Hành động thanh niên quăng bó hoa ngay sau khi rời khỏi khu cách ly là điều đáng suy ngẫm về cách thể hiện lòng biết ơn ở một số người trẻ ngày nay.

hình ảnh

Câu chuyện thanh niên quăng bó hoa ngay sau khi rời khỏi khu cách ly được dân mạng kể lại như sau: Một thanh niên tên V.Q.C  27 tuổi ở Cầu Diễn, phường Minh Khai, Q Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội được cách ly 14 ngày tại Bệnh viện Đa Khoa huyện Quốc Oai TP. Hà Nội. Sau khi nhận kết quả xét nghiệm âm tính và đủ thời gian cách ly anh được cho về nhà. Tuy nhiên, nhiều người phẫn nộ vì bó hoa lãnh đạo bệnh viện tặng anh ngày hoàn thành thời gian cách ly chưa kịp nóng tay đã nằm trong thùng rác. 

Thực hư câu chuyện không rõ đã chính xác hay chưa nên việc chỉ trích anh thanh niên quăng bó hoa ngay sau khi rời khỏi khu cách ly lúc này mà chưa nghe từ hai phía là vội vã. Vả lại, tôi cũng không thích lên án người khác nhất là khi chưa rõ ngọn nguồn sự việc. Tôi chỉ mượn hành động quăng bó hoa kia để nói về giá trị của những bó hoa dành tặng nhau và sự vô ơn ở "những đứa trẻ to xác" do được nuông chiều từ gia đình.

hình ảnh

Nguồn ảnh: Facebook

Vào những dịp đặc biệt như ngày Nhà giáo Việt Nam, ngày Quốc tế phụ nữ, ngày của Mẹ hay để kỷ niệm một mốc thời gian, thời điểm nào đó... chúng ta thường dành tặng nhau những bó hoa tươi thắm. Đó không chỉ là một bó hoa mang giá trị vật chất mà thể hiện sự biết ơn, lòng trân quý. Là cha mẹ, khi chúng ta đưa con đi mua một bó hoa tặng thầy cô giáo, bao giờ cũng phải giải thích cho con hiểu đó là hoa của lòng biết ơn, tri ân công lao dạy dỗ của quý thầy cô. Khi con phải dùng đến số tiền tiết kiệm để mua hoa tặng mẹ ngày 8/3, thì bó hoa đó giá trị không hệ tại ở vật chất nữa mà mang một ý nghĩa của sự biết ơn. Bởi vậy, một bó hoa chúng ta dành tặng nhau và dạy con cái làm theo mang giá trị giáo dục quan trọng. 

Giá trị của một bó hoa khi gởi đến những người hết thời hạn cách ly là sự chúc mừng. Đó là hành động nhân văn. Nhưng nếu bó hoa dành tặng cho đội ngũ y bác sĩ, những nhân viên tình nguyện ở tuyến đầu đang cùng cả nước chống dịch thì đó là giá trị của sự trân quý và lòng biết ơn vô hạn.

Trong quá trình giáo dục con, chúng ta luôn hướng đứa trẻ đến tư tưởng và hành vi của người sống với lòng biết ơn. Nhà văn nổi tiếng William Arthur Ward từng nói: “Lòng biết ơn có thể biến những ngày bình thường thành những ngày lễ tạ ơn, biến những công việc thường ngày thành niềm vui và thay đổi những cơ hội thông thường thành phước lành”. Sự khác biệt giữa một nhân cách vĩ đại và người bình thường cũng từ sự biết ơn. Cũng chính vì vậy, cốt lõi xuyên suốt trong giáo dục trẻ em từ tuổi thơ ấu đến khi trưởng thành là làm sao để đứa trẻ luôn biết ơn với những gì mình đang có mà không phải trở thành người vô ơn, vô cảm.

Khi nhìn bó hoa còn tươi cong, gọn gàng bị quẳng vào sọt rác, hẳn nhiên không nói ra nhưng có lẽ những nhân viên phục vụ trong khu cách ly không thể không chạnh lòng. 

Vậy làm sao để không tạo ra những đứa trẻ vô ơn, vô tâm? 

Ba mẹ hãy làm gương cho con

Tôi nghĩ trước hết ba mẹ phải là người làm gương trong gia đình. Cách người lớn cư xử sẽ được trẻ bắt chước và lặp lại sau đó. Hãy luôn nói cảm ơn để thể hiện lòng biết ơn những gì người khác làm cho mình, thậm chí ba mẹ cũng phải cảm ơn con nếu nhận sự giúp đỡ từ đứa trẻ. Lưu ý sự cảm ơn phải thể hiện sự thành tâm, tránh hôm trước nói lời cảm ơn hôm sau đã oang oang nói xấu người giúp mình, như vậy chỉ dạy trẻ vô ơn mà thôi.

Dạy con sống tự lập

Từ nhỏ hãy tập cho trẻ thói quen tự lập, tránh làm thay mọi việc cho con. Đặc biệt, ba mẹ phải chia sẻ việc nhà, những công việc vừa sức vừa tuổi với con để dạy trẻ sống có trách nhiệm với gia đình. Một đứa trẻ sống có trách nhiệm sẽ không ích kỷ, chỉ nghĩ đến bản thân, sẽ biết cẩn trọng trong từng hành động nhằm tránh gây tổn thương người khác.

Không nuông chiều con thái quá

Nếu cha mẹ đáp ứng hết mọi đòi hỏi của con sẽ khiến trẻ cảm thấy tất cả đều dễ dàng sở hữu mà không cần phải cố gắng. Từ đó con sẽ không biết trân trọng những gì mình có, dễ nảy sinh suy nghĩ mọi người có trách nhiệm phải phục vụ mình, quen với việc “nhận mà không biết xấu hổ”. Đây là con đường ngắn nhất để tạo ra những đứa trẻ ích kỷ, vô ơn.

Để khắc phục tình trạng này, ba mẹ không nên đáp ứng hết mọi đòi hỏi của con đồng thời hãy trả công cho con (bằng tiền hay hiện vật) khi trẻ làm việc nhà để con nhận ra chúng phải lao động để có thứ mình muốn.

Mua nhiều sách cho con đọc

Sách không chỉ cung cấp kiến thức mà còn có khả năng “cảm hóa” trẻ. Vậy nên ba mẹ cũng có thể dùng những câu chuyện ý nghĩa trong sách để dạy con, giúp con phân biệt đúng sai và định hướng cho con trong quá trình hình thành nhân cách.

Thành thật mà nói hình ảnh thanh niên quăng bó hoa ngay sau khi rời khỏi khu cách ly khó có thể nhận được sự cảm thông từ người khác. Dù vô tình hay cố ý, hành động đó được xem là vô ơn với những người đang miệt mài ngày đêm ở tuyến đầu chống dịch. Nếu không thể làm được điều gì tốt đẹp cho cộng đồng lúc này thì ít ra cũng nên biết cách ứng xử khi nhận về sự giúp đỡ của ai đó.