấu giá đất thời gian qua, vị chuyên gia đánh giá rất nhiều người tham gia đấu giá sẵn sàng trả giá cao bất chấp, chấp nhận mất khoản tiền đặt trước. Đó là bởi theo Điều 159 Luật Đất đai 2024, giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất tính theo bảng giá đất.
Trong khi đó, bảng giá đất của Hà Nội và nhiều địa phương hiện quá thấp nên kéo theo giá khởi điểm rất thấp, tiền đặt trước được tính bằng 20% giá khởi điểm cũng rất thấp, tạo ra sức hấp dẫn lớn để thu hút nhiều người tham gia. Điển hình như cuộc đấu giá ở huyện Sóc Sơn có giá khởi điểm chỉ 2-3 triệu đồng/m2.
Bàn tư vấn ngay bên ngoài khu vực tổ chức tại một cuộc đấu giá đất ở huyện Thanh Oai. Ảnh: P.T.
Ghi nhận tại các cuộc đấu giá gần đây, nhiều người sẵn sàng “thi đấu”, trả giá cao với tâm lý “cùng lắm là mất tiền đặt trước”, tạo ra những màn so kè trong trả giá. Thậm chí, xuất hiện nhóm người muốn phá cuộc đấu giá như tại cuộc đấu giá ở huyện Sóc Sơn.