Chà, không biết sửa đổi quy định này xong, tình hình an toàn giao thông sẽ ra sao đây?
Hồi lúc Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ được ban hành, báo chí tuyên truyền rầm rộ. Quãng thời gian đầu khi Nghị định này có hiệu lực, dạo vòng quanh thành phố, mấy hàng quán vắng vẻ hẳn ra. Kèm theo ảnh hưởng của dịch bệnh kéo dài, nên đã vắng này còn vắng hơn.
Không biết có phải vì phạt nặng, mà số tài xế vi phạm nồng độ cồn giảm hẳn, đặc biệt là số tai nạn giao thông vì lỗi này cũng giảm đáng kể.
Nhiều mẹ ghét mấy ông chồng hay uống rượu bia, rồi ghét luôn cả mấy người say xỉn tông xe làm chết người, nên nghe phạt nặng mấy kẻ vi phạm nồng độ cồn là khoái lắm.
Nhưng có vẻ như, mọi thứ quy định đều có “cái được, cái mất”, nên thành ra, trong một diễn đàn để tháo gỡ khó khăn cho ngành công nghiệp rượu, bia, nước giải khát, cho thấy sản lượng doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp này giảm từ 20% đến 40% - theo nguồn tin từ báo Pháp Luật.
Ảnh chụp báo Pháp Luật.
Đi cùng với sự sụt giảm về doanh thu và lợi nhuận, chính là nguồn thu ngân sách nhà nước cũng giảm đáng kể. Theo lộ trình, ngành công nghiệp rượu bia được giảm các khoản thuế, lệ phí như thuế xuất nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân, thuế tài nguyên, thuế sử dụng đất nông nghiệp, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp và thuế bảo vệ môi trường…
Đứng trước khó khăn đó, Chủ tịch Hiệp hội Bia Rượu Nước Giải khát Việt Nam gửi văn bản cầu cứu Chính phủ, bởi ngành bị tác động mạnh do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Trong số các doanh nghiệp nhận được gói hỗ trợ vì ảnh hưởng của dịch thì các doanh nghiệp rượu, bia không nhận được khoản hỗ trợ này.
Phía đại diện cơ quan thuế cũng nêu, cần tạo sự bình đẳng giữa ngành này với các ngành khác, trong việc tiếp cận nguồn lực, chính sách. Và đặc biệt “Chúng ta chỉ chống tác hại của rượu, bia chứ không phải chống rượu bia…”
Thử so sánh mức xử phạt vi phạm nồng độ cồn khi lái xe giữa Nghị định 46/2016/NĐ-CP và Nghị định 100/2019/NĐ-CP, để biết rằng những người vi phạm đã bị phạt nặng cỡ nào?
* Đối với ô tô:
- Lái xe mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở: Hiện tại áp dụng mức phạt từ 6 triệu đồng đến 8 triệu đồng, trong khi trước đó, áp khung hình phạt từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng.
- Lái xe mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở: Hiện tại áp mức phạt từ 16 triệu đồng đến 18 triệu đồng, trong khi trước đó, nếu vi phạm chỉ áp mức phạt từ 7 triệu đồng đến 8 triệu đồng.
- Lái xe mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở: Hiện tại áp mức phạt từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng, dù trước đó lại áp mức phạt chỉ từ 16 triệu đồng đến 18 triệu đồng.
* Đối với xe gắn máy:
- Lái xe mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở: Hiện tại áp dụng mức phạt từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng, trước đó không áp dụng phạt trong trường hợp này.
- Lái xe mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở: Hiện tại áp mức phạt từ 4 triệu đồng đến 5 triệu đồng. Trước đó, nếu vi phạm chỉ áp mức phạt từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng.
- Lái xe mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở: Hiện tại áp mức phạt từ 6 triệu đồng đến 8 triệu đồng, trước đó lại áp mức phạt chỉ từ 3 triệu đồng đến 4 triệu đồng.
Đồng thời, đại diện Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia cho biết, mục đích tăng nặng mức phạt vi phạm nồng độ cồn tại Nghị định 100, không phải cấm người dân uống rượu bia mà chỉ để phạt những người uống rượu bia rồi lái xe.
Theo thống kê, số lượng người qua đời vì tai nạn giao thông trong năm 2020 giảm sâu so với 10 năm trở lại đây. Số vụ vi phạm bị phạt cũng giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Họ cho biết không phân tích được nguyên nhân giảm do đâu, có phải do Nghị định 100 hay không.
Nhưng có nhiều nhận định từ một số chuyên gia, năm nay là một năm kinh tế buồn, do ảnh hưởng của đại dịch bệnh toàn cầu, nên ngành rượu bia ảnh hưởng rất nặng nề.
Mục tiêu của việc xử phạt là rất cao, có tiến bộ và đáng được ghi nhận. Nhưng có một số điều khoản chưa hợp lý, ví dụ như cứ có nồng độ cồn trong máu là phạt, dù chưa tới ngưỡng quy định. Việc áp như vậy là khiên cưỡng, vội vàng, ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội, đặc biệt là doanh nghiệp trước sức ép thu ngân sách.
Tai nạn giao thông ở Việt Nam tăng cao, theo đánh giá là do người dân sử dụng xe cá nhân quá nhiều, lại thêm cơ sở hạ tầng chưa đảm bảo, khi đưa chính sách cấm rượu bia cũng cần có cơ chế để người dân có thể uống rượu bia mà vẫn có xe chở về nhà.
Nghe tới đây, nhiều mẹ phản đối nè, vì nếu giảm mức phạt, mấy ông chồng sẽ “ngựa quen đường cũ” cho coi, lại tiếp tục những chuỗi ngày tháng, tai nạn giao thông liên miên cho coi. Nhưng mà nếu nhìn tổng thể, cần phải cân nhắc, lợi và hại, cái nào nhiều hơn thì phải điều chỉnh lại cho phù hợp. Vì nền kinh tế giảm sút thì mình cũng bị ảnh hưởng đó nha mẹ.
Tổng hợp