Nhiều mẹ thấy con sơ sinh bị nấc cụt thì rất lo lắng, sợ hệ tiêu hóa của con có vấn đề. Tuy nhiên, nghiên cứu mới cho thấy nấc cụt là một dấu hiệu của sự phát triển não bộ mà thôi.
Trẻ sơ sinh nấc cụt là triệu chứng rất phổ biến nhưng nó lại khiến các bố mẹ, nhất là những ai lần đầu có con cảm thấy lo lắng và tìm mọi cách để chữa. Ở Việt Nam, dân gian thường chữa nấc cụt trẻ sơ sinh bằng cách ngắt cọng chiếu đã ngậm trong miệng của mẹ và dán lên trán bé. Cách khác là dùng ngón tay bịt lỗ tai hoặc cánh mũi của bé. Một cách khoa học hơn là bế con áp ngực vào lòng mẹ và tiến hành vỗ lưng để cho bé ợ hơi.
Nhưng làm gì thì làm, bố mẹ trước tiên phải giữ bình tĩnh nhé. Thật ra trẻ sơ sinh nấc cụt không đáng lo ngại. Một nghiên cứu mới từ Đại học London cho thấy trẻ sơ sinh nấc cụt là dấu hiệu của sự phát triển não bộ. Nghiên cứu này được công bố trên Tạp chí Sinh lý học thần kinh lâm sàng.
Ảnh minh họa. Nguồn: Wikihow
Nghiên cứu cho rằng một đứa trẻ khi nấc cụt có nghĩa là não phát triển để kiểm soát hệ hô hấp trong cơ thể. Kết luận được đưa ra sau khi tiến hành quét não sơ sinh và phân tích dữ liệu để hiểu được vì sao trong bụng mẹ thai nhi đã bắt đầu nấc cụt, sớm nhất là từ tuần thứ 9 thai kỳ.
Theo Harvard Health giải thích “nấc cụt xảy ra khi não báo hiệu cơ hoành hút nhiều không khí” và khi cơ hoành co thắt không theo nhịp thở sẽ gây ra những tiếng nấc.
Còn bác sĩ Lorenzo Fabrizi cho rằng hoạt động nấc cụt có thể giúp não bộ của bé học cách kiểm soát hơi thở. Do đó, những tiếng nấc cụt ở trẻ sơ sinh có thể coi là sự phát triển não bộ ở trẻ.
Để đưa ra kết luận, các nhà nghiên cứu đã tiến hành thu thập dữ liệu từ 13 trẻ sơ sinh, bao gồm cả việc quan sát thai nhi trong giai đoạn từ tuần 30 – 40 của thai kỳ.
Các nhà nghiên cứu đã sử dụng máy điện não (EEG) để kiểm tra mối quan hệ giữa chức năng não bộ và tiếng nấc. Họ phát hiện ra rằng khi cơ hoành co thắt trong lúc nấc sẽ có 3 sóng não lớn tương ứng. Sóng não thứ ba tạo ra mối liên hệ giữa tiếng nấc và chuyển động của cơ hoành. Tất cả các cơn nấc xảy ra ở trẻ sơ sinh xảy ra trong lúc đang ngủ hoặc thức.
Kimberly Whitehead, một trong số các nhà nghiên cứu cho biết: “Sự co thắt của các cơ tạo ra tiếng nấc rất tốt cho bộ não đang phát triển vì nó giúp các tế bào não kết nối với nhau, cũng như có thể dạy trẻ sơ sinh hiểu và thực hành hơi thở”.
Bà cũng nói thêm rằng “Những gì đã phát hiện giúp chúng tôi hiểu tiếng nấc nhiều hơn. Mặc dù với người lớn nó có vẻ không hề dễ chịu nhưng đó là bước phát triển quan trọng về thể chất của trẻ sơ sinh”.
Nấc cụt thường xuất hiện sau khi bú
Phổ biến nhất là trẻ sơ sinh nấc cụt sau khi bú. Nó khiến nhiều bố mẹ lo lắng vì e ngại con gặp vấn đề tiêu hóa. Nhưng bố mẹ đừng lo lắng quá, điều này rất bình thường đối với bất kỳ đứa trẻ sơ sinh nào.
Điều gì gây ra nấc cụt
Nấc cụt ở trẻ sơ sinh là do dạ dày mở rộng sau khi bú lượng sữa đầy. Nó gây áp lực lên cơ hoành tại điểm nối giữa phổi và bụng. Khi cơ hoành co lại nhanh chóng so với nhịp thở sẽ phát ra tiếng nấc. Khi bé đến 4-5 tháng tuổi, những cơn nấc cụt sẽ giảm dần và biến mất.
Cách chữa nấc cụt cho trẻ sau khi ăn
Có thể khum bàn tay và vỗ lưng cho bé ợ hơi khi thấy trẻ sơ sinh nấc cụt hoặc cho bé đầu tựa vào vai mẹ và xoa lưng, sau đó đưa đi vài vòng quanh nhà để sữa xuống dạ dày nhanh hơn. Cách khác có thể cho bé bú nhưng không cần thiết phải cho uống nước nếu bé chưa đủ 6 tháng tuổi vì có thể gây ngộ độc nước.
Nguồn: Phillyvoice, th. theasianparent