Người nhà chuẩn bị xuất viện, nam thanh niên trộm hết nước rửa tay trong viện với mục đích cho cả nhà dùng để phòng ngừa lây nhiễm Covid-19.

Sự việc bị dư luận chỉ trích xảy ra vào ngày 24-3 tại Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (tỉnh Phú Thọ). Trong lúc chuẩn bị cho người nhà xuất viện, nam thanh niên trộm hết nước rửa tay trong viện bằng cách trút hết dung dịch nước rửa tay vào chai đã chuẩn bị sẵn rồi gắn các vỏ chai lên tường lại như cũ cho bệnh viện.

Từ chuyện thanh niên quẳng bó hoa khi rời khu cách ly, hãy dạy con dành hoa biết ơn cho những ai xứng đáng

Hành vi của anh ta được phát hiện nhờ hệ thống camera giám sát an ninh của bệnh viện. Công an đã vào cuộc điều tra và mời đối tượng lên làm việc. Theo lời khai của nam thanh niên trộm hết nước rửa tay trong viện, do bản thân và người nhà cần nước sát khuẩn để … phòng chống Covid-19 nhưng không biết mua ở đâu nên đành làm liều lấy ở bệnh viện. Tang vật thu hồi là hơn 2 lít dung dịch đã được sang chiết và đựng vào các chai nhựa loại 0,5 lít. 

hình ảnh

Ảnh minh họa

Theo Đại tá Nguyễn Đức Nhưng - Nguyên phó phòng CSĐT công an tỉnh Phú Thọ - Trưởng phòng an ninh, pháp chế bệnh viện, hành vi của nam thanh niên đã cấu thành tội "trộm cắp tài sản". Đặc biệt là tài sản đánh cắp lại thuộc nhóm "thuốc, vật tư thiết yếu để phòng dịch" nên hoàn toàn có thể bị xử lý trước pháp luật.

Bệnh viện đã lập biên bản cảnh cáo, nhắc nhở đối với hành vi trộm cắp, yêu cầu “đương sự” cam kết không tái phạm. Tuy nhiên xét thấy hành vi này xuất phát từ ý thức trong việc bảo vệ chính mình và người thân trong gia đình trước đại dịch Covid-19… nên lãnh đạo bệnh viện đã quyết định tặng nam thanh niên một chai dung dịch sát khuẩn mới 500ml, thu hồi toàn bộ dung dịch đã bị sang chiết trái phép để tiêu hủy do không đảm bảo tính sát khuẩn trong quá trình sang chiết.

Mục đích của nam thanh niên này không xấu nhưng cách thức để biến mục tiêu thành kết quả thì khó có thể chấp nhận. Nước rửa tay là tài sản của bệnh viện, phục vụ cho tất cả mọi người mà bạn biến thành của riêng, đó chính là hành vi xuất phát từ tham lam và gian dối.

Thói ăn cắp vặt dường như xảy ra ở rất nhiều người thuộc mọi đối tượng tầng lớp. Đôi khi việc ấy diễn ra phổ biến đến nỗi người ta không ý thức được hành vi của mình là sai. Họ mặc định việc lấy ở công ty một cuộn giấy, vài con đinh ốc vít thì có đáng gì nên tiện có sẵn thì đem về dùng khỏi mua. Tuy nhiên, thói hư nhặt chỗ này một ít, chỗ kia một ít, tưởng vô hại nhưng hại không tưởng. Điều đó ảnh hưởng đến cách người xung quanh đánh giá bạn. Một người không thật thà sẽ khó được cấp trên đề bạt vào những vị trí quan trọng, ảnh hưởng đến con đường thăng tiến. Một ông sếp có tính tham vặt sẽ khó quản lý nhân viên vì họ không “tâm phục”, nể nang.

Ở nhà, bố mẹ có tính cắp vặt, trẻ con cũng dễ nhiễm thói xấu này. Cơ bản là trẻ chứng kiến thường xuyên hành vi gian dối ở cha mẹ nên không biết đó là thói quen đáng phê phán. Vậy nên muốn dạy con thật thà, ba mẹ nhất định phải làm gương cho con.

Mặt khác, trẻ nhỏ hay nhận vơ các món đồ chơi, kẹp tóc… của bạn bè trong lớp và đem về nhà. Nếu phát hiện, ba mẹ phải chấn chỉnh ngay, giúp con hiểu đó là tài sản của người khác, phải trả lại. Không được bao che, cho rằng con còn nhỏ nên xem đó là việc bình thường rồi cho qua bởi ông bà ta từng dạy “ăn cắp quen tay, ngủ ngày quen mắt”. Tham lam một lần không được nhắc nhở, răn đe sẽ có lần hai, lần 3… Ăn cắp lần đầu món nhỏ, sau sẽ trượt dài trở thành trộm cắp chuyên nghiệp để phục vụ cho nhu cầu không đáy của bản thân.

Hành vi của nam thanh niên trộm hết nước rửa tay trong viện tuy không bị truy cứu hình sự, nhưng cũng là bài học đáng suy ngẫm cho những ai quen với việc “nhặt nhạnh” đồ đạc bên ngoài để biến thành tài sản riêng của mình.

Nguồn bài và ảnh: Sức khỏe và đời sống, Nhịp sống Việt, netnews