Cho con đi học thời nay có khi tốn nhiều thứ tiền không nằm trong danh sách học phí ở trường lắm các mẹ.
>>> Làm sai 2 bài toán, bé gái 10 tuổi bị cô giáo đánh đến qua đời: Dạy có tâm đừng vì thành tích
Mình cứ thấy đầu năm học, phụ huynh đi họp về là ngao ngán vì nhiều thứ phí phải đóng. Có khoản dù mang tiếng là tự nguyện nhưng nó hàm ý như bắt buộc, ai làm trái, làm khác là y như rằng bị cả tập thể nhìn với ánh mắt dè bỉu, chưa kể con của người đấy đi học cũng không mấy yên bình.
Vậy đấy, sao bây giờ giáo dục người ta chỉ nghĩ tới đồng tiền, cái tâm của người dạy học ở đâu mất rồi. À, nãy giờ nói thế, mình không có ý vơ đũa cả nắm nhe. Tất nhiên vẫn có những gương thầy cô giáo yêu nghề, làm việc bằng cả cái tâm, mà không để ý nhiều đến khoản vật chất.
Mới đây, mình đọc trên trang Đời sống Pháp luật đưa tin về một cậu nam sinh 16 tuổi, đã tự vẫn vì bị cô giáo chủ nhiệm xúc phạm do không chịu đi học thêm. Cái chết của cậu được dư luận đặc biệt quan tâm, đến nỗi cảnh sát phải vào cuộc điều tra và làm rõ.
Ảnh chụp trang Đời sống Pháp luật.
Sự việc xảy ra vào ngày 12/10/2020, sau khi để lại thư tuyệt mệnh thì Chu Kiếm, 16 tuổi, đã gieo mình xuống sông tự vẫn tại thành phố Thái Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Lá thư tuyệt mệnh bày tỏ cảm giác của cậu học sinh này thấy có lỗi với cha mẹ khi quyết định kết thúc cuộc đời mình, cậu bày tỏ mối tình đầu của mình với cô bạn cùng lớp.
Lá thư đó còn nói rõ nguyên nhân tự sát là do những lời xúc phạm của cô chủ nhiệm chỉ khiến em muốn đập đầu chết đi. Chính cô là người đã phá hủy đi ánh trăng sáng của em và phá hủy sự cứu rỗi của em.
Sau 13 ngày kể từ lúc tự vẫn, thi thể của em vẫn để ở nhà tang lễ. Mẹ của em đã nhiều lần đến trường để xác minh sự thật ghi trong bức thư tuyệt mệnh đấy nhưng tuyệt nhiên bị từ chối. Thậm chí đến giờ nhà trường ấy không cho bà bước vào nữa. Bức xúc bà quyết đòi lại công lý cho con trai mình.
Nghe bà mẹ của cậu học sinh này kể, cậu được nhận vào ngôi trường cấp 3 từ tháng 9/2019. Cuộc sống êm đềm cho đến khi cậu nhập học được 1 tháng. Hôm đó, đi học về, con trai của bà kể chính cô chủ nhiệm yêu cầu học sinh học thêm và phải đóng tiền.
Nghĩ đến hoàn cảnh gia đình, mẹ của cậu không đồng ý cho con trai học thêm, học phí thì cậu học sinh này không nói với mẹ, nhưng bà này nghĩ cũng không cần thiết vì trong nhà cũng chẳng có nhiều tiền. Cự tuyệt lớp phụ đạo, cuộc sống học tập của cậu bé dần gặp nhiều biến cố. Cô giáo chủ nhiệm bộc lộ rõ thái độ với cậu bé.
Liên tục nhiều ngày sau đó mỗi lần đi học về, cậu đều kể cô cứ nhắm tới mình, dù không nói rõ nguyên nhân như cậu vẫn cảm nhận được điều đó. Dường như hành động ấy để “giết gà, dọa khỉ”, khiến học sinh phải nghe lời, đi học phụ đạo.
Từ tháng 11/2019, mâu thuẫn giữa cô và trò ngày càng rõ ràng. Sau đó do ảnh hưởng dịch bệnh nên học trực tuyến, đỡ phải tiếp xúc với cô giáo. Nhưng chưa hết, mãi đến tháng 9/2020, khi năm học mới bắt đầu, số phận nghiệt ngã lại gieo rắc, cậu bé lại tiếp tục học lớp do cô này chủ nhiệm.
Câu đầu tiên, cô bảo, sao lại là em, tôi không muốn thấy em. Nghe con kể, bà mẹ chỉ biết an ủi con cố gắng, biết đâu cô chỉ muốn con nỗ lực.
