Nhiều đứa trẻ cha mẹ đến đón muộn vẫn vui vẻ, bình thường vì chúng biết cái khó của cha mẹ, đâu ra chuyện hủy hoại con ở đây.
Trước đây em từng đọc được một số bài viết về chuyện đón con tan học muộn là hủy hoại con. Có bài viết còn bảo “con được bố mẹ đón về sớm là báu vật, con bị đón muộn như ngọn cỏ”. Thực tế, con người ta toàn con vàng con bạc cả đó, ai mà chẳng thương con, ở đâu ra lối so sánh tình thương con khập khiễng như vậy, đến đón con tan học muộn cũng chỉ vì bất đắc dĩ thôi.
Có 3 sự “hủy hoại” con vì đến đón muộn được đưa ra:
1. Đón con muộn sẽ phá hủy cảm giác an toàn của trẻ.
2. Phá hủy nhận thức của trẻ em về các quy tắc.
3. Phá bỏ khái niệm về thời gian của trẻ.
Sau đây là ý kiến phản bác với từng lý lẽ trên.
Nuôi dưỡng cảm giác an toàn cho con không xảy ra trong một sớm một chiều
Việc nuôi dưỡng cảm giác an toàn đã bắt đầu ngay từ khi mới sinh ra. Ý thức về các quy tắc và khái niệm về thời gian cũng không ngừng được trau dồi và củng cố trong mỗi cuộc sống hàng ngày, và sẽ không bị thăng hoa hay phá hủy bởi một điều duy nhất là đón con đi học về muộn.
Ảnh: nanmuxuan
Trẻ cảm thấy an toàn khi sống trong gia đình yêu thương con chứ không phải trong gia đình đến đón con đúng giờ nhưng lại hay mắng mỏ, gò bó con. Hơn nữa, không phụ huynh nào nỡ lòng “cố tình” đón con muộn.
Nếu cha mẹ đến đón con muộn thường xuyên sẽ do đặc thù công việc của cha mẹ không thể sắp xếp được, chắc hẳn cha mẹ sẽ luôn nói trước với con. Có thể lúc đầu đứa trẻ sẽ thấy buồn hay tủi thân, nhưng khi về đến nhà, vẫn được cha mẹ yêu thương, dần dần con sẽ hiểu và quen. Đón con muộn không có nghĩa là ngừng yêu thương con.
Còn nếu có việc đột xuất cha mẹ có thể báo với giáo viên hoặc nói rõ với con sau đó. Thật ra, những trải nghiệm cha mẹ đến đón trễ cũng góp phần để con khôn lớn, bé bắt đầu hiểu rằng cha và mẹ đều có những việc riêng, con có thể ở lại chơi với đồ chơi, bạn bè trong lúc chờ.
Việc trau dồi ý thức về các quy tắc cho con đã dạy từ nhỏ và dạy từ ở nhà
Việc hình thành các quy tắc cho trẻ quả thực là rất quan trọng nhưng nó không ảnh hưởng quá lớn từ việc đón con sớm và muộn. Quy tắc giờ giấc của trẻ thực tế đã được rèn từ lúc nhỏ, như việc ăn, ngủ, chơi, học đúng giờ, phải trải qua một thời gian dài để rèn nếp cho con.
Ảnh: VPP
Chuyện dạy con quy tắc không thể bị ép khuôn vào đúng một điểm duy nhất là giờ giấc cha mẹ đến đón đi học về, như thế là thiển cận. Trọng tâm là làm thế nào để con hiểu được lý do vì sao cha mẹ đến đón trễ hoặc vì sao có lúc cha mẹ hứa đến đón đúng giờ nhưng lại không đến được.
Thực tế, việc trẻ không tuân theo các quy tắc phần lớn là do cha mẹ không tuân thủ các nguyên tắc ngay từ những chuyện nhỏ nhặt trong nhà, đừng vội đổ lỗi cho chuyện đón con muộn.
Trẻ không mất khái niệm thời gian mà sẽ biết cách quản lý thời gian
Thời gian là một khái niệm trừu tượng, vô hình, đối với trẻ mầm non, chúng thực sự không thể hiểu được việc trễ 5 phút hay 10 phút là bao lâu, nỗi buồn của chúng chỉ dựa vào việc nhìn thấy những đứa trẻ khác được cha mẹ đón còn mình thì chưa.
Ảnh: sohu
Hơn nữa, làm thế nào để xác định đúng giờ? Ở trường mẫu giáo, các trẻ thường sẽ có sự dao động rất lớn về thời gian được cha mẹ đón. Có bé 4 giờ đã được đón, có bé 5 giờ, tất cả đều rất bình thường. Trong thời gian ở lại trường chờ cha mẹ đón, trẻ sẽ tận dụng để nặn thêm một vài hình đất sét, chơi trò đóng vai với bạn, vẽ những thứ mình thích, tiếp tục chơi với món đồ chơi mới…
Khi cha mẹ đến đón muộn sau giờ học, trẻ có thể học cách sử dụng khoảng thời gian chờ đợi này hiệu quả, tự mang lại niềm vui cho mình, đó cũng là một điều tốt. Điều cha mẹ cần quan tâm đó là con sẽ được ở nơi an toàn, trong tầm quan sát của giáo viên trong thời gian chờ cha mẹ đến đón.