Cho đến tối ngày 12/10/2020, cậu bé đi học về nhưng có nhiều biểu hiện bất thường, cậu không mang cặp sách, không ăn tối mà ở lỳ trong phòng. Nghĩ đến trước đó không lâu, cậu bé vẫn ở thứ hạng 16 trong lớp nên bà mẹ không để tâm. Nhưng đến sáng hôm sau, bà không thấy con trai, bà vội vàng gọi điện thoại thì nghe tiếng nhân viên siêu thị bắt máy. Người này cho biết, chủ nhân điện thoại để lại siêu thị nói trong vòng 03 ngày không ai gọi đến thì hãy gọi cho mẹ cậu, số máy là…
Linh cảm của người mẹ có chuyện chẳng lành, bà báo cảnh sát, trích xuất camera mới thấy cậu đã đi ra khỏi nhà lúc 1 giờ sáng ngày 13/10/2020 và ngồi ở siêu thị, rồi cậu đi bộ lên cây cầu gần đó, cảnh sát đã tìm thấy một chiếc áo khoác và một đôi giày của cậu tại đây.
3 ngày sau, thi thể của cậu được tìm thấy. Mẹ cậu rớt nước mắt, nói đứa trẻ ngoan ngoãn như cậu, sắp tròn 17 tuổi, làm sao có thể tin được là nó không còn nữa, thậm chí trước đó cậu có thái độ phàn nàn chuyện học không như ý, nhưng không lộ biểu hiện gì của một người muốn tự tử.
Bức thư tuyệt mệnh cậu để lại rất nhiều lần nói đến cô chủ nhiệm, thậm chí cô còn lôi chuyện tình cảm của cậu ra nói, bức xúc cậu trả lời ai mà không có lòng tự trọng. Xem trang cá nhân trên mạng xã hội của con, bà mẹ mới thấy dòng tâm sự “Nếu tôi thật sự chết đi thì chính là do giáo viên chủ nhiệm đã ép chết tôi”.
Được biết, nội dung lá thư này cũng đã gửi cho chính cô giáo chủ nhiệm qua điện thoại trước khi cậu rời nhà. Chưa rõ thực hư thế nào, nhưng điều khiến gia đình cậu bé phẫn nộ nhất là thái độ lạnh nhạt và cách giải quyết của nhà trường lẫn Phòng Giáo dục.
Mẹ của cậu cho biết, bồi thường không quan trọng, chỉ là muốn đòi lại công lý cho con trai. Hiện vụ việc vẫn đang được điều tra và đặc biệt nhận được sự quan tâm từ dư luận Trung Quốc.
Để coi cảnh sát sẽ điều tra ra sao, nhưng nếu chắc chắn nguyên nhân chính từ bà cô chủ nhiệm này thì phải bị trừng trị thích đáng. Làm nghề giáo cần cái tâm, mà chữ tâm đi đâu mất rồi, thì vô nghĩa, còn gì là đào tạo nên thế hệ trẻ được nữa.
Ở Việt Nam, theo quy định tại Điều 130 của Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, có đề cập, người nào đối xử tàn ác, thường xuyên ức hiếp, ngược đãi hoặc làm nhục người lệ thuộc mình làm người đó tự sát thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm. Nếu có nhiều nạn nhân, hoặc nạn nhân là trẻ em, phụ nữ mang thai, thì phải áp dụng hình phạt tù cao hơn, là từ 05 năm đến 12 năm.
Trong xã hội hiện đại và ngày càng phát triển hiện nay, các vấn đề liên quan đến tâm lý con người ngày càng được coi trọng, khi mà tỷ lệ trẻ em mắc bệnh tự kỷ gia tăng, người trẻ tự sát cũng nhiều vì những áp lực trong cuộc sống, thêm nữa, ở độ tuổi con học cấp 2 và 3 là độ tuổi khá nhạy cảm, nhất là với trẻ thành thị, khi chúng không có môi trường, không gian riêng để chơi với bạn bè, suốt ngày chỉ tập trung vào chuyện học, dễ dẫn đến những áp lực, stress và gây các bệnh lý về thần kinh khác.
Điều mà cha mẹ nên làm khi có con trong độ tuổi này là phải thường xuyên quan tâm, theo dõi chuyện học của con, để khi thấy con có bức xúc gì ở trường học, lớp học thì hãy cùng con, giúp con giải quyết triệt để, đừng im lặng cho qua hay trong một số trường hợp khuyên con nhẫn nhịn, chịu đựng… vì lâu ngày dễ bộc phát những hành động nông nỗi mà gia đình có thể phải hối hận về sau.
Tổng hợp